Thứ Ba, ngày 6 tháng 6 năm 2023

Du lịch biển đảo được ưu tiên hàng đầu trong dự thảo quy hoạch du lịch Việt Nam tầm nhìn 2045

Vịnh Hạ Long là một trong những điểm nhấn trong phát triển du lịch biển đảo.

(Thanhuytphcm.vn) - Tổng cục Du lịch (TCDL) vừa tổ chức hội thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2045, nhằm bổ sung, hoàn thiện về những định hướng và giải pháp cơ bản nhằm phát triển du lịch trong giai đoạn mới, phù hợp với những định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó du lịch biển đảo vẫn tiếp tục được giữ vị trí ưu tiên hàng đầu.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng TCDL, dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu; phát triển du lịch quốc tế đồng thời với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; phát huy tiềm năng lợi thế quốc gia, gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển bền vững, sáng tạo, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ phục hồi hoàn toàn ngành du lịch và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh đến năm 2030.

Theo dự thảo quy hoạch, 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam trong giai đoạn này là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị. Trong đó, du lịch biển đảo tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển của du lịch Việt Nam. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển một số trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế như Hạ Long, Lăng Cô, Vĩnh Hy, Nha Trang, Cam Ranh… và các đảo như Phú Quốc, Côn Đảo, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý… Ưu tiên huy động nguồn lực xây dựng vịnh Hạ Long - Bái Tử Long, vịnh Vân Phong - Nha Trang - Cam Ranh, đảo Phú Quốc và một số bãi biển đẹp ở Quy Nhơn, Đà Nẵng, Bình Thuận… trở thành những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển đẳng cấp hàng đầu thế giới, nhằm tạo dựng thương hiệu và vị thế cạnh tranh quốc tế của du lịch Việt Nam. Cùng đó, dự thảo cũng đề xuất phát triển thêm 3 loại hình du lịch mới, gồm du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao.

Quy hoạch đồng thời tổ chức không gian phát triển du lịch, phân vùng phát triển du lịch; tập trung ưu tiên phát triển các khu vực du lịch động lực, hệ thống các khu du lịch quốc gia, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Cùng với đó là các giải pháp về cơ chế, chính sách; tổ chức quản lý; tổ chức và thực hiện quy hoạch; phối hợp liên ngành, liên địa phương; đầu tư, thị trường, xúc tiến, quảng bá…

Dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2045 đang trong giai đoạn lấy ý kiến, sau đó tổng hợp, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành trong năm 2022.

Trúc Anh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo