Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945 – 2016)

Cách mạng tháng Tám - Mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước và xây dựng lực lượng cách mạng, tháng 1-1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Thời gian đầu, Người sống tại hang Cốc Bó thuộc thôn Pắc Bó (Cao Bằng); vài tháng sau, do địch lùng sục, Người lại dời sang Khuổi Nậm. Nhiều lần, Người phải vượt qua biên giới trở lại Tĩnh Tây (Trung Quốc) để tránh địch. Nhưng Người đã làm được nhiều việc cấp thiết: tranh thủ bồi dưỡng kinh nghiệm hoạt động cho cán bộ; viết tài liệu tuyên truyền, huấn luyện như: Cách đánh du kích, Lịch sử nước ta, Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô (tóm tắt); sáng lập báo Việt Nam Độc lập…

Sự kiện quan trọng nhất là Người nhân danh đại diện Quốc tế Cộng sản, triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941 tại Khuổi Nậm. Hội nghị quyết định cần phải thay đổi chiến lược, thay đổi chính sách cách mạng ở Đông Dương:

“…Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Hội nghị chỉ rõ sách lược của Đảng là “phải vận dụng một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân”, với tinh thần đó, Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, ra đời. Các hội quần chúng yêu nước trong Mặt trận mang tên gọi vừa đầy sức cổ vũ, vừa nói lên mục đích và tôn chỉ của mình là “Hội cứu quốc”.

Về vấn đề chính quyền, Hội nghị cũng quyết định không nên nói công nông liên hiệp và lập chính quyền Xô viết mà phải nói toàn thể nhân dân liên hợp và lập chính phủ dân chủ cộng hòa.

Nhằm liên lạc với phong trào chống Nhật của nhân dân Trung Quốc và các lực lượng đồng minh chống phát xít, Nguyễn Ái Quốc lấy tên mới Hồ Chí Minh, lên đường sang Trung Quốc. Không may, Người bị nhà đương cục Tĩnh Tây bắt ngày 27-8-1941 và giải đi qua nhiều nhà tù, đến ngày 10-9-1942 mới được trả tự do.

Do vẫn bị quản chế, cuối tháng 9-1944, Người mới tìm được cách về đến Pắc Bó. Phân tích tình hình, Người nhận định, đã đến lúc đấu tranh của nhân dân ta từ hình thức chính trị phải tiến lên hình thức vũ trang. Nhưng lúc này chính trị vẫn trọng hơn quân sự, cần phải tìm một hình thức thích hợp thì mới có thể đi tới thành công. Bởi vậy, ngày 22-12-1944, Người ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách.

Đêm 9-3-1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính thực dân Pháp. Sự kiện này đặt Đông Dương vào thời kỳ “tiền khởi nghĩa”. Đảng phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước, gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân. Tổng bộ Việt Minh kêu gọi nhân dân: “Kíp nhằm theo lá cờ đỏ sao vàng năm cánh của Việt Minh: Tiến lên! Xông tới! Cứu nước, cứu nhà!” và tuyên bố chính thức thành lập Khu giải phóng, căn cứ địa vững chắc làm bàn đạp tiến lên giải phóng toàn quốc.

Tình hình diễn biến rất khẩn trương. Hồng quân Liên Xô đã tiến vào Berlin, buộc phát xít Đức đầu hàng không điều kiện, sau đó chuyển quân về phía đông tuyên chiến với quân Nhật, nhằm buộc chúng đầu hàng.

Giữa lúc ấy chẳng may lãnh tụ Hồ Chí Minh lâm trọng bệnh. Nhưng Người dặn dò: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn sũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Và Người cố gắng đến dự Hội nghị toàn quốc họp ở Tân Trào trong các ngày 13, 14 và 15-8. Hội nghị quyết nghị thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc do Tổng Bí thư Trường Chinh đứng đầu.

Ngay sau đó là Quốc dân Đại hội họp trong hai ngày 16 và 17-8. Đại hội cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Sức mạnh của nhân dân ta bị dồn nén sau 80 năm nô lệ đã bùng lên thành bão táp cách mạng. Quyết định của Hội nghị toàn quốc của Đảng là phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh kéo vào nước ta để tước vũ khí quân đội Nhật đang trở thành hiện thực. Đây là vấn đề thời cơ, là nghệ thuật chọn đúng thời cơ khi phát xít Nhật cầm quyền vừa bại trận hoang mang cực độ và nhân dân Việt Nam vừa bị chết đói hơn hai triệu người, quyết không thể sống nghèo khổ như trước.

Từ ngày 14-8, các đơn vị Giải phóng quân liên tiếp hạ nhiều đồn Nhật ở Việt Bắc. Ngày 18-8, có 4 tỉnh đồng bằng Bắc bộ và 4 tỉnh ven biển Trung bộ giành được chính quyền. Ngày 19-8, Hà Nội tổng khởi nghĩa, làm chủ toàn bộ thành phố. Thắng lợi của Hà Nội có ý nghĩa quyết định đối với cả nước, làm cho chính quyền tay sai Nhật các nơi bị tê liệt, cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ các tỉnh thành khác kịp thời nổi dậy.

Ngày 23-8, đến lượt Huế. Chiều 30-8 trước cửa Ngọ Môn, với sự chứng kiến của hơn 10.000 người, vua Bảo Đại đọc lời thoái vị và trao ấn kiếm cho cách mạng. Chế độ phong kiến tồn tại hàng ngàn năm chính thức cáo chung.

Xứ ủy Nam kỳ họp tại Chợ Đệm (xã Tân Tạo) cũng nhận định thời cơ chín muồi đã đến, mặc dù lúc này chưa liên lạc được với Trung ương. Để bảo đảm chắc thắng, Xứ ủy quyết định chọn tỉnh Tân An (Long An ngày nay) khởi nghĩa trước vào ngày 23-8. Sau thắng lợi của Tân An, Xứ ủy quyết định tiếp phát động Sài Gòn và các tỉnh khác khẩn trương khởi nghĩa vào ngày 25-8. Hôm đó, hơn 1 triệu dân thành phố Sài Gòn và vùng lân cận tiến hành tuần hành thị uy, hô vang các khẩu hiệu:

- Việt Nam hoàn toàn độc lập!

- Tất cả chính quyền về tay Việt Minh!

- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!

- Đả đảo bù nhìn Nguyễn Văn Sâm!

- Cả rừng người, rừng cờ và khẩu hiệu, với khí thế xung thiên, lần lượt chiếm sở cảnh sát, nhà ga, nhà bưu điện, sở mật thám Catinat, các bốt, các trụ sở quận… Lực lượng Thanh niên Tiền phong giữ vai trò nòng cốt và xung kích cho nhân dân đấu tranh, hoàn thành nhiệm vụ rất xuất sắc. Mới 3 giờ sáng và kéo dài tới trưa, tới chiều cả thành phố vang lên những ca khúc Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng, Khúc khải hoàn… với niềm phấn khởi dâng trào từ lồng ngực mọi người.

Một chiếc đài cao bằng gỗ và vải đỏ được dựng sẵn ở ngã tư đại lộ Charner – Bornard (nay là Nguyễn Huệ - Lê Lợi), hoàn thành chỉ trong đêm trước, được coi là một kỳ công. Tại đây, danh sách Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch được trịnh trọng công bố trong tiếng reo mừng và vỗ tay nồng nhiệt của mọi người.

Như vậy, Cách mạng tháng Tám đã thành công trong phạm vi cả nước chỉ trong vòng hơn mười ngày. Đây là cuộc cách mạng vĩ đại, toàn diện, triệt để và không đổ máu. Là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta. Từ thân phận chìm đắm trong đêm đen nô lệ hơn 80 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam vùng lên đánh đổ ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến, thực sự làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên ở một nước thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”

TRƯƠNG NGUYÊN TUỆ

tin khác

Thông báo