Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

TPHCM đạt mục tiêu xử lý chất thải rắn, rác thải y tế và nâng cao công nghệ xử lý rác thải rắn

Quang cảnh buổi giám sát

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 12/7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với UBND TPHCM về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TPHCM.

Về phía TPHCM có sự tham dự của đồng chí Võ Văn Hoan, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, hiện nay, UBND TPHCM đã và đang xây dựng lộ trình để triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm đảm bảo đến năm 2025, thực hiện phân loại thành 3 loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Hiện công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TPHCM đã được xã hội hóa 100%; tỷ lệ các công nghệ đốt, compost, tái chế áp dụng xử lý chất thải rắn tái sinh hoạt trên địa bàn TPHCM chiếm tỷ lệ khoảng 31%, còn lại 69% được chôn lấp hợp vệ sinh. Trong giai đoạn 2016 - 2021, TP đã ban hành 26 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn. Hiện nay, khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn khoảng 10.000 tấn/ngày. Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn được bảo đảm kịp thời, không để xảy ra tình trạng tồn đọng chất thải trong ngày. TP có 4 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý sang đốt phát điện đang triển khai. Các cơ quan, đơn vị và tổ chức đoàn thể đã chủ động phối hợp trong việc tuyên truyền người dân trên địa bàn TP về giảm sử dụng túi ni long khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần, vận động, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế túi ni long khó phân hủy.

Đồng chí Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi giám sát Đồng chí Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi giám sát

Để triển khai đồng bộ và thuận lợi công tác quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Xây dựng sớm xem xét, thẩm định, thông qua Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP đến năm 2025, tầm nhìn 2050. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để áp dụng chung cho toàn quốc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Bộ Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh khoảng cách an toàn đối với các trạm trung chuyển nằm trong khu dân cư đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Bộ Công thương sớm bổ sung các dự án đốt phát điện trên địa bàn TP vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia. TP cũng đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường quan tâm, hỗ trợ TP đưa ra các chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu và hỗ trợ trang bị bảo hộ lao động cá nhân vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); các bộ, ngành sớm xây dựng, công bố vốn đầu tư và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho công nghệ đốt rác phát điện thu hồi năng lượng làm cơ sở áp dụng, tổ chức đấu thầu theo quy định…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Hoan bày tỏ ở TPHCM là đô thị quá đông dân, bên cạnh cư dân sinh sống, thì có rất đông cư dân đến làm việc, việc xử lý rác thải sinh hoạt là thách thức đối với TP. TPHCM đã nhận thức đến tầm quan trọng của việc xử lý rác thải để phát triển. 5 năm gần đây, TP đã nỗ lực quản lý tốt vấn đề xử lý rác thải, đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc xử lý rác thải, bảo đảm việc xử lý rác thải trong ngày, không để tồn đọng. Tuy nhiên, trong quá trình thu gom, xử lý rác thải cần phải tiếp tục nghiên cứu cải tiến cách xử lý rác thải theo cách mới. Việc vận động tuyên truyền người dân phân loại rác thải tại nguồn, chuẩn hóa lực lượng thu gom rác, trang bị bảo hộ, nhiều điểm tập kết rác còn nằm trong khu dân cư, bị người dân phản ánh… đó là những vấn đề còn gặp nhiều khó khăn. “Theo quy định phân loại rác tại nguồn, TP đã thực hiện phân 2 loại, về cơ bản người dân đã phân thành 2 loại, người thu gom cũng đã phân thành 2 loại trước khi đưa đến nhà máy xử lý rác. Do đặc điểm ở đô thị TP, phải có người thu gom rác trong hẻm nhỏ đưa đến bãi rác, nhiều yếu tố nên rất khó có doanh nghiệp làm hết tất cả 3 khâu”, đồng chí Võ Văn Hoan cho biết thêm.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh phát biểu kết luận buổi giám sát Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh phát biểu kết luận buổi giám sát

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của TPHCM trong ban hành văn bản, kế hoạch liên quan xử lý chất thải rắn sinh hoạt. TP đã đạt 2 mục tiêu quan trọng trong xử lý rác thải rắn, nhất là đã xử lý tốt chất thải rắn, rác thải y tế, nâng cao công nghệ xử lý rác thải rắn. Những khó khăn vướng mắc của TPHCM sẽ được tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình chuẩn bị báo cáo phục vụ Phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Ủy ban tới đây. Trong đó, có các kiến nghị về thu gom chất thải rắn sinh hoạt, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện quy hoạch chất thải rắn sinh hoạt, nguồn lực cho chất thải rắn sinh hoạt như ban hành giá…

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo