Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xứng danh Thành phố mang tên Bác – Thành phố Anh hùng

Đồng chí Mai Chí Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại buổi mít-tinh đổi tên Thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Ảnh tư liệu

(Thanhuytphcm.vn) - Thành phố Hồ Chí Minh không được đón Bác trở lại nhưng đã vinh dự được mang tên Người mãi mãi. Vinh dự ấy trở thành niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Và xuyên suốt các chặng đường lịch sử, Thành phố Hồ Chí Minh luôn thể hiện vai trò của một địa phương hết lòng “vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc nhân dân”.

Đánh giá về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và miền Nam nói chung, đồng chí Trần Bạch Đằng khẳng định rằng: “Đối với miền Nam, vai trò lãnh tụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 30 năm chiến tranh khốc liệt và mãi mãi là không thể thay thế. Đó là vai trò của trí tuệ, của tấm lòng, của thái độ đối với cuộc sống. Đó là biểu tượng chân, thiện, mỹ; biểu tượng của hào khí và đức độ. Bác Hồ thuyết phục và cảm hóa. Bác Hồ là gắn chặt truyền thống dân tộc với điều kiện hiện đại, hòa lẫn cái tinh anh của quá khứ với cái tân kỳ của thế kỷ 20”[1].

Tính năng động, sáng tạo của Thành phố

Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc với ý chí tìm kiếm con đường mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc - kể từ đó Sài Gòn ghi dấu một sự kiện có ý nghĩa như một trong những cột mốc khởi đầu đặc biệt của lịch sử cách mạng Việt Nam. Hơn 100 năm sau, trải qua những giai đoạn bi hùng, gian khổ mà vinh quang và oanh liệt, Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc và đáng tự hào. Để ghi lại dấu ấn đặc biệt của vùng đất Sài Gòn - Gia Định cũng như đáp ứng nguyện vọng của toàn thể nhân dân từ Bắc chí Nam, ngày 2/7/1976 Quốc hội chính thức ra Nghị quyết với nội dung chính như sau: “Xét rằng nhân dân Thành phố Sài Gòn - Gia Định luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người, xét rằng trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định: Chính thức đặt tên Thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh”.

Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định mít tinh chào mừng thành phố chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn: Ảnh tư liệu Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định mít tinh chào mừng thành phố chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn: Ảnh tư liệu

Tên của Người được đặt cho Thành phố Sài Gòn - Gia Định là một vinh dự rất lớn nhưng đồng thời cũng đòi hỏi trách nhiệm của Thành phố trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là sự đòi hỏi nghiêm khắc của đất nước đối với Đảng bộ và Nhân dân Thành phố, đòi hỏi người dân thành phố một tinh thần trách nhiệm cao, một bản lĩnh mới đầy năng động - sáng tạo, một bản lĩnh quản lý kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ Tổ quốc với tư cách là người làm chủ tập thể trước mọi thử thách. Suốt 300 năm hình thành và phát triển, Thành phố đã đối mặt với vô số những thử thách, trở ngại, khó khăn, nhưng Thành phố đã chứng minh được bản lĩnh kiên cường và ý thức sáng tạo đặc biệt của người dân trong quá trình xây dựng, bảo vệ Thành phố nói riêng và đất nước nói chung.

Tính năng động và sáng tạo của Thành phố được bộc lộ rõ hơn từ khi có ánh sáng cách mạng của Đảng và sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ ngày có Đảng, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh vững vàng hơn, có những bước đi tiên phong, dũng cảm hơn trong nhiệm vụ đấu tranh giành độc lập tự do. Các cuộc bãi công, bãi khóa, biểu tình, mít tinh, diễn thuyết diễn ra với nhiều hình thức khác nhau và vô cùng phong phú. Từ “Mặt trận báo chí thống nhất” chống chủ trương Nam Kỳ tự trị buổi đầu khởi nghĩa chống Pháp đến ngày “Ký giả đi ăn mày” chống chế độ Mỹ - Thiệu, từ phong trào học sinh yêu nước với Trần Văn Ơn bằng nỗi uất hận, đến các cuộc xuống đường thời chống Mỹ của sinh viên đánh Mỹ, đốt xe Mỹ. Từ phong trào “hát cho đồng bào tôi nghe”, “kể chuyện tổ tiên anh hùng, liệt sĩ ngày xưa” đến các phong trào “bảo vệ văn hóa dân tộc”, “bảo vệ văn hóa người phụ nữ”, đến những cuộc đấu tranh chính trị trực diện đòi Mỹ cút về nước, những ngọn lửa tự thiêu chống chế độ “bầu cử độc chiến”, “đòi hòa bình trung lập”… Tất cả đều xuất phát từ Sài Gòn, từ những con người anh dũng, kiên trung, dám nghĩ dám làm.

Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định mít tinh chào mừng thành phố chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn: Ảnh tư liệu Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định mít tinh chào mừng thành phố chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn: Ảnh tư liệu

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, Thành phố phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng đã có sự nhạy bén từ những dấu hiệu khủng hoảng kinh tế xã hội, những lãnh đạo kiệt xuất của Thành phố như đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng… với phong cách dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm đã cùng Đảng bộ và nhân dân trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi cái mới để tháo gỡ ràng buộc của cơ chế cũ, từ đó chuyển mình góp phần không nhỏ thiết lập cơ chế quản lý mới, chống tập trung quan liêu bao cấp, tạo nên xung lực mạnh mẽ mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển, ghép một mảnh ghép lớn trong quá trình đổi mới đất nước. Thành phố đã mạnh dạn cải cách hành chính với mô hình “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, đi đầu trong việc triển khai xây dựng Trung tâm phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao… là hướng đi đúng, phù hợp với xu hướng phát triển của thời kỳ mới.

Nghị quyết XI Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu đến 2030, tầm nhìn đến 2045 của thành phố: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, huy động hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân, thành phố là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á”[2].

Nghị quyết của Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI, kỳ họp thứ nhất về việc chính thức đặt tên Thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh, đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng số 368, ngày 12/7/1976. Nguồn: Ảnh tư liệu Nghị quyết của Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI, kỳ họp thứ nhất về việc chính thức đặt tên Thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh, đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng số 368, ngày 12/7/1976. Nguồn: Ảnh tư liệu

Năm 2020, nền kinh tế bị tác động bởi dịch Covid-19, là trung tâm kinh tế năng động, Thành phố Hồ Chí Minh luôn nằm trong nhóm các địa phương có nguy cơ cao xuất hiện ca mắc Covid-19 và lây lan ra cộng đồng. Với mục tiêu không để kinh tế tăng trưởng âm, Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp sáng tạo phòng, chống dịch hiệu quả. Thành phố là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng, triển khai các Bộ chỉ số an toàn trong phòng, chống dịch đối với từng lĩnh vực, trong đó có sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhờ giám sát chặt chẽ việc thực hiện Bộ chỉ số an toàn trong phòng, chống dịch, Thành phố Hồ Chí Minh có thể duy trì hoạt động xuyên suốt cho doanh nghiệp có số lượng lao động lên đến hàng ngàn người, nắm giữ tỉ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và phục hồi kinh tế ở mức tăng trưởng 1,39%.

Đặc biệt, sự năng động, sáng tạo, đi đầu của Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thể hiện khi các chủ trương lớn được Trung ương chấp thuận. Sau 13 năm theo đuổi, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/11/2020 và Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả, có ý nghĩa hết sức quan trọng để Thành phố phát triển nhanh, bền vững trong tương lai. Đây chính là sự ghi nhận, tin tưởng và sự động viên lớn của Trung ương dành cho Thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện để Thành phố có thể giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt; đồng thời đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới nền hành chính của đất nước.

“Nghĩa tình” thương hiệu của Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định phát triển kinh tế phải đi đôi phát triển văn hóa - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Đây cũng chính là phát huy truyền thống “nghĩa tình” rất nhân văn của người Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ vậy mà an sinh xã hội và bảo trợ xã hội của thành phố luôn được quan tâm và cải thiện. Thu nhập của người dân từng bước được nâng lên. Chính sách của thành phố ngày càng bám sát cuộc sống, hợp lòng dân, an dân như Bác Hồ từng dạy: “Những gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Những gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”[3].

Truyền thống “nghĩa tình” của người dân Thành phố được bồi đắp bằng chiều sâu văn hóa, truyền thống đạo đức, nếp sống phong tục của các thế hệ. Đất nước bước sang kỷ nguyên độc lập, thống nhất, hòa bình, phát triển, đi lên chủ nghĩa xã hội; phẩm chất nghĩa tình của Đảng bộ và Nhân dân Thành phố ngày càng được phát huy và vun đắp trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển; tỏa sáng trong đời sống và mọi hoạt động của các tầng lớp, các giới đồng bào.

Từ đầu năm 2020 đến nay, cùng cả nước chung tay phòng chống dịch Covid-19, tấm lòng nghĩa tình của người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kết nối sức mạnh không chỉ với tất cả mọi người cùng sống trên mảnh đất này mà còn ở người dân cả nước. Sợi dây kết nối đó còn lan tỏa sâu hơn đến nhiều nơi khác để những người vốn xa lạ bỗng chốc xích lại gần nhau, cùng trao nhau sợi dây yêu thương. Đã có rất nhiều cá nhân, nhóm từ thiện với nhiều cách khác nhau, hỗ trợ, đồng hành cùng chính quyền và người dân “đánh giặc Covid-19”. Người bỏ công làm ra những món ăn, thức uống; người góp tiền; người có hàng hóa thì ủng hộ hàng hóa để cùng lực lượng chức năng hỗ trợ người dân bị cách ly hay người nghèo khó; người có cây xanh thì cùng góp để tặng cho người ở khu vực phong tỏa, mong họ vui vẻ vượt qua thời gian khó khăn này. Đã có nhiều ATM gạo, thực phẩm miễn phí; siêu thị “0 đồng”; “gian hàng 0 đồng”; chuyến xe nghĩa tình… mọc lên trên khắp Thành phố và lan ra một số địa phương khác.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay (Nguồn ảnh: Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh) Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay (Nguồn ảnh: Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh)

Phẩm chất nghĩa tình của Thành phố Hồ Chí Minh còn thể hiện ở góc độ “cùng cả nước, vì cả nước, vì hạnh phúc nhân dân”. Là đô thị đặc biệt, có quy mô dân số và nền kinh tế lớn nhất nước, giữ vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực và cả nước, Thành phố luôn kịp thời hỗ trợ các địa phương còn khó khăn, các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật… Tinh thần phát huy sức dân chăm lo cho dân còn lan tỏa khắp cả nước, đầy ắp nghĩa tình thể hiện qua nhiều hoạt động của các đoàn thể, tổ chức xã hội như hoạt động cứu trợ nhân dân vùng bão, lụt ở miền Trung, hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Lực lượng thanh niên Thành phố tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, Kỳ nghỉ hồng ở trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, công tác hậu phương quân đội, hoạt động chăm lo cán bộ, chiến sĩ hải đảo và ngư dân bám biển cũng được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự đồng thuận và hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân thành phố, các hội đoàn, các doanh nghiệp qua các hoạt động như ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc”; “Góp đá xây Trường Sa”; “Tấm lưới nghĩa tình”… Những hoạt động nghĩa tình này không chỉ thể hiện lòng yêu nước, tình cảm, trách nhiệm của người dân thành phố mà thực sự góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với những việc làm ấy, càng minh chứng rằng “nghĩa tình” đã là một thương hiệu của người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát triển “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”

Thành phố Hồ Chí Minh - nơi vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi khởi nguồn của truyền thống năng động, sáng tạo và nghĩa tình - nơi chứa đựng các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Và việc hình thành “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh” sẽ làm cho nét đẹp văn hóa, con người Hồ Chí Minh thấm sâu hơn nữa vào con người Thành phố và trở thành nguồn sức mạnh đặc thù của con người Thành phố. Thành phố hiện có nhiều không gian văn hóa công cộng đã phát huy được công năng văn hóa như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Đường sách Nguyễn Văn Bình…Tuy nhiên, những con đường, phố đi bộ này vẫn cần thêm phần cuốn hút, đặc thù Không gian văn hóa Hồ Chí Minh như sự năng động, cởi mở, hiện đại, văn minh và nét nghĩa tình phải tạo dấu ấn nổi bật.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”. Điều này có nghĩa rằng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ dần hình thành một không gian văn hóa mang tên Hồ Chí Minh với những đặc điểm, tính chất, giá trị riêng, gắn liền với các đặc điểm, tính chất, giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của người dân thành phố mang tên Bác. Tức là, trên cơ sở đặc điểm về điều kiện kinh tế, văn hóa, lịch sử, tập quán của mình, người dân Thành phố sẽ tiếp biến và phát triển các nét đặc sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách… của Chủ tịch Hồ Chí Minh để trở thành giá trị riêng của người dân Thành phố.

Và để hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng bộ Thành phố, ngày 22/3/2021, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 982/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Chiến lược phát triển ngành Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2035”, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một trong những nội dung cốt lõi để phát triển ngành Văn hóa của Thành phố.

Như vậy, việc phát triển “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” của Thành phố Hồ Chí Minh còn gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó, nhấn mạnh đạo đức công vụ và các hoạt động phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức. Đó là ý thức thực hiện các biểu hiện đạo đức cách mạng gồm cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư luôn được tự giác thực hiện và xem đó là công việc thường xuyên của tất cả mọi người, chứ không cần cân nhắc điều đó có lợi gì cho bản thân thì mới thực hiện.

45 năm ngày thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, có thể khẳng định rằng Đảng bộ và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện rất tốt việc kế thừa và phát huy truyền thống năng động sáng tạo của thế hệ đi trước, biến truyền thống năng động, sáng tạo, tình nghĩa trở thành thuộc tính đáng quý của Thành phố. Với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân”, với kinh nghiệm và bản lĩnh được tôi luyện, với tri thức trách nhiệm và dưới ánh sáng dẫn đường của Đảng, có thể tin rằng những thách thức lớn mà Thành phố phải đối mặt sẽ là cơ hội để Thành phố khẳng định rõ hơn bản lĩnh của Thành phố trong việc xây dựng và phát triển Thành phố ngày càng phồn vinh, văn minh, hiện đại. Mãi mãi xứng đáng là thành phố vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Thành phố Anh hùng.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

-------------------------

[1] Bác Hồ với miền Nam - miền Nam với Bác Hồ, Nxb. Tổng hợp TPHCM, 2015, tr.218.

[2] Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr.51.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo