Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Về tinh thần lạc quan cách mạng

Lạc quan là cách nhìn, thái độ tin tưởng ở tương lai tốt đẹp. Thí dụ: Sống lạc quan yêu đời.

Người có tinh thần lạc quan cách mạng là người cách mạng luôn tin tưởng vào tiền đồ tương lai xán lạn của cách mạng. Lạc quan cách mạng có cơ sở khoa học, không phải lạc quan vô căn cứ. Những người tin tưởng vào những điều không thực tế thường bị cho là lạc quan tếu.

Bất cứ sự vật nào cũng phải được xây dựng trên cơ sở nhận thức của con người. Lạc quan cách mạng cũng vậy. Nhưng, những người cách mạng khác với con người bình thường ở việc nhận thức được quy luật phát sinh, phát triển của xã hội loài người. Vì vậy, có những việc họ nhìn thấy xa hơn ở tương lai nên niềm tin giúp cho họ vượt qua mọi gian nan nguy hiểm, cả hi sinh mạng sống của mình phấn đấu cho tương lai của đất nước, dân tộc. Người chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, là nhà cách mạng luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Khi Người sang Trung Quốc, bị quân Tưởng bắt giam đày qua hàng chục nhà tù, chịu bao gian nan, vất vả, nhưng Người vẫn thể hiện tinh thần lạc quan: “Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây/ Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do” (Khai quyển – Nhật ký trong tù), hay: “‘Ngoại cảm’ trời Hoa cơn nóng lạnh/ “Nội thương” đất Việt cảnh lầm than/ Ở tù mắc bệnh càng cay đắng/ Đáng khóc mà ta cứ hát tràn!” (Ốm nặng – Nhật ký trong tù)…

Suốt thời gian bị giam, Bác vẫn giữ phong cách ung dung của một chiến sĩ cách mạng là luôn tin tưởng ngày trở về với đồng chí, đồng bào.

Về nước, Người phải sống trong hang Cốc Bó, thiếu thốn gian khổ đủ bề, nhưng Bác vẫn lạc quan cách mạng: “Sáng ra bờ suối tối vào hang/ Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang!” (Tức cảnh Pắc Bó).

Chúng ta biết những nhà cách mạng tiền bối như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai... trước khi hi sinh luôn tin tưởng cách mạng sẽ giành thắng lợi cuối cùng. Ngay như anh Nguyễn Văn Trỗi, người thanh niên công nhân mới tham gia cách mạng vài năm, khi bị bắt, địch tra tấn dã man, đưa ra pháp trường nhưng anh vẫn hiên ngang hô to “Hồ Chí Minh”. Trong kháng chiến, sống trong rừng, đói cơm, thiếu muối, gian khổ vô cùng, bom đạn thù luôn trút xuống hi sinh bất cứ lúc nào, nhưng người chiến sĩ cách mạng vẫn luôn lạc quan tin tưởng tuyệt đối sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo sẽ giành toàn thắng.

Một tấm gương lạc quan cách mạng nhiều người biết là đồng chí Phạm Hồng Sơn (1922 – 1967), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307 anh hùng, một tiểu đoàn nổi tiếng nhiều phen làm quân Pháp phải bạt vía kinh hồn; anh đã cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công. Nhưng không may trong trận cuối cùng chống giặc càn tại Long Châu Hà, anh bị thương do dính mảnh đạn vào cột sống. Ra miền Bắc năm 1954, anh được điều trị tại Quân y viện 103. Liệt nửa người, đại tiện, tiểu tiện không làm chủ, thường xuyên sốt cao và chịu những cơn đau buốt giằng xé, lở loét nửa thân người dưới, chịu cuộc sống nặng nề. Một lần, Chính ủy Cục Quân y tới thăm, ông gợi ý anh em có thể tự học ngoại ngữ tạo niềm vui trên giường bệnh và khỏi bỏ phí thời gian. Cả phòng hưởng ứng, lao vào học. Được vài tuần, mọi người lần lượt bỏ hết. Riêng Phạm Hồng Sơn là trụ được. Từ sáng sớm đến chiều tối, với một ngọn đèn tù mù, mỗi ngày Sơn học thuộc 40 từ, sau nâng lên 50, 60 từ. Thời gian như ngắn lại, không lê thê như trước. Tư tưởng bi quan không còn chỗ đứng. Càng học càng thấy khó, nhưng Sơn đã vượt qua cái khó này và cả sự đau đớn của những cơn đau hành hạ, nhất là mùa Đông giá rét tê cóng thấu xương. Và Phạm Hồng Sơn đã trở thành một dịch giả, chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học của Nga được các nhà xuất bản trân trọng in phát hành. Một tờ báo của Liên Xô lúc đó đã có bài viết ca ngợi Phạm Hồng Sơn và tặng anh danh hiệu “Pavel Korchagin của Việt Nam”…

Công tác tư tưởng đã góp phần rất quan trọng trong việc xây dựng và giữ vững tinh thần lạc quan ấy. Một trong những loại hình nghệ thuật góp phần to lớn là âm nhạc. Có thể nói mà không quá lời, có những bản nhạc tạo sức mạnh như cả một sư đoàn; có những bài hát làm xao xuyến, rung động bao trái tim, thúc giục bao người hăng say chiến đấu không sợ hi sinh, gian khổ.

Ngày xưa trong kháng chiến, tư tưởng lạc quan cách mạng là vũ khí sắc bén của người cán bộ, chiến sĩ. Ngày nay, trong hòa bình, tinh thần lạc quan cách mạng vẫn là tài sản không thể thiếu với tất cả mọi người. Ai cũng cần có niềm tin, lúc nào cũng cần có niềm tin và sự lạc quan, nhưng lạc quan cách mạng phải được xây dựng có căn cứ, có cơ sở vững chắc. Như vậy, lạc quan cách mạng không phải là mơ hồ, là lạc quan tếu.

Mỗi người cần xây đắp cho mình tinh thần lạc quan cách mạng để có thêm sức mạnh trên đường đi tới. Lạc quan cách mạng là vốn quý của mỗi cán bộ, đảng viên, khi lạc quan yêu đời sẽ hăng hái khi làm việc và có năng suất, hiệu quả cao. Lạc quan cách mạng cần được nuôi dưỡng trong tư tưởng, tình cảm của mỗi người.

Nguyễn Hải Phú

tin khác

Thông báo