Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tết vẫn cứ phải là… Tết thôi

Khách tham quan Đường hoa Nguyễn Huệ tấp nập, nhộn nhịp. (Ảnh: SGGP)

(Thanhuytphcm.vn) - Tết dù có đơn giản mấy thì cũng rất mệt. Làm sao không chạy ngoài đường mua sắm để người làm ăn xa về Tết với gia đình. Tết là Tết… Xem ra làm gì cũng do lòng người mong muốn mới ra nếp sống cả thôi…

Mệt… vì tình

Bây giờ đầy đủ sản phẩm thực phẩm chế biến, ngoài phố đầy đồ ăn bán sẵn. Các hủ lệ cầu kỳ cũng dần biến mất. Nhiều năm rồi tranh cãi bỏ Tết ta hay không, nhưng đều… thua.

Gần Tết “lên lịch” đủ kiểu. Tết gì lại đóng cửa đi… tắm biển - xưa người Sài Gòn đã làm người Hà Nội ngạc nhiên thì giờ đây không gì lạ nữa. Nhất là sau mấy năm Covid-19 giãn cách xã hội, nay phải đi chơi thôi. Dân Hà Nội giờ Tết cũng đi chơi nhiều.

Thế nên Tết dù có đơn giản mấy thì cũng rất mệt. Làm sao không chạy loằng ngoằng ngoài đường mua sắm để người làm ăn xa về Tết với gia đình. Ngay những anh chạy grab cũng cố kiếm tiền đến sát Tết mới về. Đường lúc nào cũng đông nghẹt đến nỗi phải tính xem gọi grab taxi hay là grab bike. Bởi đường phố của ta thì xe hai bánh len lỏi khắp các hẻm mà thoát ra được chứ ô tô sang chảnh thì chỉ có đứng mà nhích. Hỏng hết việc.

Thử xem lịch một nhà “quyết tâm ăn Tết đơn giản”: Tối thiểu phải đi chúc Tết thông gia, bà con đau yếu nằm một chỗ. Người già thì “giàu cỡ nào, có bao nhiêu tiền nhưng... bệnh một cái là tiền tiêu như núi” ngay. Tết phải biếu bác sĩ, cả năm họ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh cho mình nay mình chăm sóc lại - chứ còn cái biểu tượng lỡ dại “con rắn ngậm phong bì” là người ta ngụ ý ăn to kiểu Việt Á, hay CDC lúc dịch bệnh và mua sắm dụng cụ y khoa, ăn lớn cả cái bệnh viện đấu thầu xây dựng gì đó mới bị “vào lò”, chứ biếu chút quà cho bác sĩ chăm lo sức khỏe cho mình thì phải đạo thôi. Những bà con họ gần, người mang ơn nhờ vả giúp đỡ, người cộng tác làm ăn thông thường quanh năm - cái này sao không lo được. Thế là chạy tới lui.

Rồi lo cúng tiễn ông Táo, lo viếng mồ mả ông bà cha mẹ, lo cơm cúng chiều 30 Tết, đố ai bình chân như vại bảo “đơn giản không mua sắm gì”.

Trên mạng xã hội đã… vắng bóng dần những bài sâu sắc công phu sau khi đã chúc, đã khoe hình hoa và mèo. Giờ chỉ còn hài kiểu: “Muốn đóng cửa ngủ, ai cấm”, “Đang yên đang lành, cái tự nhiên…Tết”. Hình bảng hiệu “Nó về sớm ngày nào tôi vui ngày đó” tiếp bên cạnh còn hài hơn: “Alo, nhà đang yên lành, con… đừng về”.

Người thì khoe khéo: “Tưởng đã vô cảm với Tết vậy mà điện thoại réo: Em ơi chở hoa tới trước nhà em rồi”… Rồi có cái hình vui: đi nhậu xách theo… 2 cái giỏ đệm đầy giấy 500”.

Thế là biết dù có đơn giản kiểu gì, Tết vẫn là…Tết thôi.

Đơn giản không dễ

Người nước ngoài về thăm nhà khoe cái vali chằng chịt dây thừng đề phòng nạn lục lọi ở các cửa khẩu, sân bay. Rồi chuyện ở bên trời Tây có cô gái “theo dõi thấy cả lịch trình của cái túi du lịch bị mất”. Hàng không nói nó sẽ an toàn ở sân bay, không sợ mất. Vậy mà cô thấy nó “đi” trung tâm mua sắm, nó vào nhà hàng McDonald, rồi nó vào chung cư… Hóa ra là cô ấy trước khi đi du lịch đã cẩn thận mua thiết bị theo dõi để vào trong túi du lịch.

Còn chuyện ăn Tết, tưởng đơn giản cứ nồi thịt kho hột vịt to đùng như xưa là xong á? Xưa đói nghèo, nếu muốn rảnh rỗi cứ nồi đó ăn mấy ngày. Giờ đâu được. Bữa sáng phải khác chiều, đổi món.

Bây giờ tưởng ăn đơn giản là dễ, nhưng thật ra ngày càng khó vì đòi hỏi rất cao về hiểu biết và tri thức. Mỗi việc uống nước thôi mà lúc thì bảo 2 lít, lúc lại bảo không nhiều quá như vậy. Phải uống đủ nước vì nó giúp lão hóa khỏe mạnh hơn, có mối liên hệ giữa nước và lượng natri trong máu. Nếu ít nước thì natri trong máu tăng lên có hại.

Người ta còn biết - cũng qua tin của CNN - một nhà hàng ở Copenhagen từng 5 lần đứng trong danh sách 50 nhà hàng tốt nhất thế giới nay kinh doanh vừa phải để dồn sức tìm tòi thêm đột phá trong lĩnh vực thực phẩm. Nghe tên các món ẩm thực Bắc Âu mới của họ mà thấy công phu. Món ăn dựa trên nguyên liệu hái lượm địa phương: Sữa trứng tuần lộc với phấn hoa ong… Mộc qua và kem gạo lên men với Caramen hàu. Nghe thế biết ngay, ai đơn giản cứ đơn giản, ai phức tạp cứ vẫn phức tạp thôi.

Mà bảo đơn giản rồi, nhìn xem, nhà nhà cứ sau cúng Giao thừa, Mùng 1, Mùng 3 đón đưa ông bà xong là bắt đầu ăn… đồ cũ để tủ lạnh nấu lại.

Tết là Tết. Mất đến bao năm, người Nhật mới quên, mới xóa được cái “Tết âm lịch” để ăn Tết dương lịch như mọi nơi trên thế giới. Xem ra làm gì cũng do lòng người mong muốn mới ra nếp sống cả thôi.

Quảng Yên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo