Chủ Nhật, ngày 13 tháng 10 năm 2024

Chương trình hành động số 33-CTrHĐ/TU ngày 15 tháng 6 năm 2013 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020

Trong những năm qua, sự nghiệp thể dục, thể thao thành phố đạt được kết quả nhất định; thể dục, thể thao quần chúng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đa dạng; nhân dân thành phố ý thức cao trong rèn luyện sức khỏe, tự giác tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên, ngày càng tăng; thành phố tiếp tục giữ được nhiều thành tích cao tại các giải vô địch toàn quốc hàng năm; lập được thành tích một số môn tại các giải thế giới, châu Á, Đông Nam Á; cơ sở vật chất, kỹ thuật cho thể dục, thể thao từng bước được nâng cấp, xây dựng mới; công tác xã hội hóa các hoạt động thể dục, thể thao có định hướng, ngày càng đi vào nền nếp, tác dụng tích cực, thiết thực.

Tuy nhiên, thể dục, thể thao thành phố chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; cơ sở vật chất phục vụ cho luyện tập và thi đấu các môn thể dục, thể thao còn rất thiếu và yếu; chưa chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao, dẫn tới sụt giảm thành tích ở một số môn trọng điểm, truyền thống của thành phố, không đáp ứng được yêu cầu của người hâm mộ và lòng tin của nhân dân thành phố; giáo dục thể chất và hoạt động thể dục, thể thao trong học sinh, sinh viên chưa thường xuyên và kém hiệu quả; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, công tác quản lý Nhà nước về thể dục, thể thao của nhiều địa phương và đơn vị chưa theo kịp yêu cầu đổi mới của thành phố; đầu tư của thành phố và huy động các nguồn lực từ xã hội cho thể dục, thể thao còn hạn chế.

Quán triệt quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01 tháng 12 năm 2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020, tạo sự chuyển biến sâu sắc cho sự nghiệp thể dục, thể thao thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng Chương trình hành động như sau:

I. MỤC TIÊU

- Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nhân dân, đặc biệt là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nhận thức sâu sắc quan điểm phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan của xã hội, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực; giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mở rộng hữu nghị và hợp tác quốc tế; đầu tư cho thể dục, thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước.

- Thực hiện việc mở rộng và nâng cao chất lượng, phát triển mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng, nâng cao thể chất của nhân dân, chú trọng đầu tư phát triển thể dục, thể thao học đường; rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở vật chất, kỹ thuật; đầu tư xây dựng khu liên hợp thể thao xứng tầm thành phố, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Đông Nam Á. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thể dục, thể thao đi đôi đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thể dục, thể thao; củng cố, phát huy vai trò của các liên đoàn, các hội thể dục, thể thao; tăng cường hợp tác quốc tế. Phát triển thể thao thành tích cao, tập trung đầu tư các môn thể thao mà thành phố có truyền thống, có ưu thế; rà soát, bổ sung chính sách đào tạo và thu hút huấn luyện viên giỏi, vận động viên có thành tích cao, có triển vọng. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển thể thao một cách mạnh mẽ, vững chắc.

II. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHÍNH

1. Đối với thể thao quần chúng

- Số người luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên đến năm 2015 đạt tỷ lệ 28% và năm 2020 đạt 33% dân số.

- Số trường phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất chính khóa đến cuối năm học 2014 - 2015 đạt 100%.

- Số trường học phổ thông có câu lạc bộ thể dục, thể thao, có hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thể dục, thể thao; có đủ giáo viên và hướng dẫn viên thể dục, thể thao thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa đến cuối năm học 2014 - 2015 đạt 75% và đến cuối năm học 2019 - 2020 đạt từ 85% đến 90% tổng số trường.

- Số học sinh, sinh viên được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đến cuối năm học 2014 - 2015 đạt 80% và đến cuối năm học 2019 - 2020 đạt 90%.

- Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực hàng năm phải đạt ít nhất 90% quân số. Xây dựng các câu lạc bộ thể dục, thể thao theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

2. Đối với thể thao thành tích cao

- Phấn đấu giữ vững và nâng cao thành tích đã đạt được tại các kỳ Đại hội thể dục thể thao toàn quốc; phấn đấu nâng trình độ một số môn thể thao trọng điểm mà thành phố có truyền thống, có ưu thế lên ngang tầm châu Á và thế giới; đóng góp tích cực nâng cao số lượng, tỷ lệ lực lượng vận động viên, huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia tại các kỳ Đại hội thể dục, thể thao khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền

- Đẩy mạnh công tác quán triệt quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển phong trào thể dục, thể thao, thực hiện mục tiêu “Dân cường nước thịnh”, “Thể dục, thể thao vì sức khoẻ và hạnh phúc của con người”… Vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng con người mới, giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiếp tục thực hiện “Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

- Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, điều hành của các cấp chính quyền đối với sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao. Nắm vững quan điểm công tác phát triển thể dục, thể thao là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền; phát triển thể dục, thể thao là nội dung bắt buộc trong kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội hàng năm, 5 năm và dài hạn.

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt chú trọng, chăm lo xây dựng tổ chức, bố trí cán bộ có phẩm chất và năng lực để lãnh đạo, quản lý công tác thể dục, thể thao; quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các liên đoàn, hội thể dục, thể thao từng môn; nghiên cứu, bổ sung các chính sách đủ mạnh để thúc đẩy công tác xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động thể dục, thể thao trên địa bàn thành phố; lãnh đạo phát triển và kiểm tra việc sử dụng, đúng mục đích, có hiệu quả các thiết chế thể dục, thể thao, kiên quyết đảm bảo quỹ đất dành cho các công trình thể dục, thể thao, tạo điều kiện cho người dân có nơi tập luyện, tăng đầu tư cơ sở vật chất, phát triển các hoạt động thể dục, thể thao trên địa bàn, nhất là những xã, phường điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội còn khó khăn. Thường xuyên tổ chức các giải thi đấu phong trào từ cấp cơ sở đến cấp thành phố, phát triển phong trào thể dục, thể thao vững chắc, có chiều sâu, là nguồn phát hiện tài năng cho đội tuyển các tuyến.

- Tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong lực lượng huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên, cán bộ quản lý, cán bộ các liên đoàn, các hội thể dục, thể thao. Xây dựng ý thức trách nhiệm, ý chí, lòng tự hào dân tộc; rèn luyện phẩm chất đạo đức cho đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài; kiên quyết đấu tranh khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong thể thao. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chú trọng công tác phát triển đảng viên, đoàn viên trong lực lượng huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài.

2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học

- Chủ động thực hiện đạt chất lượng cao nhất việc giáo dục thể chất trong trường học theo chương trình chính khóa, ngoại khóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cải tiến hình thức và phương pháp giảng dạy thể dục, thể thao trong nhà trường; gắn giáo dục thể chất với với giáo dục đạo đức, ý chí, giáo dục quốc phòng, giáo dục sức khỏe và kỹ năng thực hành xã hội của học sinh, sinh viên. Tổ chức câu lạc bộ, nhóm, đội thể thao để tập hợp lực lượng học sinh, sinh viên có năng khiếu, đam mê môn thể thao tự chọn, xây dựng kế hoạch tập luyện, thi đấu phù hợp điều kiện của cơ sở; chú trọng các môn điền kinh, bơi lội, võ thuật,…

- Rà soát, bổ sung chế độ đãi ngộ hợp lý, phát huy năng lực đội ngũ giáo viên thể dục, thể thao; có kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên, hướng dẫn viên thể dục, thể thao cho trường học.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học về tâm sinh lý lứa tuổi và thể dục, thể thao trường học.

3. Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động thể dục, thể thao quần chúng

- Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; vận động và thu hút đông đảo nhân dân tự giác, thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao; phát triển đa dạng các phương pháp, hình thức tổ chức tập luyện thể dục, thể thao đến tận cơ sở, khu phố, ấp, chú trọng các xã ngoại thành, vùng đô thị hóa, ký túc xá sinh viên, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, nhà máy, công trường, công trình dài hạn.

- Gắn việc phát triển phong trào thể dục, thể thao với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; với chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư văn minh, hiện đại; quan tâm phát triển phong trào thể dục, thể thao của người cao tuổi, người khuyết tật. Ngành thể dục thể thao phối hợp cùng Ban Thường vụ Thành đoàn và các cơ quan liên quan nghiên cứu tổ chức việc luyện tập, thi đấu các môn thể thao mới, thể thao giải trí, thể thao biểu diễn, thể thao mạo hiểm như: đua xe tốc độ, đua xe địa hình, nhảy dù, lướt ván, leo tường, trượt patin, câu cá, thể thao điện tử,… bảo đảm an toàn, lành mạnh, đúng pháp luật, phục vụ nhu cầu nhân dân phù hợp với sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố, gắn với đấu tranh phòng, chống tổ chức trái phép.

- Chú ý đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao trong công nhân, người lao động, viên chức; tạo điều kiện về thời gian, phương tiện, cơ sở vật chất để công nhân, người lao động, viên chức được rèn luyện sức khỏe và có đời sống tinh thần bổ ích, hạn chế những tiêu cực phát sinh do thiếu thốn hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh.

- Phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; chú trọng các môn võ thuật, điền kinh, bơi lội. Thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu thể thao giữa lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên, học sinh, thúc đẩy tăng cường đoàn kết quân dân.

- Khuyến khích xây dựng và phát triển cơ sở thể dục, thể thao ngoài công lập, tạo điều kiện, vận động các đơn vị, địa phương phát triển thêm các dụng cụ tập luyện đơn giản, hiệu quả ngoài trời tại các công viên, câu lạc bộ, tụ điểm… tạo thêm phương tiện tập luyện cho nhân dân.

4. Nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể thao

- Thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực của thể dục, thể thao thành phố giai đoạn 2012 - 2015 định hướng đến năm 2020. Xây dựng quy chế phát hiện, tuyển chọn chặt chẽ đảm bảo khoa học, công bằng, mở rộng đối tượng trên cả nước. Phát hiện, đào tạo năng khiếu thể dục, thể thao qua hệ thống đào tạo các tuyến: năng khiếu ban đầu, trọng điểm, dự bị tập trung, năng khiếu tập trung, dự tuyển. Đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, gắn kết đào tạo các tuyến, lực lượng kế cận; hình thành đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên tài năng ở các môn thể thao; có chiến lược đầu tư chuyên biệt, tập trung đầu tư các môn thể thao trọng điểm, có ưu thế, có khả năng đạt thành tích cao trong các kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á, châu Á và Olympic.

- Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tài năng, đào tạo trong nước và nước ngoài với những tài năng đỉnh cao, từng bước xây dựng lực lượng này trở thành các chuyên gia trên lĩnh vực thể dục, thể thao có đẳng cấp khu vực và quốc tế; nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức xã hội cùng tham gia đào tạo tài năng thể thao.

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tạo điều kiện cho việc tổ chức tập luyện và thi đấu cống hiến của các tài năng. Thành lập Trung tâm đào tạo vận động viên nhiều môn, từng môn cho các môn thể thao trọng điểm thành phố có ưu thế. Tích cực chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật cần thiết để sẵn sàng đăng cai tổ chức các Đại hội thể dục, thể thao khu vực, châu Á và các giải vô địch thế giới. Tập trung quy hoạch, xây dựng, sớm đưa vào hoạt động Trung tâm huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh hiện đại; khẩn trương hoàn thành quy hoạch, sớm khởi công xây dựng Khu Liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc kịp đưa vào phục vụ Đại hội Thể thao châu Á 2019 do Việt Nam đăng cai, góp phần tổ chức, thi đấu thành công một số bộ môn thể thao thành tích cao.

- Mời chuyên gia giàu kinh nghiệm của các môn thể thao trọng điểm cần tập trung đầu tư để hỗ trợ, tạo bước phát triển đột phá về chất cho lực lượng chuyên môn của thể thao thành tích cao.

5. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ

- Phát huy năng lực các cơ sở đào tạo thể dục, thể thao trên địa bàn : Trường Đại học Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh tham gia đào tạo lực lượng cán bộ quản lý, huấn luyện viên, vận động viên cần thiết ở các môn thể thao trọng điểm và các lĩnh vực: y sinh, dinh dưỡng, hồi phục, thể lực…

- Tập trung thu hút đội ngũ chuyên gia đầu ngành; xây dựng, đào tạo cán bộ quản lý, huấn luyện viên, giáo viên, cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao trong tình hình mới.

- Ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác phát hiện, tuyển chọn, huấn luyện vận động viên ở một số môn thể thao trọng điểm. Ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình thu thập, lưu trữ, xử lý và khai thác số liệu phục vụ công tác quản lý quá trình huấn luyện vận động viên.

6. Đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, phát triển các tổ chức xã hội về thể dục, thể thao; tăng cường hợp tác quốc tế

- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về thể dục, thể thao từ thành phố đến quận - huyện; phường - xã, thị trấn; các ngành có đầu tư phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao.

- Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý thể dục, thể thao, đặc biệt là năng lực triển khai chính sách, kế hoạch phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ; đẩy mạnh cải cách hành chính và phân cấp, phân nhiệm quản lý thể dục, thể thao.

- Rà soát hệ thống chính sách, văn bản liên quan đến phát triển thể dục, thể thao thành phố, đặc biệt là công tác quy hoạch, chế độ chính sách, kịp thời, chủ động đề xuất bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp tình hình mới.

- Phát huy mạnh mẽ vai trò của các liên đoàn, hội thể dục, thể thao trong điều hành các hoạt động thể dục, thể thao, đúng pháp luật, có sự quản lý và hỗ trợ của Nhà nước về điều kiện hoạt động.

- Khuyến khích các tổ chức xã hội, các cơ sở thể thao ngoài công lập tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao; quan tâm phát triển đầu tư, đổi mới sản xuất, kinh doanh trang thiết bị thể dục, thể thao hiện đại và các hoạt động kinh tế thể thao phù hợp, tạo các nguồn thu trong hoạt động thể dục, thể thao.

- Tăng cường các mối quan hệ với các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền thể thao tiên tiến, các tổ chức quốc tế và khu vực về thể thao, trên các lĩnh vực: giao lưu thi đấu, tập huấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ huấn luyện, thiết kế xây dựng cơ sở vật chất nhằm đạt được yêu cầu nâng cao thành tích thể thao, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành thể dục, thể thao, từng bước hoàn thiện các công trình, dự án thể dục, thể thao đạt tiêu chuẩn, kỹ thuật hiện đại.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cấp ủy Đảng tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hành động về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ sự nghiệp thể dục, thể thao đến năm 2020; tổ chức thực hiện, kiểm tra, định kỳ hàng năm sơ kết rút kinh nghiệm, bổ sung biện pháp thực hiện trong thời gian tới.

2. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hành động, chú trọng các công trình và biện pháp đột phá hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt về thể dục, thể thao, đồng bộ với kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội giai đoạn 2011 - 2015; giai đoạn 2016 - 2020. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan, quận - huyện xây dựng các giải pháp đồng bộ, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.

3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch, phát động trong nhân dân, đoàn viên, hội viên tự giác tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên thành phong trào sống vui, sống khỏe, hăng say lao động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

4. Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá định kỳ hàng năm, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy tình hình thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động này.

Chương trình hành động này được phổ biến đến chi bộ./.

T/M BAN THƯỜNG VỤ

PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC

(Đã ký)

Nguyễn Văn Đua

Tin khác

Thông báo