Cập nhật 16:53 01-12-2021Phát huy truyền thống ứng xử hài hòa với tự nhiên trong xây dựng ý thức bảo vệ môi trường hiện nay(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Người Việt nói chung và người Nam bộ nói riêng, trong đó có người Sài Gòn - TPHCM, vốn có truyền thống ứng xử khá hài hòa, hợp lý với tự nhiên. Điều đó thể hiện trong quan niệm sống, lối sống, trong ngôn ngữ… Chẳng hạn, miền Nam là vùng sông nước, với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và bờ biển dài… nên đi lại phổ biến là bằng đường thủy, giỏi bơi lặn, hay phương tiện giao thông trên sông nước phong phú với thuyền, ghe, xuồng, bè, mảng, tàu, thúng... Đặc biệt, trong ngôn ngữ, cách sử dụng từ ngữ liên quan đến hoạt động sông nước cũng khá phổ biến, như “anh em cột chèo” (“cọc chèo”, người miền ngoài gọi là “anh em đồng hao”), “quá giang” (nghĩa đen là “qua sông” nhưng được dùng để đi nhờ cả phương tiện đường bộ), “chèo chống” (thể hiện sự xoay xở, chống đỡ các thử thách của cuộc sống), “sông sâu, đò đầy” (trong câu ca dao “Ra đi mẹ có dặn dò/Sông sâu con đừng lội, đò đầy con đừng qua”, chỉ những bất trắc, rủi ro của cuộc đời), “chìm xuồng” (chỉ vụ việc bị lãng quên hoặc bị người khác che đậy, giấu đi)…