Thứ Tư, ngày 11 tháng 12 năm 2024

Tận dụng cơ chế mới để giải quyết vấn đề nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn TPHCM

Quang cảnh hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 13/11, Viện Nghiên cứu phát triển tổ chức buổi Hội thảo khoa học “Vấn đề nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn TPHCM” với mong muốn lắng nghe những ý kiến, góp ý và được trao đổi chuyên sâu hơn về những giải pháp cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý... nhằm tham mưu cho UBND Thành phố những định hướng giải pháp giải quyết các vướng mắc trong công tác liên quan đến việc bồi thường, di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, để từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong công tác di dời nhà ở trên và ven kênh rạch trong bối cảnh hiện nay nhằm tạo lập một môi trường sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Phạm Bình An cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra 7 chương trình đột phá, trong đó có Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016-2020. Theo đó, vấn đề di dời nhà ở trên và ven kênh rạch để tạo lập một không gian đô thị xanh, sạch, đẹp cho Thành phố là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra của Chương trình hành động số 15/CTrHĐ ngày 27/10/2016 của Thành ủy TPHCM nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X về Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016-2020 của Thành phố.

Sau gần 10 năm triển khai, mặc dù Thành phố cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, tuy nhiên, tiến độ triển khai thực hiện đến nay còn rất chậm, trong giai đoạn 2016-2020 Thành phố chỉ mới di dời được 2.479/20.000 căn, đạt 12,4 % so với chỉ tiêu đặt ra. Trước tình hình đó, TPHCM đã ban hành Kế hoạch số 3837/KH-UBND ngày 10/11/2021 của UBND Thành phố về Kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo với mục tiêu hoàn thành việc bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch đến năm 2025.

Nhiệm vụ này không chỉ phục vụ cho Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị mà còn phục vụ việc triển khai thực hiện của 49 chương trình, đề án có liên quan được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, cụ thể là: Đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030; Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030.

Trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM đặt ra mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch với tổng vốn đầu tư dự kiến 19.280 tỷ đồng chủ yếu là dự án sử dụng vốn ngân sách, gồm 3 dự án thực hiện theo mục tiêu kép, vừa giải quyết nhu cầu thoát nước để chống ngập, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị, bao gồm: Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng Rạch Xuyên Tâm; Dự án nạo vét, cải tạo Rạch Văn Thánh và Dự án cải tạo kênh Hy Vọng quận Tân Bình, cùng 14 dự án đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 (gồm 8 dự án phê duyệt chủ trương đầu tư công và 6 dự án đã phê duyệt dự án bồi thường). Theo tiến độ triển khai cho đến nay, khả năng đến năm 2025 có thể đạt được 2.867 căn, trên tổng số chỉ tiêu kế hoạch là 6.500 căn, dự kiến sẽ đạt tỷ lệ là 44,1% trong giai đoạn 2021-2025.

Trong quá trình triển khai huy động nguồn lực ngoài ngân sách để triển khai chương trình tổ chức, di dời nhà ở trên và ven kênh rạch trên địa bàn TPHCM, một số khó khăn, vướng mắc được đúc kết như sau: khó khăn vướng mắc trong phương thức đổi đất lấy công trình (BT); phương thức khai thác đất tại chỗ sau khi giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch; phương thức khai thác đất đai mở rộng ranh dự án; khó khăn trong khâu chuẩn bị phương án giải tỏa, tái định cư; khó khăn trong khâu giải tỏa bồi thường; khó khăn đối với hộ dân chưa có đầy đủ pháp lý.

Các chuyên gia đề xuất TP cần tận dụng một số cơ chế chính sách mới, để giải quyết những bất cập phát sinh. Theo đó, một số điều khoản trong Nghị quyết 98 có thể vận dụng tạo nguồn kinh phí đầu tư dự án giải tỏa di dời nhà ở trên và ven kênh rạch trên địa bàn TPHCM, bao gồm: Một là, trong quy định về quản lý đầu tư, HĐND TPHCM có thể sử dụng ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chỉnh trang, phát triển đô thị. Hai là, trong quy định về tài chính và ngân sách nhà nước, Ngân sách TPHCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định. Đây là khoản có thể sử dụng đầu tư cho công tác giải tỏa di dời cải tạo nhà trên và ven kênh rạch. Như vậy, thông qua Nghị quyết 98, nguồn vốn ngân sách đầu tư dành cho dự án giải tỏa, di dời, tái định cư và ổn định cuộc sống cho các hộ dân trên và ven kênh rạch trên địa bàn Thành phố, có khả năng sẽ được giải quyết theo cơ chế mới.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo