Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ qua các địa chỉ đỏ

Đoàn viên, học sinh dâng hương tại Tượng đài Củ Chi Đất thép.

(Thanhuytphcm.vn) - Trên vùng đất Thép anh hùng, mỗi địa danh di tích đều gắn liền với những sự kiện, quá trình đấu tranh cách mạng của Nhân dân Củ Chi dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó thực sự trở thành những “địa chỉ đỏ” không chỉ thể hiện sự tri ân với thế hệ đi trước mà còn giáo dục truyền thống cách mạng cho hế hệ trẻ, góp phần tô điểm, làm sáng thêm truyền thống yêu nước của mỗi người dân Củ Chi.

Tích cực giới thiệu về địa chỉ đỏ

Trong quá trình phát triển và trải qua 2 cuộc chiến tranh chống lại kẻ thù đã để lại cho Củ Chi vùng đất anh hùng với nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa. Tuổi trẻ Củ Chi luôn tự hào với truyền thống quê hương và tìm hiểu giới thiệu đến tất cả mọi người dân trong cả nước và bạn bè quốc tế về mảnh đất này. Thông qua công trình cẩm nang du lịch “Hành trình về vùng Đất Thép” với 30 địa chỉ đỏ, địa danh văn hóa, các điểm du lịch, trong đó, giới thiệu những công trình lịch sử truyền thống như: Đền liệt sĩ Bến Dược, Đền Gia Định, Khu tượng niệm Trung đội Gò Môn, Nhà tưởng niệm mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Rành, Địa đạo Ấp Cây Da…, những công trình văn hóa nghệ thuật như: Chùa Linh Sơn, Đình Cây Sộp, Đình Xóm Huế, Đình Tân Thông … Những địa chỉ đỏ được giới thiệu súc tích ngắn, gọn đầy đủ thông tin qua đó giúp các cơ sở đoàn giới thiệu và tổ chức các hành trình đến với địa chỉ đỏ.

Tiếp nối kết quả cuốn cẩm nang “Hành trình về vùng Đất Thép”, Ban Thường vụ Huyện Đoàn Củ Chi tập trung thực hiện công tác giáo dục truyền thống, lịch sử cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện qua việc xây dựng các clip giới thiệu về các địa chỉ đỏ trên địa bàn huyện.

Nổi bật như hội thi “Bí thư Chi đoàn giỏi” với phần thi xây dựng 1 clip giới thiệu về địa điểm lịch sử trên địa bàn huyện hay hội thi hát Quốc ca tại các địa chỉ đỏ “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”. Qua đó, nhiều clip hay, ý nghĩa đã được chính đoàn viên, học sinh thực hiện để giới thiệu đến đoàn viên, thanh niên, học sinh.

Đồng chí Huỳnh Vĩnh Lộc, Huyện ủy viên, Bí thư Huyện đoàn cho biết: tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ của Đoàn, Hội, Đội. Hoạt động này luôn được gắn với các “địa chỉ đỏ” bằng các hoạt động cụ thể, ý nghĩa như: tổ chức lễ báo công, dọn dẹp vệ sinh các Đền tưởng niệm liệt sĩ; dâng hương, chung tay giữ gìn và giới thiệu các điểm di tích lịch sử trên địa bàn huyện.

Lễ kết nạp đoàn viên mới của trường THPT An Nhơn Tây tại Nhà truyền thống huyện Củ Chi. Lễ kết nạp đoàn viên mới của trường THPT An Nhơn Tây tại Nhà truyền thống huyện Củ Chi.

Tự hào hơn về lịch sử vùng đất Thép anh hùng

“Đến với một địa điểm di tích, một địa chỉ đỏ cho em nhiều cảm nhận và học hỏi được rất nhiều điều. Em càng tự hào hơn lịch sử quê hương và cố gắng, học tập, làm việc xứng đáng là người con của vùng đất thép kiên cường và anh dũng”, bạn Đặng Ngọc Minh Thơ, đoàn viên xã Hòa Phú chia sẻ. Thật vậy, mỗi địa chỉ là một hình tượng sống động giúp thế hệ trẻ, các em học sinh cảm nhận rõ hơn và thực tế hơn về cuộc sống, chiến đấu của các chiến sĩ, người dân năm xưa, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay với các thế hệ đi trước. Chính vì vậy, Huyện đoàn và cơ sở Đoàn đã thường xuyên tổ chức những chuyến hành trình đến với địa chỉ đỏ ý nghĩa để cán bộ, đoàn viên nhân lên niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ.

Lịch sử thì đã nắm, đã biết nhưng tận mắt tham quan di tích, nghe thuyết trình về lịch sử tại ngay địa chỉ đỏ, đoàn viên, thanh thiếu nhi càng thấm thía hơn về hoạt động cách mạng cũng như sự hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ và nhân trong những năm tháng hoạt động cách mạng. Giữa không gian di tích lịch sử, các hoạt động như: kể chuyện về Bác với chủ đề Bác Hồ với thanh niên, sinh hoạt chủ điểm “Tự hào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh” càng được các đoàn viên thanh thiếu nhi nhận thức sâu sắc thêm về những nội dung, bài học được gởi gắm.

Trong tháng 3 vừa qua, nhiều cơ sở đoàn đã chọn sinh hoạt chủ điểm tại các di tích lịch sử, đền tưởng niệm liệt sĩ xã, thị trấn. Sinh hoạt chủ điểm tại địa chỉ đỏ chẳng những đổi mới hình thức, góp phần nâng cao chất lượng nội dung sinh hoạt mà còn giúp giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các chi đoàn đã thực hiện lễ kết nạp đoàn viên tại các địa điểm lịch sử. Trong không khí sôi nổi của tháng thanh niên, các chi đoàn của trường THPT An Nhơn Tây đã tổ chức lễ kết nạp đoàn tại địa chỉ đỏ Nhà truyền thống huyện. Điều này lại càng thêm ý nghĩa đối với đoàn viên mới, không chỉ vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đoàn, mà còn giúp đoàn viên hiểu hơn về truyền thống lịch sử của quê hương, thêm yêu, thêm tự hào về nơi mình sinh ra, lớn lên.

Em Nguyễn Gia Hân, trường THPT An Nhơn Tây là 1 trong những thanh niên ưu tú được kết nạp đoàn nơi đây bày tỏ: “Tôi cảm thấy rất vui, rất vinh dự và tự hào khi đứng chân vào hàng ngũ của Đoàn ngay tại Nhà truyền thống huyện. Tôi xin hứa luôn tham gia tích cực hoạt động Đoàn, phát huy xung kích tuổi trẻ, luôn là người bạn tin cậy của thanh niên”.

Đoàn viên dâng hương tại Bia tưởng niệm Sông Lu. Đoàn viên dâng hương tại Bia tưởng niệm Sông Lu.

Hướng về ngày 30/4 lịch sử, xã đoàn Phú Hòa Đông đã tổ chức nhiều hoạt động và hành trình về nguồn ý nghĩa. Anh Dương Văn Cường, Bí thư xã đoàn Phú Hòa Đông cho biết: Xã đoàn đã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên hành trình đến với Nhà truyền thống huyện, Nhà Tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành để các bạn hiểu hơn về lịch sử truyền thống Củ Chi và những công lao to lớn của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành. Tôi và nhiều bạn trẻ không phải đến với địa điểm lần đầu nhưng lần nào cảm xúc thiêng liêng, tự hào cũng trào dâng, nhất là trong những ngày này khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 46 năm Ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Hành trình tham quan địa chỉ đỏ đã đem đến những bài học lớn cho đoàn viên, thanh niên về truyền thống yêu nước, đánh giặc giữ nước đầy bất khuất, oai hùng của cha ông, đọng lại nhiều kỷ niệm về mảnh đất Củ Chi anh hùng. Các hoạt động cũng là một chương trình ý nghĩa nhằm tăng cường trải nghiệm, học các bài học lịch sử qua di tích lịch sử để thế hệ trẻ thêm hiểu, trân trọng truyền thống đấu tranh oai hùng của cha ông. Gìn giữ và phát huy hiệu quả các di tích cách mạng trong cuộc sống chính là góp phần bồi đắp tình yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay.

Thu Hà


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo