Thứ Năm, ngày 12 tháng 12 năm 2024

Nhà Bè - Vươn lên từ gian khó

1. Vị trí địa lý

Nhà Bè là một huyện ngoại thành cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 15 km; phía Bắc giáp Quận 7; phía Nam giáp huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; phía Đông giáp huyện Cần Giờ và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; phía Tây giáp huyện Bình Chánh. Diện tích tự nhiên 100,41km2, dân số 245.305 người, gồm 6 xã và 1 thị trấn.

Ngoài sông Nhà Bè nằm án ngữ trên đoạn đường thủy huyết mạnh từ biển Đông vào Sài Gòn, có điều kiện xây dựng cảng nước sâu đủ sức tiếp nhận tàu có trọng tải lớn, huyện Nhà Bè còn có hệ thống sông ngòi rất thuận lợi cho việc mở rộng mạng lưới giao thông đường thủy đi khắp nơi, như kinh Cây Khô, kinh Đồn Điền nối các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ với Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Truyền thống đấu tranh cách mạng

Với vị trí chiến lược đó, trong chiến tranh các thế lực ngoại xâm đã xây hệ thống kho tàng dày đặc tại Nhà Bè như các hãng dầu, quân cảng là cơ sở kinh tế và nguồn dự trữ chiến tranh quan trọng của các thế lực xâm lược. Nhà Bè thật sự là nơi đầu sóng ngọn gió trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

Tháng 11 năm 1930 chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại huyện Nhà Bè đư-ợc thành lập (Chi bộ Hãng dầu Nhà Bè). Dưới sự lãnh đạo của Đảng phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Nhà Bè diễn ra rất sôi nổi, không ngừng lớn mạnh, có tác động rất lớn đến phong trào đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân Thành phố, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tính chung trong hai cuộc kháng chiến, quân và dân Nhà Bè đã đánh hàng ngàn trận lớn nhỏ, tiêu diệt hơn 5.000 tên địch, bắn rơi 65 máy bay, bắn chìm 400 tàu chiến các loại, phá hủy 350 triệu lít xăng dầu, đào hàng chục ngàn hầm chông, hàng ngàn hầm nuôi giấu cán bộ, vận chuyển hơn 300 tấn vũ khí từ rừng Sác về các tỉnh Nam bộ, tiếp hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm… cho kháng chiến. Ngoài ra Nhà Bè còn là địa bàn đứng chân của nhiều cơ quan dân, chính, đảng của Thành phố. Với những đóng góp xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 2003 Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu anh hùng lực l-ượng vũ trang nhân dân huyện Nhà Bè. Huyện cũng có 4 xã được công nhận danh hiệu cao quý này là: Hiệp Phước, Phước Kiển, Nhơn Đức và Phú Xuân.

Cùng với sự phát triển phong trào đấu tranh cách mạng, tổ chức Đảng tại huyện Nhà Bè không ngừng lớn mạnh. Năm 1930, từ chi bộ Đảng được thành lập đầu tiên tại huyện năm 1930, đến năm 1946 Huyện ủy Nhà Bè được thành lập. Tới năm 1997, 5 xã phía bắc của huyện Nhà Bè tách ra thành lập Quận 7. Hiện nay, Đảng bộ huyện có 50 đảng bộ, chi bộ cơ sở với tổng số 4.214 đảng viên.

3. Khắc phục hậu quả chiến tranh xây dựng huyện ngày càng phát triển

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/04/1975), huyện Nhà Bè phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh. Toàn huyện chỉ có khoảng 20 km đường bộ với vài cây cầu sắt tạm thời, các xã phía Nam hầu như không có đường bộ. Mạng lưới y tế, giáo dục thiếu thốn, nạn mù chữ khá phổ biến; đa số người dân không có điện, nư-ớc sạch để sinh hoạt, bệnh sốt rét hoành hành. Dù là huyện nông nghiệp, người dân phần lớn là nông dân, cuộc sống chỉ trông chờ vào mảnh vườn, ao hồ, đồng ruộng nhưng lúa chỉ sản xuất được một vụ, lại thường xuyên mất mùa, vật nuôi cây trồng năng suất thấp, đời sống người dân vô cùng khó khăn

Khó khăn đã không làm chùn bước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nhà Bè. Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến, Nhà Bè đã kiên trì khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách để xây dựng huyện ngày càng phát triển và đang trở thành một vùng phát triển năng động, giàu tiềm năng phía Đông Nam Thành phố. Với sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cùng sự quan tâm, đầu tư của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố, trong những năm qua, kinh tế - xã hội của huyện Nhà Bè phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 12,14%, tổng thu ngân sách (giai đoạn 2015 - 2020) đạt trên 5.268 tỷ. Nhiều dự án trọng điểm, khu đô thị mới, hiện đại được đầu tư, đã đi vào hoạt động (Khu Công nghiệp - cảng Hiệp Phước; tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ; các dự án thương mại kết hợp nhà ở dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ; cầu Long Kiểng, cầu Phước Lộc… ). Bên cạnh đó, còn nhiều dự án đã và đang được đầu tư như dự án khu đô thị mới Nhơn Đức - Phước Kiển, cầu Rạch Đỉa, cầu Kênh Cây Khô, cầu Phước Long; dự án mở rộng Bệnh viện huyện… Lĩnh vực văn hóa - xã hội được đầu tư, phát triển toàn diện; chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học được nâng cao, 100% học sinh được học 2 buổi/ ngày. Toàn huyện có 15/39 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 84,6 triệu đồng (Thành phố hơn 76 triệu đồng).

4. Định hướng phát triển

Từ những cơ sở thực tiễn, khoa học, hiện nay Đảng bộ huyện Nhà Bè đã đề ra mục tiêu xây dựng huyện Nhà Bè trở thành đô thị thuộc Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030. Với mô hình này, huyện đang hoàn thiện đề án để xây dựng Nhà Bè tương lai là một đô thị phát triển mạnh về kinh tế, trong đó lấy logistics, dịch vụ cảng, thương mại và du lịch là mũi nhọn với các khu hạ tầng kỹ thuật mới như khu triển lãm quốc tế về hàng siêu trường, siêu trọng, khu y tế kỹ thuật cao, khu nghiên cứu giáo dục trọng điểm công nghệ cao (công nghệ sinh học, công nghệ thông tin). Các khu đô thị mới của Nhà Bè sẽ hướng đến đô thị xanh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Bên cạnh các khu đô thị thì huyện sẽ bảo tồn và phát huy các khu dân cư nông thôn, hệ thống sông, rạch tạo cảnh quan sinh thái, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử để vừa tạo điều kiện phát triển du lịch vừa lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của Nhà Bè. Hoạt động quản lý hành chính Nhà nước sẽ cải cách liên tục dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến chính quyền số và thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Nhà Bè đã chỉ đạo các các ngành, các cấp khẩn trương xây dựng các chương trình hành động, đề án để triển khai thực hiện, sớm đạt được mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện đề ra.

Thông báo