Chủ Nhật, ngày 13 tháng 10 năm 2024

Chương trình hành động số 17-CtrHĐ/TU ngày 31/10/2016 của Thành ủy TPHCM về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ thành phố về Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011 - 2015, thành phố đã tập trung huy động nguồn lực thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, công trình để chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giải quyết tình trạng ngập nước trên địa bàn, đạt được kết quả nhất định. Nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị được chú trọng; thành phố triển khai nhiều giải pháp công trình và phi công trình có trọng tâm, trọng điểm; triển khai thực hiện các đề án tăng cường quản lý quỹ đất, bảo đảm diện tích mặt nước, hệ thống sông rạch phục vụ tiêu thoát nước và chống ngập; nghiên cứu xây dựng kịch bản, chiến lược tổng thể chống ngập cho thành phố và các khu vực có liên quan; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, ưu tiên bố trí vốn, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước, chống ngập. Nhiều dự án cải tạo, phát triển hệ thống thoát nước đã hoàn thành và phát huy tác dụng, cải thiện tình trạng ngập do mưa, do triều cả về số điểm ngập, mức độ ngập và phạm vi ngập. Những mục tiêu chủ yếu để giải quyết tình trạng ngập nước, nhất là tại khu vực trung tâm cơ bản hoàn thành, làm tiền đề cho giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện Chương trình giảm ngập nước còn hạn chế, chưa bền vững, chưa được các cấp, các ngành tập trung đúng mức; tiến độ thực hiện các dự án thoát nước quy mô lớn chậm do thiếu vốn đầu tư, chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ để di dời, tái bố trí dân cư, giải phóng mặt bằng kết quả thấp, chậm xử lý các vướng mắc phát sinh, kết nối chưa đồng bộ, tổ chức thi công chưa khoa học. Việc xử lý xây dựng lấn chiếm hành lang sông, kênh, rạch, hệ thống thoát nước chưa kiên quyết, thiếu triệt để, một số dự án lấp mạch thoát nước tự nhiên nhưng thay bằng hệ thống cống thoát nước không đáp ứng yêu cầu. Hệ thống hồ điều tiết chưa được triển khai. Hệ thống đê bao ngăn triều chưa được chú trọng đầu tư; đã phát sinh một số điểm ngập mới và một số điểm tái ngập, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, gây bức xúc trong xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch hệ thống thoát nước chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý đô thị, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường ở một đô thị đặc biệt. Công tác quản lý hệ thống thoát nước mặc dù đã được phân cấp nhưng còn bất cập trong điều hành, tổ chức thực hiện các giải pháp và điều tiết cho lưu vực, vùng trên địa bàn thành phố. Công tác tuyên truyền, vận động chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức và hành vi của cộng đồng về phòng, chống và ứng phó thiên tai, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ thống thoát nước ở khu dân cư, tình trạng xả rác xuống sông, kênh, rạch vẫn còn phổ biến.

Trên cơ sở phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, tồn tại, nguyên nhân chủ quan trong quá trình thực hiện Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011 - 2015, Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550km2 với khoảng 6,5 triệu dân; đồng thời cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường thành phố.

2. Chỉ tiêu

- Giai đoạn 2016 - 2018:

Thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 8/17 tuyến đường. Trong đó: lưu vực trung tâm là 03 tuyến, lưu vực ngoại vi là 05 tuyến. Hoàn thành các dự án đầu tư để xử lý 13 tuyến bị ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách trước đây.

Thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 60/179 tuyến hẻm.

Hoàn thành các hạng mục kiểm soát triều của dự án Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), để phục vụ kiểm soát triều cho lưu vực 550 km2 (xóa ngập do triều 9 tuyến đường, gồm 2 tuyến đường bị ngập nặng là đường Lương Định Của, Huỳnh Tấn Phát và 7 tuyến đường bị ngập nhẹ là đường Nguyễn Văn Hưởng, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Tỉnh lộ 10, đường 26).

Đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành 03 nhà máy xử lý nước thải: Tham Lương - Bến Cát công suất 131.000m3/ngày, Nhiêu Lộc - Thị Nghè 480.000m3/ngày, Bình Hưng (giai đoạn 2) nâng công suất nhà máy từ 141.000m3/ngày lên 469.000m3/ngày.

- Giai đoạn 2019 - 2020:

Hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước để xóa ngập do mưa 5/17 tuyến đường. Trong đó, lưu vực Trung tâm là 02 tuyến, lưu vực ngoại vi là 03 tuyến. Hoàn thành các dự án đầu tư để xử lý triệt để 10 tuyến bị ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách trước đây.

Thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 119/179 tuyến hẻm còn lại.

Hoàn thành toàn bộ dự án Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), để giải quyết tình trạng ngập nước do triều lưu vực 550 km2.

Xây dựng 04 nhà máy xử lý nước thải: Tân Hóa Lò Gốm công suất 300.000m3/ngày; Tây Sài Gòn công suất 150.000m3/ngày; Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m3/ngày; Nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (nhà máy xử lý nước thải Bình Tân) từ công suất 30.000m3/ngày lên công suất 180.000m3/ngày.

Nâng tổng số giải quyết được là 13/17 tuyến đường ngập nước do mưa, 23 tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách trước đây, 179 tuyến hẻm và 9 tuyến đường ngập nước do triều; 07 nhà máy xử lý nước thải.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch; triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

a) Nâng cao chất lượng quy hoạch và hiệu quả quản lý quy hoạch, xây dựng; trong đó rà soát lại Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh (Quy hoạch 1547), Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố đến năm 2020 (Quy hoạch 752), Quy hoạch cấp nước phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Quy hoạch chung xây dựng thành phố, trong tổng thể mối quan hệ phối hợp với các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong việc quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai; tăng cường quản lý việc san lấp và xây dựng công trình trên sông, kênh, rạch, hồ công cộng; xây dựng các hồ điều tiết tại khu vực phù hợp, giảm sự gia tăng dòng chảy mặt để hỗ trợ tiêu thoát nước. Nghiên cứu, rà soát những vùng trũng thấp dễ bị ngập nước do mưa, triều cường để điều chỉnh quy hoạch theo hướng dành để trữ nước, tạo cảnh quan tự nhiên vùng ven. Những khu vực nội thị nhưng cốt nền thấp phải có giải pháp củng cố, tăng cường khả năng thoát nước của hệ thống cống, kênh, rạch kết hợp với hồ điều tiết, công viên đa chức năng,...

Điều chỉnh quy hoạch thoát nước, nước thải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố, đảm bảo tính bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, kiến nghị Trung ương điều chỉnh những tiêu chuẩn kỹ thuật trong tính toán thủy văn, thủy lực đối với hệ thống thoát nước áp dụng cho địa bàn thành phố, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

b) Triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu: Phối hợp với Bộ ngành Trung ương, các tỉnh trong Vùng xác định cơ chế phối hợp trong thực hiện các công trình đê bao, cống kiểm soát triều. Thống kê, đánh giá thực trạng quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, lưu vực sông. Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành của tài nguyên nước theo hướng quản lý bền vững trong lưu vực Vùng; đồng thời, kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông, kênh, rạch liên vùng.

Xây dựng phương án hành lang thoát lũ trong điều kiện mưa, lũ, triều cường. Triển khai thực hiện quy chế phối hợp việc vận hành liên hồ chứa nước Trị An, Dầu Tiếng - Phước Hòa để bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.

Thực hiện các giải pháp phi công trình như bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ, tăng cường mảng xanh đô thị, tạo mặt bằng thẩm thấu nước mưa, giải pháp thu gom nước mưa tạm thời đối với những trận mưa lớn trong thời gian ngắn,…

2. Rà soát, bổ sung chính sách đủ mạnh để thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước đột phá đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hệ thống hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải.

a) Khẩn trương nghiên cứu, rà soát, bổ sung chính sách tạo vốn, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội, các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước, nhà máy xử lý nước thải, các công trình hồ điều tiết, đê bao và các cống kiểm soát triều; có giải pháp tạo quỹ đất để thu hút nhà đầu tư, thu hồi và bán đấu giá các mặt bằng, nhà xưởng thuộc sở hữu nhà nước của các bộ, ngành, doanh nghiệp, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố sử dụng không đúng công năng, lãng phí để tạo vốn đầu tư các dự án giảm ngập nước. Có kế hoạch bảo đảm ngân sách đầu tư các hạng mục, công trình thiết yếu về thoát nước, kiểm soát triều.

Tiếp tục kêu gọi nguồn vốn ODA để thực hiện một số dự án trọng điểm. Tổ chức thi công nhanh hơn, chất lượng hơn, đẩy mạnh giải ngân, quản lý tốt công trình, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn. Ưu tiên áp dụng hình thức đối tác công tư, thí điểm triển khai dự án xây dựng 4 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao (Nhà máy Tân Hóa - Lò Gốm, Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1 và Bình Tân giai đoạn 2016 - 2020). Lựa chọn sử dụng những công nghệ xử lý nước thải mới; thực hiện thí điểm sử dụng diện tích mặt bằng sẵn có của khu xử lý nước thải Bình Hưng Hòa để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho khu vực phía Tây thành phố (lưu vực Bình Tân, Tây Sài Gòn, Tân Hóa - Lò Gốm) và xây dựng hồ điều tiết.

Xây dựng lộ trình phù hợp, khả thi để tăng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, giá dịch vụ thoát nước phục vụ nhu cầu quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, xử lý môi trường nước. Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí, đẩy mạnh xã hội hóa, đấu thầu lựa chọn đơn vị đủ năng lực để thực hiện công tác này.

b) Kết hợp với Chương trình đột phá về cải cách hành chính, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành, địa phương và chủ đầu tư các dự án, xây dựng cơ chế đặc thù, ưu tiên giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập.

c) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và các công trình kiểm soát triều để quản lý ngập do biến đổi khí hậu, nước biển dâng

Rà soát, đánh giá tổ chức bộ máy quản lý, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, doanh nghiệp liên quan; củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị theo hướng tinh gọn, tổ chức một cơ quan đầu mối quản lý kết nối hạ tầng thoát nước thông suốt từ thành phố đến các quận - huyện, phường - xã, thị trấn; xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các cơ quan chức năng liên quan, giải quyết nhanh những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị của một thành phố văn minh, hiện đại. Nghiên cứu thành lập Tổ chuyên gia tư vấn, mời các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực này để đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác giảm ngập.

Kết hợp với Chương trình đột phá về chỉnh trang và phát triển đô thị, hoàn thành quy hoạch xây dựng 1/2000, tiếp tục thực hiện xác định mép bờ cao, xác định hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch để phục vụ cho công tác giải tỏa lấn chiếm kênh rạch trái phép; chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh rạch, tăng diện tích vùng đệm điều tiết nước và tạo cảnh quan đô thị. Kiên quyết khôi phục lại kênh, rạch bị san lấp, lấn chiếm trái phép và các dự án cho san lấp không phù hợp nhằm tăng cường khả năng thoát nước và không gian trữ nước.

Các dự án phát triển đô thị, xây dựng khu dân cư mới phải được quy hoạch cốt nền phù hợp, xây dựng hệ thống thoát nước riêng, kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước của khu vực, không để xảy ra tình trạng ngập nước ở các khu dân cư mới, khu đô thị mới. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý tình trạng xâm hại hệ thống thoát nước, đê bao và gây ngập do thi công các công trình, dự án. Tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tái bố trí dân cư để giải phóng mặt bằng tại các dự án, công trình đê bao, nạo vét kênh, rạch phục vụ tiêu thoát nước, đáp ứng kịp thời tiến độ thi công.

3. Tập trung thực hiện các giải pháp công trình để giải quyết tình trạng ngập nước

a) Giải pháp ngắn hạn: Tiếp tục quản lý hệ thống thoát nước, xử lý cấp bách các điểm ngập do hệ thống cống bị hư hại, lún sụt, tiết diện nhỏ bằng các giải pháp kỹ thuật hoặc các dự án quy mô nhỏ; nạo vét thông thoáng dòng chảy tại các cửa xả, kênh, rạch. Rà soát, bổ sung các van ngăn triều, xây dựng bờ bao bảo vệ các khu vực bị ảnh hưởng do triều cường trong khi các dự án lớn chưa hoàn thành.

b) Giải pháp trung hạn và dài hạn:

- Tập trung đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải theo Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; nhất là vùng trung tâm, vùng bắc, đông bắc, đông nam và tây của thành phố.

- Đầu tư các công trình chống ngập do triều theo Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

c) Kết hợp chặt chẽ với các Chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, đặc biệt là Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông và Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020.

4. Tăng cường liên kết, hợp tác khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác giảm ngập nước

Hợp tác, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đáp ứng yêu cầu của chiến lược quốc gia về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và phòng chống thiên tai trên địa bàn thành phố và vùng lân cận.

Đầu tư thiết bị và công nghệ gắn liền với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cải tiến tổ chức, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, môi trường, thoát nước đô thị; nhanh chóng làm chủ công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành các thiết bị, công nghệ mới. Ưu tiên đầu tư các thiết bị, công nghệ mới, hiện đại để đảm bảo sử dụng lâu dài và có khả năng đồng bộ với các thiết bị đang sử dụng.

Đầu tư, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo theo hướng hiện đại, đồng bộ, tập trung, thống nhất, đảm bảo khả năng tích hợp với hệ thống chung, kết quả dự báo có độ tin cậy cao, phục vụ hiệu quả công tác điều hành của chính quyền, cung cấp thông tin cho người dân kịp thời, chủ động ứng phó trước diễn biến bất lợi của thời tiết.

5. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo thành phong trào hành động tự giác, thiết thực và đẩy mạnh giám sát trong cộng đồng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vận động và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó các loại thiên tai thường xảy ra, các diễn biến thời tiết bất lợi do tình hình biến đổi khí hậu thông qua các lớp tập huấn và tổ chức diễn tập, nhằm giúp người dân nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó, góp phần giảm nhẹ thiệt hại khi sự cố thiên tai xảy ra. Việc huy động nguồn lực ngân sách và xã hội đầu tư giải quyết vấn đề giảm ngập nước phải được công khai, minh bạch để nhân dân giám sát, phản biện với yêu cầu sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực đầu tư cho chương trình này.

Xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, triển khai các chương trình liên tịch bảo vệ môi trường. Các cơ quan báo chí đề cao trách nhiệm trong công tác truyền thông; xây dựng, phát sóng định kỳ các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân về bảo vệ môi trường, hạn chế thấp nhất tình trạng xả rác, xả thải chưa qua xử lý vào hệ thống thoát nước. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức ra quân thực hiện vệ sinh đường phố, nạo vét kênh, rạch, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ thống thoát nước ở khu dân cư. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện vai trò giám sát cộng đồng trên lĩnh vực này. Nghiên cứu, xây dựng chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và môi trường lồng ghép vào chương trình giáo dục, đào tạo cho học sinh các cấp. Tăng cường giám sát, kiến nghị, thực hiện nghiêm các biện pháp chế tài, xử lý hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

III. Tổ chức thực hiện

1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động này; lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch của các đảng bộ, chi bộ trực thuộc tổ chức thực hiện Chương trình hành động; định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, đề ra biện pháp thực hiện trong thời gian tới.

2. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động, đồng bộ với kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội giai đoạn 2016 - 2020; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện của các cấp, các ngành; định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, đến giữa năm 2020 tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động cho Ban Thường vụ Thành ủy.

3. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện tốt quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tổ chức các phong trào thiết thực thực hiện nếp sống văn minh đô thị, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực tham gia giám sát thực hiện, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong thực hiện chương trình.

4. Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí thành phố quán triệt nội dung Chương trình hành động trong hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, tăng cường và nâng cao chất lượng nội dung các chuyên trang, chuyên mục, phim tài liệu, phóng sự chuyên đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; phê phán các hành vi vi phạm, kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình trong thực hiện công tác này.

5. Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan tham mưu củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan quản lý nhà nước về thoát nước, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm yêu cầu thực hiện Chương trình hành động giảm ngập nước.

6. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân thành phố lãnh đạo Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, phân bổ ngân sách hàng năm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giám sát thực hiện chương trình này.

7. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình hành động.

Chương trình hành động này được phổ biến đến chi bộ.

T/M BAN CHẤP HÀNH

BÍ THƯ

(Đã ký)

Đinh La Thăng

Tin khác

Thông báo