Thứ Năm, ngày 14 tháng 11 năm 2024

Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 - khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn

Trong những năm qua, hoạt động của hệ thống chính trị ở 303 xã, phường, thị trấn đạt được một số kết quả quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của Thành phố.

Tuy nhiên, hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn còn những hạn chế như : có nơi tổ chức đảng chưa phát huy tốt vai trò lãnh đạo, nội bộ mất đoàn kết, một bộ phận cán bộ, đảng viên bộc lộ yếu kém về ý thức trách nhiệm, phẩm chất và năng lực; công tác phát triển đảng viên mới trên địa bàn dân cư chưa đạt yêu cầu. Hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực còn yếu, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; có nơi có lúc bị động trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tình trạng khiếu kiện vượt cấp ở nhiều nơi kéo dài, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự. Công tác tạo nguồn, luân chuyển, bổ sung lực lượng cán bộ trẻ cho xã, phường có nhiều khó khăn; hệ thống tổ chức dưới phường chưa được hướng dẫn thống nhất, hoạt động còn nhiều hạn chế.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 - khóa IX “về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đề ra chương trình hành động từ nay đến năm 2005 với mục tiêu, yêu cầu là : “Giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị nhằm phát huy nguồn lực trí tuệ, tiềm năng vật chất, tập trung cho phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, giải quyết triệt để các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn dân cư”. Các nhiệm vụ trọng tâm là :

I.- Khảo sát thực trạng về chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả hoạt động của từng tổ chức trong hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn, đối chiếu các yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) và hướng dẫn của cấp trên để hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thành phố. Nghiên cứu phân cấp mạnh hơn về trách nhiệm và quyền hạn cho chính quyền xã, phường, thị trấn.

1/ Trên cơ sở kết quả khảo sát và căn cứ các quy định mới của Ban Bí thư Trung ương, hướng dẫn cụ thể hơn về chức năng, nhiệm của cơ sở đảng sát với đặc điểm, tình hình của Thành phố; sơ kết thực hiện Chỉ thị 13-CT/TU “về việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động, đổi mới và chỉnh đốn Đảng ở xã, phường, thị trấn và chi bộ khu phố, ấp” (Ban Tổ chức Thành ủy hướng dẫn Quận, Huyện hoàn thành sơ kết vào cuối quý III/2002 và giúp Ban Thường vụ Thành ủy sơ kết vào cuối quý IV/2002).

2/ Chỉ đạo sơ kết về tổ chức, hoạt động của Hội đồng Nhân dân xã, phường, thị trấn; hướng dẫn bổ sung về quy chế hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân (Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân Thành phố chỉ đạo thực hiện, hoàn thành vào cuối tháng 12/2002).

3/ Sơ kết rút kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở cấp cơ sở; nghiên cứu hướng dẫn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động sát hợp với nhu cầu và lợi ích của đoàn viên, hội viên, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương (Ban Dân vận Thành ủy, Đảng đoàn Mặt trận và các đoàn thể nhân dân cấp Thành phố thực hiện, hoàn thành vào cuối tháng 12/2002).

4/ Rà soát các Quyết định 231-QĐ/UB, 1852-QĐ/UB của Ủy ban Nhân dân Thành phố quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và vận dụng tạm thời chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường, để có hướng dẫn bổ sung (trong khi chờ Trung ương sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về tổ chức bộ máy, phân cấp quản lý và chính sách đối với cán bộ cơ sở).

- Khảo sát, đánh giá công tác quản lý và cải cách hành chánh Nhà nước ở cơ sở, qua đó phân định chức năng, nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm quản lý hành chánh Nhà nước của xã, phường và hướng dẫn giám sát các hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư.

- Rà soát các văn bản Thành phố đã ban hành, nghiên cứu đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố bổ sung, sửa đổi theo hướng phối hợp đồng bộ trên dưới; phân công, phân cấp rõ ràng về nhiệm vụ, thẩm quyền về ngân sách và tổ chức cán bộ để chính quyền cơ sở chủ động trong quản lý và giải quyết các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, nhất là về quản lý đô thị, đấu tranh chống các tệ nạn xã hội v.v...

(Các nội dung trên do Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo triển khai, tháng 12/2002 báo cáo kết quả cho Thường trực Thành ủy).

II.- SẮP XẾP TỔ CHỨC, HƯỚNG DẪN QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI HỆ THỐNG TỔ CHỨC DƯỚI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN :

1/ Sơ kết Quy định 326-QĐ/TU, đề xuất bổ sung, sửa đổi quy định chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của chi bộ khu phố, ấp cho phù hợp.

- Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình chi bộ trực thuộc xã, phường, thị trấn (trạm y tế, hợp tác xã, quỹ tín dụng...).

- Sơ kết rút kinh nghiệm mô hình tổ chức chi bộ quân sự ở xã, phường, thị trấn; sơ kết việc thực hiện Quy định 38-QĐ/TW của Bộ Chính trị về tổ chức hoạt động của chi bộ công an phường, thị trấn và khảo sát, đánh giá về mô hình tổ chức chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn (kể cả việc phân công Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân) để rút kinh nghiệm và hướng dẫn mô hình tổ chức, quy chế phối hợp hoạt động đối với các khu phố có đông đảng viên, nhiều chi bộ.

(Các nội dung trên do Ban Tổ chức Thành ủy thực hiện, hoàn thành vào cuối quý III/2002).

2/ Khảo sát thực trạng về tổ chức của khu phố và tổ dân phố, trên cơ sở đó hướng dẫn Quận, Huyện sắp xếp lại khu phố, tổ dân phố phù hợp với đặc điểm từng nơi, tạo thuận lợi trong việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 29/1998/NĐ-CP của Chính phủ và thực hiện một số hoạt động tự quản theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 - khóa IX (Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo thực hiện, hoàn thành cuối tháng 12/2002, báo cáo Thường trực Thành ủy).

3/ Khảo sát thực trạng hệ thống tổ chức đoàn thể dưới xã, phường, thị trấn; hướng dẫn thống nhất về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của đoàn thể ở xã, phường (Ban Dân vận Thành ủy chủ trì phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp Thành phố thực hiện, hoàn thành vào cuối tháng 12/2002).

III.- NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ ĐẢNG VIÊN VÀ TỔ CHỨC ĐẢNG, CHĂM LO CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN ĐẢNG VIÊN MỚI, ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA CẤP ỦY CƠ SỞ :

1/ Sau khi có hướng dẫn mới của Trung ương về phân tích chất lượng cơ sở đảng và đảng viên, Thành ủy sẽ có hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn đảng viên ở xã, phường, thị trấn, gắn với yêu cầu mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 - khóa IX; hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn và quy trình phân tích cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đối với đảng bộ xã, phường, thị trấn (Ban Tổ chức Thành ủy thực hiện).

2/ Sơ kết công tác phát triển đảng viên ở xã, phường, thị trấn, đề xuất hướng tạo nguồn phát triển đảng viên mới và đẩy mạnh phong trào quần chúng ở địa bàn dân cư (Ban Tổ chức Thành ủy hướng dẫn Quận, Huyện ủy sơ kết từ cơ sở và giúp Ban Thường vụ Thành ủy sơ kết cấp Thành phố trong tháng 3/2003).

3/ Hướng dẫn các Quận, Huyện ủy về nội dung kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên, kể cả kiểm tra đảng viên thực hiện nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú theo Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị và kiểm tra thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm (Ủy ban Kiểm tra Thành ủy hướng dẫn và triển khai thực hiện và đưa nội dung này vào định kỳ báo cáo công tác kiểm tra của Thành ủy).

4/ Ban Thường vụ các Quận, Huyện ủy chủ động chỉ đạo các cấp ủy cơ sở làm tốt công tác quản lý và phân công đảng viên, thường xuyên kiểm tra đảng viên thực hiện nhiệm vụ được giao. Có biện pháp giải quyết số đảng viên hạn chế về nhận thức, năng lực, không phát huy tác dụng.

- Chỉ đạo các cấp ủy xã, phường, thị trấn sơ kết việc thực hiện quy chế của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở (hàng năm), qua đó bổ sung hoặc chỉnh sửa quy chế cho phù hợp. Xây dựng quy chế phối hợp và quy định cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã, phường, thị trấn hàng ngày phải dành thời gian đi kiểm tra địa bàn; cán bộ Mặt trận, đoàn thể, cảnh sát khu vực dành đại bộ phận thời gian công tác ở địa bàn, nắm chắc tình hình, gắn bó với nhân dân; cán bộ chủ chốt phải tự phê bình trước dân hàng năm.

- Hướng dẫn cấp ủy cơ sở đổi mới việc ra Nghị quyết, nêu cụ thể việc làm, thời gian hoàn thành, phân công rõ trách nhiệm cá nhân. Nghị quyết cấp ủy phải phản ánh khách quan tình hình, quan tâm nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân, nhằm các mục tiêu dân sinh, dân trí, dân chủ.

- Phân công các đồng chí Quận - Huyện ủy viên, cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể cấp Quận, Huyện có chế độ làm việc tại cơ sở để kiểm tra tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ vướng mắc; tiếp xúc, thẩm định và góp phần giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện của nhân dân theo thẩm quyền; phát hiện, nhân rộng những mô hình, điển hình tốt ở cơ sở.

IV.- CÔNG TÁC CÁN BỘ VÀ CHÍNH SÁCH CÁN BỘ :

1/ Hướng dẫn kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng quy chế tuyển chọn, quy chế công vụ đối với công chức và tiêu chuẩn các chức danh cán bộ ở cơ sở (Ban Tổ chức Thành ủy chuẩn bị trình Ban Thường vụ Thành ủy, sau khi Quốc hội và Chính phủ ban hành quy định sửa đổi bổ sung pháp lệnh về cán bộ công chức và chính sách đối với cán bộ cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 - khóa IX).

Có kế hoạch hướng dẫn tạo nguồn tuyển chọn quy hoạch và luận chuyển cán bộ dự bị cho các chức danh chủ chốt của xã, phường, thị trấn. (Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Chính quyền Thành phố, Ban Dân vận Thành ủy thực hiện, trình Ban Thường vụ Thành ủy vào tháng 12/2002).

2/ Xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực lãnh đạo đối với từng chức danh cán bộ chủ chốt (Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân, Trưởng, Phó các đoàn thể, Mặt trận) và tăng cường chương trình đào tạo chính quy để tiến đến thay thế hình thức học tại chức cho số cán bộ trẻ, có triển vọng trong diện quy hoạch ở cơ sở và Quận, Huyện (về chính trị, quản lý hành chánh Nhà nước, công tác vận động quần chúng) tạo nguồn bổ sung cán bộ lãnh đạo cho hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn đến năm 2005 (Ban Tư Tưởng - Văn hóa Thành ủy và Trường Cán bộ Thành phố xây dựng đề án thực hiện, hoàn thành vào tháng 12/2002).

3/ Tiếp tục thực hiện chính sách phụ cấp lương cho cán bộ chuyên trách của xã, phường, thị trấn tương đương chế độ tiền lương đối với công chức, viên chức hành chánh sự nghiệp theo Nghị định số 25/CP của Chính phủ; chế độ trợ cấp cho Bí thư, Phó Bí thư, Thường vụ Đảng ủy và cán bộ khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân theo Quyết định số 96-QĐ/TU và Thông báo 607-TB/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Nghiên cứu đề xuất chế độ trợ cấp đối với cán bộ nghỉ hưu tham gia đảng ủy xã, phường, thị trấn không có chức danh theo Nghị định 09/CP của Chính phủ (Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì phối hợp với Ban Tài chánh Quản trị Thành ủy xây dựng đề án, trình Thường trực Thành ủy trong tháng 9/2002).

4/ Có kế hoạch tổ chức thí điểm khoán định biên và kinh phí hoạt động ở một số xã, phường, thị trấn (Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo thực hiện, triển khai trong tháng 9/2002, cuối năm 2002 sơ kết rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng vào đầu năm 2003).

5/ Kiến nghị với Trung ương tăng định biên cho xã, phường, thị trấn có đông dân số và được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội như các chức danh khác theo quy định của Chính phủ; cho phép Thành phố chia tách các xã, phường có dân số quá đông; mỗi xã, phường được bố trí 2 Phó Chủ tịch để đủ sức làm tốt công tác quản lý giữ gìn an ninh trật tự đô thị và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nhân dân (Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo thực hiện, hoàn thành vào tháng 9/2002).

T/M CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ

PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC

(Đã ký)

Võ Văn Cương

Tin khác

Thông báo