Trước khi bước vào phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đã có báo cáo gửi đến Quốc hội giải trình một số nội dung xã hội, các ĐBQH quan tâm.
Đáng chú ý, về tình trạng thu mua gom sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động, Bộ đã yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi thu mua sổ BHXH của người lao động và tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ quy trình chi trả để đảm bảo việc chi trả được đầy đủ, kịp thời đúng đối tượng. Sau khi có chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, tình trạng thu mua sổ BHXH đã từng bước được khắc phục. Hiện nay, Bộ đang xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trong đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế hưởng BHXH một lần, tăng tính hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia BHXH để hưởng lương hưu như: giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; bổ sung các quyền lợi, nhất là các quyền lợi ngắn hạn để gia tăng sự hấp dẫn tạo động lực cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện; đề xuất phương án giải quyết hưởng BHXH một lần; đồng thời bổ sung hành vi bị nghiêm cấm liên quan tới nội dung này.
Báo cáo cũng cho biết, tính đến hết tháng 5/2023, số người tham gia BHXH khoảng 17,47 triệu người, chiếm 37,48% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng 15,99 triệu người, chiếm 34,28% LLLĐ trong độ tuổi; số người tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,48 triệu người, chiếm 3,15% LLLĐ trong độ tuổi.
Về tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, theo số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam, số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH phải tính lãi đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với năm 2021, chiếm 2,69% trên số phải thu BHXH, trong đó, có khoảng 26.670 đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị ngừng hoạt động và không có người đại diện theo pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 206.468 người lao động. Một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - thế giới có nhiều sự bất ổn, bước vào thời kỳ suy thoái, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, phải cho người lao động nghỉ việc, ngừng việc do thiếu đơn hàng, khó khăn tài chính…
Để giải quyết kịp thời chế độ BHXH cho người lao động, vừa qua BHXH Việt Nam đã giải quyết kịp thời quyền lợi đối với 206.400 người lao động nêu trên. Theo đó, xem xét, giải quyết hưởng các chế độ BHXH đối với người đủ điều kiện (lương hưu hàng tháng, BHXH một lần...) và các trường hợp chưa đủ điều kiện hưởng các chế độ BHXH thì xác nhận thời gian đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia tại đơn vị mới. Về lâu dài, Bộ LĐTBXH đang hoàn thiện dự án Luật BHXH (sửa đổi), trong đó sửa đổi, bổ sung nhiều chế tài, biện pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Về thực trạng hưởng bảo hiểm một lần giai đoạn 2016 - 2022, báo cáo cho biết, trong năm 2022 số người giải quyết hưởng BHXH một lần là 997.470 người (tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021). Trong giai đoạn 2016 - 2022, cơ quan BHXH tại các tỉnh thành đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng BHXH một lần, trong đó số người quay trở lại đóng BHXH là 1,24 triệu người (chiếm tỷ lệ 27,7% số người hưởng). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hưởng BHXH một lần, trong đó có nguyên nhân do tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần.
Về tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ, chi sai chế độ, báo cáo cho biết, nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý BHXH đã góp phần phát hiện, xử lý và hạn chế tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ, chi sai chế độ BHXH. Trong năm 2021, đã phát hiện và yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 9,5 tỷ đồng hưởng chế độ sai quy định (chiếm 0,006% tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH trong năm 2021). Thời gian tới, bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.
Đáng chú ý, về vấn đề lao động, báo cáo cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế, xã hội, chính trị các nước trên thế giới có diễn biến nhanh, phức tạp. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý 1-2023 đạt 52,2 triệu người, tăng lên, tuy nhiên, tốc độ tăng lực lượng lao động có dấu hiệu chậm lại. Tại một số địa phương lao động có việc làm có xu hướng giảm so với quý 4-2022, như TPHCM giảm 0,4%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 2,6%, Bắc Ninh giảm 0,9%; Bắc Giang giảm 4,5%; Thái Nguyên giảm 2,2%.
Bộ LĐ-TB-XH cũng cho biết thu nhập của người lao động được cải thiện (thu nhập bình quân của người lao động quý 1-2023 là 7 triệu đồng, tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước). Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là 8.644 doanh nghiệp (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp).
Báo cáo cho hay, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp), trong đó số lao động thôi việc, mất việc làm là 279.409 người (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng). Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), TPHCM (44.890 người), Hà Nội (46.860 người). Số lao động giảm giờ làm là 195.039 người (chiếm 38,25% lao động bị ảnh hưởng). Số lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.003 người (chiếm 3,33% lao động bị ảnh hưởng).. Việc cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là vì lý do kinh tế, khó khăn ở việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài, doanh nghiệp gặp khó khăn tập trung vào doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ.