Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nâng cao việc bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 25/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày tờ trình về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật Tài nguyên nước 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực; đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước ở một số nơi còn chưa nghiêm, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện tốt; các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới còn chưa đồng bộ.

Dự thảo luật nhằm bảo đảm khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật. Cùng với đó, dự án Luật hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra nêu rõ, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Về cơ bản, dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm, định hướng đổi mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này.

Quốc hội chiều 25/5 Quốc hội chiều 25/5

Ủy ban KH-CN-MT đề nghị thể hiện rõ ràng hơn các nguyên tắc quản lý cho từng hoạt động cụ thể (từ quản lý tài nguyên; quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; hoạt động hạn chế tác hại do nước gây ra...) và tối ưu hóa trong khai thác, sử dụng nước. Đề nghị làm rõ cơ chế, điều kiện sử dụng ngân sách nhà nước để các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước, cập nhật thông tin, kết quả điều tra vào hệ thống thông tin tài nguyên nước; trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong cập nhật, chia sẻ thông tin về điều tra cơ bản tài nguyên nước…

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Ủy ban đề nghị cần phân định rõ trách nhiệm quản lý tài nguyên nước với quản lý công trình khai thác, sử dụng nước của các bộ, ngành; bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ khác có liên quan.

Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước, Ủy ban thống nhất với việc xác định chức năng nguồn nước, phân vùng chức năng nguồn nước để bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên, cần thể hiện rõ hơn quan điểm này. Theo đó, việc bảo vệ nguồn nước phải dựa vào chức năng và phân vùng chức năng nguồn nước; thẩm quyền phân vùng chức năng nguồn nước; các biện pháp bảo vệ nguồn nước để đạt mục tiêu bảo vệ hiệu quả số lượng và chất lượng nguồn nước. Cùng với đó, bổ sung quy định cơ chế tài chính khi cấp nước cho các mục đích sử dụng khác nhau phải tính đến lượng nước thải và chi phí để xử lý nước thải sau sử dụng nhằm bảo vệ hiệu quả nguồn nước…

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo