Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Ra mắt sách “Thư pháp Việt (căn bản)” - hiểu để đưa thư pháp xứng tầm hơn

Chương trình giao lưu ra mắt sách “Thư pháp Việt (căn bản)”

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 19/11, tại Đường sách TP, Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM phối hợp với nghệ nhân Võ Dương chính thức ra mắt cuốn sách “Thư pháp Việt (căn bản)”.

Từng lập Kỷ lục thế giới với cuốn đại sách Thư pháp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong cuốn sách “Thư pháp Việt (căn bản)” lần này, tác giả nghệ nhân Võ Dương đánh dấu cột mốc 20 năm theo nghiệp thư pháp và 15 năm giảng dạy trao truyền nét chữ tài hoa.

Cuốn sách dày 160 trang, gồm 2 phần: lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết gồm các nội dung căn bản về thư pháp, dụng cụ, cách cầm bút, tư thế viết; phần thực hành gồm các bài luyện tập từ việc viết các nhóm nét căn bản đến cách ráp chữ và trình bày một bức thư pháp. Cuốn sách mang tính đề cương, khái lược, được đánh giá là tài liệu nhập môn cơ bản nhất cho những người mới bắt đầu làm quen với nghệ thuật viết thư pháp Việt.

Khách tham quan triển lãm tranh thư pháp tại Đường sách TP. Khách tham quan triển lãm tranh thư pháp tại Đường sách TP.

Nghệ nhân Võ Dương, tác giả cuốn sách “Thư pháp Việt (căn bản)” chia sẻ rằng thư pháp không chỉ là những nét chữ “rồng bay phượng múa” mà phải truyền tải được thông điệp, từ đó sẽ có nhiều người đón nhận và trân quý bộ môn nghệ thuật này. Theo nghệ nhân Võ Dương, thư pháp ngày nay không còn là “thư pháp vỉa hè” như thời “Ông đồ” của Vũ Đình Liên nữa mà phải nhìn nhận và một phần nào đó phải đưa thư pháp xứng tầm hơn. Đó là phải đưa vào giảng dạy ở các trường học để mọi người hiểu rõ về thư pháp. Không phải đơn thuần là đặt cây bút lên rồi nguệch ngoạc ra những nét mà gọi là thư pháp, hay hồi trước người ta nói vui là chữ bác sĩ. Chúng tôi mong muốn qua cuốn thư pháp này, mọi người nhìn nhận và khẳng định rằng thư pháp là phải luyện tập, trau dồi cũng như tìm hiểu thật kỹ để không còn là “thư pháp vỉa hè” nữa.

Trong thư pháp, muốn viết đẹp thì đòi hỏi phải có kỹ năng, sự thiền định, năng khiếu và nhất là tinh thần nỗ lực luyện tập. Cuốn sách mang hy vọng mở ra tiền đề khởi sắc cho bộ môn thư pháp chữ Việt trong trường học. Đồng thời, mong muốn góp thêm một góc nhìn tích cực hơn để thư pháp nước nhà có thể “cất cánh” bay cao, bay xa hơn nữa đến bạn bè năm châu.

Cũng trong sáng 19/11, nhân dịp chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, tại Đường sách TPHCM diễn ra chương trình âm nhạc “Lớp học ký ức” thu hút đông đảo người tham gia. Với ca từ văn học đặc sắc, giai điệu gợi về thầy cô mến yêu, chương trình gợi cho khán giả hồi tưởng quay lại mái trường xưa, quay lại lớp học thân quen để nhớ về những năm tháng cắp sách đi học, những kỷ niệm đẹp không thể nào quên về thầy cô và bạn bè.

Chương trình được xây dựng như một buổi học, gồm có tiết Văn học, tiết Âm nhạc, kiểm tra bài cũ, giờ ra chơi, giờ tan trường… kết hợp giữa trình diễn âm nhạc và tổ chức trò chơi cho người tham gia. Các tiết mục ca nhạc là những bài hát nói về thầy cô và bạn bè như Bụi phấn, Xe đạp, Cho bạn cho tôi… và những bài có chủ đề lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học như Chí Phèo, Hai đứa trẻ…

“Lớp học ký ức” là chương trình tri ân thầy cô giáo, nâng cao truyền thống “tôn sư trọng đạo” cũng như mang lại những khoảnh khắc đáng nhớ cho khán giả tại Đường sách. Đi cùng với thông điệp ấy, chương trình còn tôn vinh nét đẹp tri thức, thúc đẩy niềm yêu thích đọc sách của giới trẻ để góp phần xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.

Tối 19/11, tại Đường sách TP còn diễn ra đêm nhạc tri ân thầy cô với chủ đề “Bụi phấn”. Các gian hàng sách tại Đường sách cũng có chương trình giảm giá, ưu đãi, đồng giá lên đến 50% cùng quà tặng cho khách, đặc biệt là học sinh và thầy cô giáo.

M.Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo