Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xây dựng huyện Nhà Bè trở thành khu đô thị thông minh, sinh thái và vệ tinh phát triển phía Nam TPHCM

Nguyên Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) – Huyện Nhà Bè cần định hình lại không gian phát triển kinh tế - xã hội trong mối quan hệ mật thiết với Quận 7, dựa trên việc xem xét nền tảng chia sẻ văn hóa, lịch sử từ quá khứ; sự bổ sung lẫn nhau về quỹ đất, và xây dựng cụm ngành kinh tế thông qua mạng lưới sản xuất và khả năng liên kết vùng; tổ chức không gian phát triển của Nhà Bè - Quận 7 sẽ dựa trên lõi phát triển Phú Mỹ Hưng - trung tâm của 3 đô thị vệ tinh và 3 trục động lực để phát triển đột phá… Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo khoa học “Tiềm năng và triển vọng phát triển huyện Nhà Bè thành đô thị vệ tinh của TPHCM” do UBND huyện Nhà Bè phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TP tổ chức vào ngày 30/6.

Phát triển Nhà Bè thành khu du lịch đường sông, nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp

Đánh giá về tiềm năng phát triển của Nhà Bè, ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Khu chế xuất Tân Thuận, chuyên gia kinh tế, giảng viên Trường Đại học Fulbright, kể lại hơn 30 năm trước, khi tìm vị trí để xây dựng khu chế xuất đầu tiên trên cả nước, ông đã nhìn ra nhiều lợi thế của vùng đất Nhà Bè... Từng là vùng đất ngập mặn, "bỏ con trâu cũng chìm", nhưng Nhà Bè có tới 5 nhánh sông đi qua: Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu và Soài Rạp. Đây là điều kiện tự nhiên tạo nên sức mạnh của Nhà Bè. Năm 1997, phần phát triển nhất của Nhà Bè khi đó được tách ra thành Quận 7 và trở thành địa phương phát triển độc lập. "Bây giờ là thời điểm thích hợp để biến “Nhà Bè thành nhà lầu'" - ông Phan Chánh Dưỡng bày tỏ. Ông cho rằng nếu vùng Nhà Bè trở thành khu đô thị vệ tinh của TP với 8 ưu thế hiện có của khu đô thị này đều có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với vùng đất liền kề như thị trấn Cần Đước, thị trấn Cần Giuộc, Khu công nghiệp Long Hậu của tỉnh Long An, và TP Gò Công của tỉnh Tiền Giang. Hướng Đông là huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai và TP Bà Rịa, TP Vũng Tàu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Phan Chánh Dưỡng phát biểu tại hội thảo Ông Phan Chánh Dưỡng phát biểu tại hội thảo

“Như vậy, TP phải có những kế hoạch kết hợp với các địa phương trên để cho sự phát triển của đô thị vệ tinh cũng tạo một động lực, một yếu tố thúc đẩy phát triển của vùng chung quanh đó theo quy luật lan tỏa của nền kinh tế hiện nay” - ông Phan Chánh Dưỡng nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng TP vệ tinh Nhà Bè cần phải có để làm nền tảng cho viêc tiến hành các kế hoạch triển khai đề án cho từng giai đoạn và từng lĩnh vực cụ thể.

Còn TS. Nguyễn Đức Trí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng huyện Nhà Bè cần thiết lập mạng lưới giao thông chính nhằm kích thích sự giao thương nội bộ huyện, giữa huyện với các địa phương lân cận của TP và tỉnh liền kề. Đồng thời, cần áp dụng mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư  (PPP) để huy động nguồn vốn, kinh nghiệm và năng lực quản trị của lĩnh vực tư nhân. Bên cạnh đó, cần tập trung ưu tiên phát triển cho hai cực Bắc và Nam của huyện, nhất là ưu tiên cho thương mại, dịch vụ. Ngoài ra, huyện cần ưu tiên phát triển hoạt động du lịch đường sông và nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cho rằng Nhà Bè nên trở thành TP Nhà Bè chứ không phải là quận Nhà Bè. “TP Nhà Bè trong tương lai nên bao gồm cả không gian của Quận 7 và huyện Nhà Bè hiện nay” - ông Châu nêu ý kiến.  Ông cũng chỉ ra những thách thức của huyện Nhà Bè đang phải đối mặt. Đó là, biến đổi khí hậu; nền địa chất yếu; ngập nước; sạt lở; thiếu nước ngọt... Vì vậy, để phát triển Nhà Bè trong thời gian tới cần phải tháo gỡ nhiều "nút thắt cổ chai" đang tồn tại, như đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông. "Hệ thống hạ tầng giao thông đang là trở ngại lớn trong quá trình phát triển của địa phương. Ba trục đường Bắc - Nam đi qua huyện Nhà Bè gồm đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Tất Thành và Lê Văn Lương đều đang quá tải. Nếu tháo gỡ được các nút thắt giao thông này thì huyện Nhà Bè sẽ phát triển" – ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Cần chú trọng chăm lo nhà ở cho người dân, tạo lập thêm nhiều dự án nhà ở xã hội

Đối với con người đô thị trong quá trình chuyển đổi, đề cập lối sống đô thị, tính thích nghi với môi trường chuyển đổi, tính tuân thủ pháp luật, đặc điểm nhà ở và sự tiếp cận dịch vụ xã hội ở đô thị, TS. Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng với đặc điểm quy mô hộ gia đình khá lớn, nhất là có tỷ lệ dân tạm trú (theo quy đổi) cũng rất cao so với các huyện ngoại thành, huyện Nhà Bè cần chú trọng chăm lo nhà ở cho người dân, phát huy lợi thế về đầu tư xây dựng quỹ nhà chung cư trên địa bàn, tạo lập thêm nhiều dự án nhà ở xã hội, cùng với tiếp tục cải tiến công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định cho người dân chấp hành luật pháp, phát huy các hình thức giúp người dân tiếp cận thông tin thuận lợi. Ngoài ra, huyện cũng cần xem xét cải tiến các khâu trong cung ứng dịch vụ công nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, cũng như kiểm soát mức giá dịch vụ thu phí đối với người dân, sao cho phù hợp.

TS. Dư Phước Tân kiến nghị UBND TP cần ưu tiên đầu tư cho huyện Nhà Bè, là địa phương được quy hoạch là một trong 2 hướng phát triển chính của TPHCM hướng Nam, tiến ra biển. Đồng thời, kiến nghị chính quyền huyện Nhà Bè cần kế thừa và tận dụng, gắn kết và đẩy nhanh tiến độ thực thi đối với các chương trình hiện của TP, như Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình đã được UBND huyện Nhà Bè phê duyệt và ban hành có liên quan, như Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đề án phát triển nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư trên địa bàn huyện Nhà Bè… với các giải pháp định hướng liên quan đến xây dựng lối sống đô thị và con người đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội của huyện trong nhiệm vụ đầu tư và xây dựng hình thành nên con người đô thị ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy tiến độ chuyển huyện thành quận hoặc TP trực thuộc TPHCM của huyện Nhà Bè.

TS. Trương Minh Huy Vũ phát biểu tại hội thảo TS. Trương Minh Huy Vũ phát biểu tại hội thảo

TS. Trương Minh Huy Vũ, Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng Nhà Bè cần được định hình là một phần của khu đô thị thông minh sinh thái dựa trên vành đai sông, hướng biển và vệ tinh phát triển phía Nam TPHCM, gắn liền không gian phát triển Nhà Bè - Quận 7. Thời gian tới, huyện cần phát triển giao thông đường thủy để kết nối với Quận 1 qua bến Bạch Đằng. Đồng thời, tận dụng lợi thế của Quận 7 là nơi có nhiều công ty công nghệ của Việt Nam để đẩy mạnh không gian số, kinh tế số.

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân phát biểu tại hội thảo PGS.TS. Trần Hoàng Ngân phát biểu tại hội thảo

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng huyện Nhà Bè có nhiều lợi thế như về sông nước, về mảng xanh, nghỉ dưỡng và phát triển du lịch sinh thái. Những lợi thế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huyện phát triển thành TP vệ tinh của TPHCM thay vì chuyển lên quận. Theo ông, cần có cơ sở pháp lý để phát huy hết tiềm năng và lợi thế của huyện Cần Giờ. Cũng như TP Thủ Đức, huyện Nhà Bè sẽ chuẩn bị những điều kiện nhất định để trở thành đô thị vệ tinh. Đồng thời, cần tăng đầu tư, nhất là đầu tư về hạ tầng kết nối. Bên cạnh đó, cần có thể chế phân cấp, ủy quyền cho TP đô thị vệ tinh Nhà Bè phát triển; cần chú trọng phát triển nhân sự của một TP phát triển theo hướng kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Ngoài ra, không thể chia cắt khu Nam TPHCM thành Quận 7 và Nhà Bè, mà cần phát triển trong một không gian chung. Cụ thể, muốn phát triển du lịch, khách sẽ thăm quan ở huyện Nhà Bè để  cảm nhận thiên nhiên, nhưng mua sắm sẽ tới Quận 7.

Các đại biểu tham quan triển lãm tại hội thảo Các đại biểu tham quan triển lãm tại hội thảo

Nguyên Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng huyện Nhà Bè cần xác định đúng tiềm năng và triển vọng; tiềm năng kết nối, chủ động để tạo động lực phát triển. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vai trò của người dân Nhà Bè, tiếp tục lắng nghe những  ý kiến đóng góp của người dân về sự phát triển của Nhà Bè trong tương lai. Ngoài ra, cần có cơ chế phù hợp với mô hình phát triển Nhà Bè để vận hành ngay. Bên cạnh đó, trong quy hoạch cần xác định lộ trình để phát triển và tạo tiền đề để lộ trình tiếp theo giữ thành quả của giai đoạn trước.

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, khi thực hiện đề án cần phải thận trọng và chặt chẽ. Đây là vấn đề lớn không chỉ tác động đến sự phát triển của Nhà Bè, của TPHCM, mà còn tác động đến cuộc đời sống của người dân Nhà Bè và người dân TPHCM. Vì vậy, khi thực hiện đề án này, Nhà Bè thông tin phải minh bạch, phù hợp với từng giai đoạn nghiên cứu, để mang lại lợi ích thiết thân của người dân. Đồng thời, phải tạo tâm thế cho cấp ủy, tâm thế của chính quyền, tạo tâm thế người dân Nhà Bè và nhà đầu tư đến Nhà Bè.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo