Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Phát triển nhà ở TPHCM cần giải pháp đồng bộ, hiệu quả

Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường phát biểu kết luận hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) - Mặc dù TPHCM đã nỗ lực thực hiện và đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020, nhưng kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn và gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ... Đây là nội dung được các đơn vị thảo luận nhằm tìm ra hướng giải quyết trong giai đoạn phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030. Nội dung được nêu ra tại Hội nghị sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020 trong Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2016 - 2025 và công bố Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 - 2030 do UBND TPHCM tổ chức vào sáng 10/3.

Giải pháp để phát triển nhà ở cho người dân

Đại diện UBND TP Thủ Đức cho biết giai đoạn 2021 - 2025, UBND TP Thủ Đức định hướng phát triển nhà ở thương mại phải gắn với phát triển đô thị của UBND TP Thủ Đức đảm bảo đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, hoàn chỉnh, chú trọng kết nối liên kết vùng, mở rộng không gian, định hướng phát triển đô thị, khu chức năng, nhằm tăng cường thu hút đầu tư phát triển tiềm năng của địa phương; phát triển đa dạng các loại hình nhà ở về giá cả, vị trí, diện tích… đảm bảo số lượng, chất lượng nhà ở để đáp ứng cho nhu cầu ở của người dân trên địa bàn và khu vực xung quanh nhằm phát huy vai trò của UBND TP Thủ Đức trên TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Giai đoạn 2021-2025, UBND TP Thủ Đức dự kiến phát triển nhà ở thương mại đạt khoảng 2.633.280 m2 sàn. Theo danh mục phát triển nhà ở dự kiến trong giai đoạn 2020-2025, phấn đấu chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn TP Thủ Đức đạt khoảng 23,6 m²/người và tổng diện tích nhà ở tăng thêm trên địa bàn TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 8,78 triệu m² sàn. Bên cạnh đó, TP Thủ Đức cũng định hướng phát triển nhà ở đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng kỹ thuật giao thông và xã hội.

Nhằm tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất, cần chủ động tạo quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội thông qua tổ chức phát triển quỹ đất; Hoàn thiện các cơ chế thực hiện quy định về nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án nhà ở kinh doanh. Tổ chức phát triển quỹ đất cần có cơ chế hoạt động của doanh nghiệp để có thể chủ động thực hiện các quyền đối với đất đai của một tổ chức kinh tế, có thể chủ động huy động vốn dưới nhiều dạng khác nhau để thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch.

Về công trình xây dựng nhà lưu trú cho công nhân hiện chỉ có 16 công trình đáp ứng khoảng 15% người có nhu cầu. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những bất cập trong thực tế đối với việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân tại các KCX, KCN hiện hữu như: Không còn quỹ đất chưa khai thác, sử dụng để điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, các công trình phục vụ tiện ích người lao động khác ngay trong ranh KCX, KCN. Việc điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án nhà lưu trú cho công nhân, công trình phục vụ tiện ích người lao động còn mất rất nhiều thời gian, công sức của Nhà đầu tư do quy trình thủ tục phức tạp.

Một số giải pháp hỗ trợ công nhân lao động sở hữu nhà ở trong điều kiện hiện nay tại TPHCM, đó là xây dựng và định hướng chiến lược phát triển nhà ở dài hạn, huy động được nguồn vốn lớn và xây dựng quỹ đất đáp ứng cho các dự án phát triển nhà ở xã hội giá rẻ. Điển hình là TPHCM đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở cho từng giai đoạn cụ thể, đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành liên quan, ưu tiên bố trí quỹ đất sạch, quy hoạch vị trí phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Điều này cần có chủ trương thông suốt của chính quyền địa phương, cùng sự chung tay của các cơ quan ban ngành, tạo điều kiện và khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các nguồn vốn vay ưu đãi đối với công nhân lao động hỗ trợ tạo lập nhà ở, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa đối với thị trường.

Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết, Nghị định 100 của Chính phủ ban hành năm 2015 thì Ngân hàng chính sách xã hội bắt đầu phân bổ vốn thực hiện từ 2018. Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với các đối tượng thuộc chính sách vay thuê, thuê mua, sữa chữa, xây mới nhà để ở với lãi suất khoảng 4,8% thời hạn 25 năm. Kết quả, doanh số cho vay đạt khoảng 151 tỷ đồng cho 300 khách hàng, bình quân 500 triệu đồng/khách hàng; trong đó cho vay cải tạo 32 tỷ đồng; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội khoảng 127 tỷ đồng. Chương trình này đã mang lại lợi ích thiết thức, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, đối với nhà ở xã hội, với mức cho vay 70-80% tổng giá trị căn hộ thì sẽ khó khăn cho người có thu nhập thấp, để mua được thì số tiền ban đầu người vay phải có ít nhất 200 triệu đồng là không dễ dàng. Vì vậy, nên cung ứng nhà cho thuê, thuê mua.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh phát biểu tại hội nghị Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh phát biểu tại hội nghị

Quy hoạch sử dụng đất xây dựng nhà ở đồng bộ với hạ tầng giao thông

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đề nghị Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và các sở, ban ngành có liên quan triển khai thực hiện chương trình phát triển nhà ở; hướng dẫn, đôn đốc và giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và báo cáo UBND TP trong các trường hợp vượt thẩm quyền. Đồng thời, tham mưu UBND TP ban hành các cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực tham gia phát triển nhà ở, hạ tầng đô thị. Trong đó, tập trung việc phát triển nhà ở xã hội, chỉnh trang đô thị (nhà ở trên và ven kênh rạch, cải tạo chung cư cũ).

Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xây dựng quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, bảo đảm quỹ đất để đáp ứng các dự án phát triển nhà ở, tạo quỹ đất sạch để thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, rà soát quỹ đất đã giao cho các chủ đầu tư để đầu tư xây dựng nhà ở. Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp cùng UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức phát triển chỉnh trang đô thị phù hợp với tình hình thực tế; rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN, KCX theo hướng tăng diện tích đất thương mại dịch để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thuê. Sở Giao thông vận tải phối hợp các đơn vị liên quan lập quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông đô thị bảo đảm đồng bộ, với quy hoạch sử dụng đất, phát triển nhà ở trên địa bàn TP…

Mục tiêu phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030

Đến năm 2025, phấn đấu chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn TP đạt 23,5 m2/người. Tổng diện tích nhà ở tăng thêm TP giai đoạn 2021-2025 đạt 50,0 triệu m2 sàn, tương đương khoảng 367.000 căn nhà. Phát triển nhà ở tại các khu vực dọc theo các điểm kết nối tuyến giao thông công cộng trọng điểm: tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đi qua TP Thủ Đức (hướng Đông); tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đi qua các quận: Tân Phú, 12 (hướng Bắc); tuyến Metro số 3a Bến Thành - Tân Kiên đi qua các quận, huyện: Bình Tân, Bình Chánh (hướng Tây). Rà soát, điều chỉnh quy hoạch để tạo lập, xác định rõ các quỹ đất phát triển dự án nhà ở tại các quận nội thành phát triển (Quận 7, Quận 12, quận Bình Tân và TP Thủ Đức).

Giai đoạn 2026 - 2030: Đến năm 2030, phấn đấu chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn TPHCM đạt 26,5 m3/người. Tổng diện tích nhà ở tăng thêm TP giai đoạn 2026-2030 đạt 57,5 triệu m2 sàn. Phát triển nhà ở tại các khu vực dọc theo các điểm kết nối tuyến giao thông công cộng trọng điểm, phát triển mạnh nhà ở tại khu vực các quận nội thành phát triển (Quận 7, Quận 12, quận Bình Tân và TP Thủ Đức). Phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch, tạo lập quỹ đất phát triển dự án tại các huyện ngoại thành, ưu tiên tạo điều kiện để phát triển các dự án nhà ở giá rẻ, phục vụ đại bộ phận người lao động dịch cư đến TP.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo