Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Quán triệt nghị quyết đại hội đảng các cấp

Tiếp tục đổi mới để phát triển

30 năm nước ta thực hiện công cuộc đổi mới theo sự lựa chọn và quyết định tất yếu và đúng đắn của Đảng. Sự phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước cùng với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng từ nhiều năm nay đang đòi hỏi chúng ta đẩy mạnh công cuộc đổi mới, cải cách thể chế mà vấn đề mấu chốt hàng đầu là phải có sự đột phá về tư duy, làm cơ sở lý luận, nhận thức để cải cách thể chế và đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới.

Trước hết, là tư duy về mục tiêu phát triển, đó chính là xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thực tiễn cho thấy mục tiêu này đúng với kỳ vọng của nhân dân ta, có sức tập hợp, động viên sức mạnh của toàn dân tộc đấu tranh cho sự phát triển bền vững của đất nước, cho ấm no, hạnh phúc của mỗi người dân. Để hoàn thiện được nội hàm của mục tiêu to lớn đó, chúng ta đã phải từng bước hoàn thiện lý luận cùng với sự chiêm nghiệm, khẳng định từ thực tiễn. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như hiện nay là rõ ràng, ngắn gọn, đầy đủ, phù hợp với quy luật khách quan. Chính vì thế, mọi chủ trương, chính sách, mọi quy định của pháp luật đều phải nhằm đúng mục tiêu này, thể hiện rõ tư duy về một xã hội dân chủ, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, đặt lợi ích của dân tộc, của người dân lên trên hết; về một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững, vững vàng trong hội nhập quốc tế.

Thứ hai, là tư duy về nhà nước pháp quyền. Đó là việc bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân và các chuẩn mực, giá trị xã hội khác đã được quy định từ trong Hiến pháp đến cả một hệ thống pháp luật, không để cho bất cứ một quyền nào của dân bị hạn chế trái với Hiến pháp. Tổ chức quyền lực nhà nước cần được giám sát để tránh cửa quyền, lạm quyền. Nhà nước, Chính phủ thực hiện đúng vai trò của mình là “kiến tạo phát triển”, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; thể chế hành chính phải công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho dân và doanh nghiệp. Việc xét xử của tòa án phải theo đúng luật pháp và không bị tác động bởi bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào. Khái niệm nhà nước pháp quyền cần phải được nhận thức đúng đắn chứ không thể chỉ được nhắc đến như một tiêu đề sáo rỗng, còn nội hàm và tinh thần của nó không được nhận thức rõ ràng, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhà nước pháp quyền là một mô thức tổ chức quyền lực nhà nước mà ở đó pháp luật là tối thượng, đảm bảo cho mọi chủ thể trong xã hội không những được đối xử công bằng trước pháp luật mà họ còn có thể “sử dụng” pháp luật như “giá trị” hữu hiệu nhất để có được sự bảo vệ tối ưu cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ ba, là tư duy về nền kinh tế thị trường hiện đại, vận hành theo đúng các quy luật phổ biến của thị trường, đồng thời không xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm các quyền của công dân trong thị trường: quyền sở hữu tài sản; quyền tự do kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm; quyền bình đẳng và tự do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Các loại thị trường cần có chính sách, luật pháp để phát triển đồng bộ. Tạo môi trường cho khoa học, công nghệ có tác động vào sản xuất, coi khoa học, công nghệ là nhân tố chủ yếu quyết định nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Trong quá trình đó, chú trọng sự tác động tích cực của Nhà nước thông qua các công cụ của mình, đồng thời thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, thực hiện phân phối và phân phối lại hợp lý.

Thứ tư, là tư duy về các tổ chức xã hội. Khuyến khích hình thành và hoạt động có hiệu quả các tổ chức xã hội, bao gồm các đoàn thể nhân dân, các hội, hiệp hội, trung tâm, câu lạc bộ…, theo đúng định hướng của Đảng và các quy định của pháp luật. Cần coi đây là khu vực do dân tự nguyện lập ra, đại diện cho các nhóm xã hội khác nhau, có tác dụng khỏa lấp những khiếm khuyết, lệch lạc của thị trường, đồng thời góp phần cùng với Nhà nước trong thực hiện những dịch vụ cho cộng đồng. Khuyến khích hơn nữa các tổ chức xã hội trong công tác chăm lo đời sống, tạo việc làm cho nhóm người yếu thế (phụ nữ đơn thân, người khuyết tật, trẻ em cơ nhỡ…), bảo vệ môi trường… Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các tổ chức xã hội đóng góp xây dựng thể chế chính sách, tôn trọng đúng mực đối với ý kiến phản biện tâm huyết, có trách nhiệm và tinh thần xây dựng vì sự phát triển của đất nước. Đồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức này, nhất là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, thực hiện tốt vai trò giám sát của mình đối với tổ chức đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Vì mục tiêu phát triển của đất nước, quyền lợi của dân tộc thiêng liêng, cao cả, nhất thiết chúng ta phải tiếp tục đổi mới, phải tiếp cận tư duy mới của thời đại. Một trong 5 bài học qua 30 năm đổi mới được Đảng ta xác định là bài học về đổi mới. Đó là đổi mới toàn diện, đồng bộ, liên tục nhưng phải bám sát thực tiễn, cả thực tiễn trong nước lẫn thực tiễn thế giới, cả thực tiễn về phát triển kinh tế lẫn thực tiễn về xây dựng Đảng. Trong đó, đổi mới tư duy một lần nữa cần được tiếp tục thực hiện, như đã đổi mới tư duy từ Đại hội VI, để đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

ThS. NGUYỄN VĂN ÐỔNG

tin khác

Thông báo