Thứ Tư, ngày 11 tháng 12 năm 2024

Du lịch nông thôn, nông nghiệp - Mô hình kết hợp giáo dục, nghệ thuật và di sản mang tính bền vững

Du khách tham quan trải nghiệm nghề muối tại mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ

(Thanhuytphcm.vn) – Trong những năm qua, du lịch nông thôn, nông nghiệp đã trở thành một trong những xu hướng phát triển bền vững tại TPHCM. Với sự kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và hoạt động du lịch không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, sinh thái địa phương.

Du lịch nông nghiệp tại TPHCM hướng đến việc mang lại trải nghiệm thực tế cho du khách về quá trình canh tác nông nghiệp, từ trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến sản phẩm. Đồng thời, đây cũng là một phương thức hiệu quả để quảng bá những sản phẩm nông nghiệp đặc sản của từng vùng miền…

Nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế về nông nghiệp

Chia sẻ về mô hình du lịch nông nghiệp, ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc cho biết, thời gian qua, HTX Tuấn Ngọc đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú để mang đến cho khách tham quan trải nghiệm thực tế về nông nghiệp. Trong đó, nổi bật là chương trình "Một ngày làm nông dân", nơi các em học sinh và gia đình được tự tay tham gia vào các công việc đồng áng như: Trồng rau, chăm sóc rau thủy canh; thu hoạch và đóng gói rau, xà lách; tìm hiểu quy trình chế biến sản phẩm nông nghiệp…

Du khách tham quan làng nghề truyền thống của Việt Nam tại Khu du lịch Một thoáng Việt Nam, huyện Củ Chi Du khách tham quan làng nghề truyền thống của Việt Nam tại Khu du lịch Một thoáng Việt Nam, huyện Củ Chi

Không chỉ dừng lại ở hoạt động sản xuất, HTX Tuấn Ngọc còn có các buổi học ngoại khóa lồng ghép kiến thức về bảo vệ môi trường, học về cách trồng rau thủy canh, cách vận hành hệ thống trồng rau, hướng dẫn cách thu hoạch rau và phát triển kỹ năng mềm cho các em học sinh.

Ông Lâm Ngọc Tuấn chia sẻ, một trong những điểm nổi bật của HTX Tuấn Ngọc là việc áp dụng các giải pháp IoT (Internet of Things) để quản lý hệ thống trồng trọt và chăn nuôi. Các cảm biến được lắp đặt trong trang trại giúp theo dõi và kiểm soát các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm và chất dinh dưỡng trong đất. Du khách khi tham gia các tour trải nghiệm có cơ hội quan sát trực tiếp cách HTX sử dụng công nghệ để quản lý và tối ưu hóa quy trình canh tác, từ đó hiểu rõ hơn về vai trò của công nghệ trong nông nghiệp hiện đại.

Tham quan làng nghề truyền thống của Việt Nam tại Khu du lịch Một thoáng Việt Nam, huyện Củ Chi Tham quan làng nghề truyền thống của Việt Nam tại Khu du lịch Một thoáng Việt Nam, huyện Củ Chi

Nhờ những hoạt động trải nghiệm và giáo dục này, HTX Tuấn Ngọc đã giúp cộng đồng địa phương và du khách hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững và ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất. “Đây là những yếu tố quan trọng để phát triển một mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần xây dựng một tương lai bền vững”- Giám đốc HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc Lâm Ngọc Tuấn khẳng định.

Các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của địa phương

Chia sẻ về mô hình du lịch cộng đồng, đại diện HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ du lịch Thiềng Liềng Nguyễn Thị Bạch Tuyết cho biết, mô hình này được thành lập từ năm 2022, theo đề án “Du lịch cộng đồng Thiềng Liềng” của Sở Du lịch TPHCM. Ban đầu HTX với 15 xã viên, trong đó có 16 điểm đến với các nhóm sản phẩm dịch vụ như: trải nghiệm, ẩm thực, lưu trú, văn hóa nghệ thuật địa phương phục vụ du khách… Điểm du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng đã ra mắt vào cuối năm 2022 với đặc sản “3 không”: Không khói bụi, không bến xe, không tệ nạn.

Trải nghiệm nghề muối tại mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ Trải nghiệm nghề muối tại mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ

Theo đó, Du lịch cộng đồng Thiềng Liềng có 16 điểm đến trong giai đoạn 1 và 24 điểm đến trong giai đoạn 2. Giai đoạn 2 được công bố ngày 29/12/2023 với các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của địa phương như hệ sinh thái rừng ngập mặn và văn hóa của người dân vùng biển, gồm: tham quan núi Giòng Chùa là ngọn núi đá duy nhất của TPHCM; thưởng thức ẩm thực và thức uống vùng biển, các nguyên liệu do chính người dân trồng và đánh bắt tại địa phương, không gian nghề muối, không gian hoài niệm, homestay, đờn ca tài tử, ngâm chân thư giãn… Trong đó, ngâm chân từ chính những hạt muối được sản xuất tại Thiềng Liềng và kết hợp với những loại thảo dược để chăm sóc sức khỏe cũng như đa dạng thêm nhiều dịch vụ khi du khách đến tham quan trải nghiệm tại Thiềng Liềng.

Theo bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, từ đầu năm 2023, khi điểm đến Du lịch cộng đồng Thiềng Liềng ra mắt đến nay, đã có gần 5.000 lượt khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Qua đó, đã góp phần cùng với địa phương giải quyết việc làm cho gần 30 trường hợp trong ngày nghĩ, lễ, Tết và cuối tuần; giúp cho 2 hộ gia đình thoát nghèo với thu nhập mỗi tháng từ 4 - 5 triệu đồng.

Du khách tham quan mô hình của HTX Tuấn Ngọc Du khách tham quan mô hình của HTX Tuấn Ngọc

Cuối năm 2023, Du lịch cộng đồng Thiềng Liềng đã vinh dự được Hội đồng và du khách bình chọn là một trong “100 Điều thú vị” của TPHCM và Du lịch cộng đồng Thiềng Liềng cũng đang trong chương trình bình chọn điểm đến du lịch hấp dẫn của TPHCM và 13 tỉnh, thành Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện Sở Du lịch TPHCM đang hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất Du lịch cộng đồng Thiềng Liềng là ứng viên nhận giải thưởng ASEAN năm 2025.

Du lịch nông thôn đang trở thành lựa chọn hấp dẫn

Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Đoàn Thị Thanh Trà cho biết, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đã đưa du lịch nông thôn, nông nghiệp vào hoạt động – qua đó đã đưa một loại hình du lịch mang tính bền vững cao khi vừa kết hợp giáo dục với nghệ thuật và di sản… Tại các vùng nông thôn, du khách không chỉ tìm thấy sự yên bình, mà còn có cơ hội hòa mình vào thiên nhiên và khám phá những nét văn hóa truyền thống…

Với những lợi ích đa chiều, du lịch nông thôn đang trở thành lựa chọn hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của những người mong muốn trải nghiệm sâu sắc, chân thực, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương. Du lịch nông nghiệp, một nhánh quan trọng của loại hình du lịch nông thôn đã và đang ngày càng được công nhận rộng rãi bởi giới nghiên cứu và ngành công nghiệp "không khói" này.

Các em học sinh trải nhiệm mô hình "Một ngày làm nông dân" của HTX Tuấn Ngọc Các em học sinh trải nhiệm mô hình "Một ngày làm nông dân" của HTX Tuấn Ngọc

“Du lịch nông nghiệp cũng đem đến cho du khách trải nghiệm chân thực về sản xuất nông nghiệp và cuộc sống làng quê. Đồng thời, đóng góp tích cực vào bảo tồn văn hóa, phát triển bền vững và tạo thu nhập cho người dân địa phương. Với các giá trị này, không chỉ hấp dẫn du khách mà còn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các doanh nghiệp lữ hành, góp phần nâng cao giá trị của du lịch nông thôn bằng sự kết hợp hài hòa giữa kinh tế, giáo dục và bảo tồn văn hóa” - Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Đoàn Thị Thanh Trà chia sẻ.

Đầu tư thích đáng vào cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch

Tại chương trình lãnh đạo TPHCM gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân TP năm 2024 với chủ đề “Vai trò của nông dân trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn trên địa bàn TPHCM” do UBND TPHCM tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng để du lịch nông nghiệp từng bước khẳng định được vị thế, thì vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là việc định hướng phát triển phù hợp, đồng bộ với quy hoạch; là cầu nối kết nối các chuyên gia, tổ chức, đơn vị tư vấn để xây dựng các sản phẩm đi đúng hướng.

Đối với doanh nghiệp phải tăng cường phối hợp với chính quyền để đảm bảo đứng định hướng, xây dựng các sản phẩm đa dạng, hợp với xu thế thị trường khách. Đối với chính quyền địa phương là tăng cường tạo điều kiện về hạ tầng, cơ chế, vận động nông dân tham gia làm du lịch gắn liền với công việc hàng ngày, phát huy được văn hóa, bản sắc của địa bàn sinh sống, mang đến cho du khách những trải nghiệm chân thực nhất.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chi tiết về những giá trị tài nguyên, di sản, từ đó áp dụng cho việc khai thác, bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả. Đồng thời, cần đầu tư thích đáng vào cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, nhân lực phục vụ... một cách đầy đủ, song vẫn giữ được giá trị cốt lõi về mặt di sản và nâng cấp dần để đạt các tiêu chí về tính bền vững; phối hợp chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, đại lý du lịch để quảng bá tốt sản phẩm…

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo