Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tư tưởng "Dân là gốc" và bài học tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

1. Tháng 12-1986, Đảng ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, chính thức đưa ra đường lối đổi mới, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tại Đại hội này, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Nhận trọng trách Tổng Bí thư khi bối cảnh trong nước và quốc tế cực kỳ phức tạp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng vững tay chèo lái con thuyền cách mạng, nêu cao quyết tâm, kiên trì đổi mới toàn diện cả về kinh tế, tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị. Trong đó, nổi bật là tập trung xây dựng, củng cố, chỉnh đốn Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp đổi mới tiếp tục phát triển đúng định hướng.

Có thể khẳng định, thành công của Đại hội Đảng lần thứ VI trước hết là lựa chọn và trao trọng trách Tổng Bí thư cho đồng chí Nguyễn Văn Linh. Vang mãi trong chúng ta lời phát biểu của đồng chí trong diễn văn đọc tại phiên khai mạc Đại hội Đảng lần thứ VI ngày 15-12-1986: “Phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta”(1).

2. Đại hội Đảng lần thứ VI đã tổng kết bài học quan trọng hàng đầu là trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “dân là gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Trong điều kiện cầm quyền, Đảng phải đặc biệt chăm lo củng cố sự liên hệ giữa Đảng và nhân dân, tiến hành thường xuyên cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng. Đại hội VI cho rằng, Đảng cần đổi mới phong cách làm việc, tác phong đi sâu, đi sát thực tế, nắm bắt thông tin nhanh chóng và chính xác; mở rộng sinh hoạt dân chủ; nghiên cứu những kinh nghiệm sáng tạo của cơ sở; lắng nghe ý kiến của quần chúng; các chủ trương quan trọng đều phải được bàn bạc và quyết định tập thể; người lãnh đạo phải biết nghe ý kiến trái với mình. Đại hội VI cũng khẳng định: “Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, là nhân tố quyết định sự phát triển của cách mạng nước ta”.

Ngày nay, đọc lại những dòng nghị quyết đúng đắn, mang tính chiến đấu mạnh mẽ của Đại hội VI gần 30 năm trước - đại hội đổi mới như mọi người vẫn gọi - chúng ta càng thấy rõ công tác xây dựng Đảng quan trọng nhường nào và bài học về tư tưởng lấy “dân là gốc”, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân vẫn còn nguyên giá trị.

Như nhận định của đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng: “Anh Linh sinh ra và trưởng thành từ phong trào của nhân dân, căm ghét áp bức, bóc lột, cái ác, cái xấu, yêu thương những người lầm than đói rách, yêu thương đồng bào cùng chung máu mủ; anh lại được nhân dân đùm bọc, cưu mang, cho nên cả cuộc đời anh hướng về nhân dân, đồng cảm với nhân dân và quần chúng lao khổ. Thấu hiểu nguyện vọng và sức mạnh của nhân dân, anh đã đúc kết thành phương châm dân chủ xã hội chủ nghĩa rất giản dị, rất dễ hiểu và cũng rất khoa học: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Dân chủ, đầu tiên là người dân phải được biết, phải có thông tin, được thông tin một cách hệ thống và cặn kẽ. Dân có biết thì dân mới bàn được, bàn thật, bàn sâu, lật trái, lật phải, để đi đến một sự lựa chọn chính xác… Dân có bàn thì dân mới làm một cách tự giác, xem mọi công việc cách mạng là việc của chính mình, thống nhất được lợi ích chung và lợi ích chính đáng của mỗi người. Dân biết, dân bàn, dân làm thì dân mới có thể kiểm tra, giám sát…”(2)

Theo đồng chí Nguyễn Văn Linh, sự nghiệp cách mạng của nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đảng ta là đảng cầm quyền. Những thắng lợi và thành tựu, những thất bại và tổn thất của cách mạng đều gắn liền với trách nhiệm của Đảng. Đảng là người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng và do đó, Đảng cũng phải chịu tránh nhiệm đối với những sai lầm thất bại. Thực tế, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng cũng phạm sai lầm và đó là điều khó tránh. Vấn đề quan trọng là Đảng đã luôn đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, dựa vào dân, tin dân, dũng cảm nhận khuyết điểm trước nhân dân và có quyết tâm sửa chữa. Bản chất tốt đẹp của Đảng chỉ được giữ vững, sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo chỉ có thể phát triển và đạt được những thành tựu vững chắc khi Đảng có dân, được dân ủng hộ, mối quan hệ giữa Đảng với dân thường xuyên được củng cố. Để có được điều đó, Đảng phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao và hoàn thiện sự lãnh đạo của mình.

Và với tinh thần ấy, Đại hội Đảng lần thứ VI đã thẳng thắn thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm, chỉ ra những nguyên nhân và bài học lớn, đồng thời đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, khắc phục tư duy cũ và cách làm cũ. Đó là đường lối hợp quy luật, hợp lòng dân, cho nên được nhân dân đón nhận và hưởng ứng tích cực. Phong trào hành động cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được khơi dậy…

3. Cuộc đời hoạt động, cống hiến xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để lại cho cán bộ, đảng viên, nhân dân ta nhiều bài học quý báu, đặc biệt là bài học tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, chăm lo nâng cao quyền làm chủ của nhân dân, sống trung thực, thẳng thắn, chan hòa, gần gũi mọi người, giản dị và cần kiệm, ghét thói phô trương, hình thức. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đưa ra những ý tưởng mới, quan niệm mới, cách làm mới, góp phần có ý nghĩa quyết định làm xoay chuyển tình thế, khắc phục những bất cập, lạc hậu của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp mở đường cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Chúng ta học tập, noi gương đồng chí Nguyễn Văn Linh về tinh thần đổi mới, phát huy dân chủ, gắn bó máu thịt với nhân dân; bám sát thực tiễn, gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, lo cho dân là động lực và mục tiêu của sự sáng tạo, là phương châm, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Đảng càng cần phải phát huy cao tinh thần đổi mới, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo để hoạch định đường lối, chính sách phù hợp các quy luật khách quan và đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Chúng ta học tập tinh thần nói thẳng, nói thật với dân của đồng chí Nguyễn Văn Linh để từ đó cởi mở được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thu hẹp được khoảng cách, suy nghĩ của lãnh đạo và nhân dân; huy động được tinh thần và trí tuệ, sức người, sức của, sức sáng tạo của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Chúng ta học tập và nỗ lực làm theo tấm gương của đồng chí Nguyễn Văn Linh ở sự luôn vững tin vào sức mạnh của nhân dân. Trong bất cứ tình thế khó khăn, phức tạp nào thì dân luôn là gốc; có dân là có tất cả. Nhân dân sẽ hiến kế, sáng tạo để Đảng nắm bắt đề ra chủ trương sát hợp, thúc đẩy phong trào, tập hợp nhân dân vượt qua mọi khó khăn, tìm ra hướng đi đúng nhất.

Chúng ta học tập thái độ nghiêm túc lắng nghe ý kiến nói lên sự thật của nhân dân, tiếp thu, xử lý đến nơi đến chốn ý kiến của nhân dân với Đảng. Chúng ta biết rằng, không phải tất cả mọi ý kiến của nhân dân đều luôn hoàn toàn đúng nhưng Đảng không thể bỏ qua bất cứ ý kiến nào của nhân dân, đặc biệt là những vấn đề người dân có ý kiến nhiều lần thì càng cần phải tỉnh táo lắng nghe, chọn lọc tiếp thu, phân tích kỹ, từ đó kịp thời sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm nhằm hoàn thiện đường lối, chính sách của mình.

Chúng ta học tập đồng chí Nguyễn Văn Linh ở thái độ trách nhiệm, phương pháp tập hợp, quy tụ lòng dân bằng đường lối, chính sách đúng của Đảng, tổ chức thực hiện tốt đường lối chính sách đúng đắn đó. Bản chất tốt đẹp của Đảng chỉ được giữ vững, sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo chỉ có thể phát triển và đạt được những thành tựu vững chắc khi Đảng có dân, được dân ủng hộ, mối quan hệ giữa Đảng với dân thường xuyên được củng cố. Để có được điều đó, Đảng phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao và hoàn thiện sự lãnh đạo của mình. Để đường lối, chính sách đúng của Đảng đi vào cuộc sống phải được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo ra phong trào cách mạng rộng lớn trong nhân dân. Khi đời sống của nhân dân còn khó khăn, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, bệnh tật, thất nghiệp còn đe dọa mà Đảng và Nhà nước không trăn trở, không tìm mọi giải pháp giải quyết thì chắc chắn lòng dân sẽ không yên. Muốn đi được vào lòng dân lúc này, phải ưu tiên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, ổn định trật tự xã hội.

Chúng ta học tập đồng chí Nguyễn Văn Linh ở tinh thần luôn bảo đảm trên thực tế quyền làm chủ của người dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Rõ ràng là, từ sau Đại hội VI của Đảng đến nay, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đều đã có những chuyển động tích cực theo hướng ngày càng phát huy dân chủ trong Đảng, mở rộng dân chủ trong xã hội, nền dân chủ của xã hội ngày càng phát triển gắn liền với việc xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Để thật sự bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, cùng với việc kiên quyết chuyên chính với kẻ thù của nhân dân, Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Đổi mới và chỉnh đốn Đảng phải được tiến hành đồng bộ trên tất cả các mặt: tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức hoạt động. Trước mắt, Đảng cần tiếp tục triển khai một cách tích cực và mạnh mẽ chủ trương chống tham nhũng; xử lý thật nghiêm từ trên xuống dưới những người mắc sai lầm, khuyết điểm, bất kể người đó ở cương vị công tác nào. Bên cạnh đó, phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, bởi vì đó chính là chiếc cầu nối liền Đảng với dân. Dân có tin Đảng hay không, mối quan hệ giữa Đảng với dân có mật thiết hay không phụ thuộc rất lớn vào các tổ chức cơ sở đảng. Dân chỉ tin Đảng và thật sự theo Đảng khi trong hoạt động thực tiễn, các tổ chức đảng và đảng viên ở cơ sở thật sự là tấm gương sáng để nhân dân noi theo. Với tinh thần “dân là gốc”, phải đổi mới mạnh mẽ phong cách công tác của Đảng. Mỗi cấp ủy đảng, mỗi tổ chức đảng và mỗi đảng viên đều phải xây dựng một phong cách đi sâu, đi sát quần chúng, sống giản dị, chan hòa với quần chúng. Đảng viên giữ cương vị càng cao, càng phải gương mẫu về phong cách của người cộng sản. Cần bãi bỏ các các quy định, các thủ tục tạo nên sự xa cách giữa Đảng và nhân dân(3).

Tư tưởng “dân là gốc” và bài học tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, chăm lo nâng cao quyền làm chủ của nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh còn nguyên giá trị bền vững và thật sự có ý nghĩa đối với việc tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng hiện nay.

-------------------------------

(1) Dẫn lại từ vi.wikipedia, Đổi mới ở Việt Nam: Nhớ lại và suy ngẫm, Đào Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn chủ biên, NXB Tri thức, 2008.

(2) Nguyễn Văn Linh nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.27.

(3) Tiến Hải, Đảng ta là Đảng của dân, do dân, dựa vào dân và vì dân, Trang Thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương, ngày 16-2-2015

(*) Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM. Trích tham luận tại Hội thảo “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, thành phố Hồ Chí Minh”.

Nguyễn Thành Phong (*)

tin khác

Thông báo