Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Vấn đề uy tín của cán bộ, đảng viên

Trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân”. Nguồn: nhandan.vn

(Thanhuytphcm.vn) - Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, vấn đề “uy tín” của cán bộ các cấp lần đầu tiên được nêu lên ở vị trí là một thành tố và cũng là một đòi hỏi về yêu cầu đối với cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Đây là một sự nhìn nhận cần thiết, bởi yếu tố uy tín thực sự không kém phần quan trọng bên cạnh các yếu tố về phẩm chất, năng lực của cán bộ.

Có nhiều luận giải về uy tín nói chung và uy tín của cán bộ, đảng viên nói riêng. Uy tín là sự mến phục, là cũng là sự được thuyết phục, của mọi người đối với cá nhân cán bộ, nó phản ánh năng lực, phẩm chất của người cán bộ, đảng viên trong thực thi công việc. Qua quan hệ công tác người cán bộ, đảng viên có uy tín thường được đồng nghiệp, cấp trên và người dân đánh giá, đó là người có chuyên môn giỏi, không có tì vết về phẩm chất đạo đức, quan hệ gần gũi, hòa nhã với mọi người, luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng. Có người cho rằng, uy tín là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố thuộc về sự phấn đấu nội tại của con người trên cả hai mặt phẩm chất và năng lực.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ, đảng viên có uy tín sẽ được nhân dân yêu mến, quý trọng và hết sức giúp đỡ, do đó việc gì cũng sẽ thành công, thắng lợi. Uy tín của cán bộ, đảng viên là lòng tin của quần chúng đối với phẩm chất, năng lực và các giá trị xã hội của nhân cách người cán bộ đó. Đó là lòng tin, sự tín nhiệm của quần chúng nhân dân, được hình thành từ phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng; năng lực tổ chức, thực hành mọi công việc giỏi; có phong cách cởi mở, gần gũi với mọi người; có lối sống lành mạnh, tác phong đĩnh đạc, nghiêm túc...

Vì yếu tố uy tín có vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá cán bộ, nên trong công tác cán bộ, cần phải xem xét đến yếu tố này một cách khách quan, thấu đáo. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, phải cân nhắc cán bộ cho đúng và dùng cán bộ cho khéo; khi cân nhắc cán bộ phải xem xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy mến phục không... Điều đó có nghĩa là phải xem xét uy tín cán bộ trước quần chúng đến mức độ nào và phải xem người ấy xứng đáng với việc gì!

Có thể nói, uy tín của cán bộ, đảng viên có thể được nhìn nhận ở mấy điểm chủ yếu: Đó là sự tín nhiệm, tôn trọng, tin tưởng, tin cậy của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý; uy tín được xây dựng thông qua quá trình công tác, được chứng minh bằng hành động, công việc, hiệu quả cụ thể. Đó là kết quả tổng hợp của phẩm chất và năng lực thông qua nhiều yếu tố thuộc về nỗ lực chủ quan của người cán bộ, trong đó quan trọng nhất là sự gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, tận tụy, hi sinh vì tập thể, vì mọi người; có hiểu biết sâu rộng, nhất là trên lĩnh vực mình công tác, có trình độ nhận thức và vốn sống; có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tổ chức, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; có quan hệ đúng đắn, ứng xử có văn hóa; nói đi đôi với làm. Đó là khả năng vận động, thuyết phục, gây ảnh hưởng, tác động, tập hợp lực lượng, lôi cuốn, thuyết phục cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Từ năm 1997, Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nhắc đến vấn đề uy tín của cán bộ: “Trong thời hạn đảm nhiệm chức vụ, người nào vì việc công, lý do sức khoẻ, hoàn cảnh cá nhân được từ chức, miễn chức; người không hoàn thành nhiệm vụ, có sai phạm, uy tín giảm sút thì tùy theo mức độ mà bị miễn chức, hoặc cách chức kịp thời”. Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã nêu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Như vậy, từ khá lâu, Đảng ta đã nhìn ra được vấn đề uy tín của cán bộ và đã đề ra những giải pháp khắc phục.

Các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022 - 2023. (Ảnh: TTXVN) Các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022 - 2023. (Ảnh: TTXVN)

Trong năm 2023, có 19 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, gồm 5 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Về chức vụ có 1 nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, 5 bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy, 2 thứ trưởng, 1 chủ tịch liên minh hợp tác xã. Cùng với đó là 8 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND cấp tỉnh, 2 sĩ quan cấp tướng. Trong đó, có 14 trường hợp bị xử lý hình sự. Tính chung, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, có 105 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, có 39 trường hợp bị xử lý hình sự, tăng gấp 2 lần nhiệm kỳ XII… Điều đó cho thấy, một mặt uy tín của cán bộ, đảng viên có phần giảm sút do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng…; nhưng mặt khác, uy tín của Đảng và hệ thống chính trị không ngừng tăng lên do Đảng tiếp tục thực hiện kỷ luật nghiêm minh, nhất là trong công tác phòng chống tham nhũng.

Trên thực tế, hiện nay, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; phẩm chất, năng lực và uy tín của không ít cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu; chưa quan tâm đúng mức xây dựng đội ngũ làm công tác cán bộ; năng lực, phẩm chất, uy tín của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…, như Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII đã nêu.

Đọc bài "Chức vụ và uy tín" trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thêm hiểu sâu sắc hơn về vấn đề uy tín của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo các cấp: "Bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải có một uy tín nhất định; chức vụ càng cao thì uy tín càng lớn. Bởi vì không có uy tín thì không thể lãnh đạo, thuyết phục và tập hợp người khác được. Uy tín là điều kiện bảo đảm hiệu quả công tác của người lãnh đạo. Người lãnh đạo không có uy tín thì nói chẳng ai nghe, làm chẳng nên trò trống gì".

Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực sự quan tâm đến vấn đề uy tín của bản thân và luôn ra sức rèn luyện, gìn giữ, củng cố, nâng cao uy tín của mình, cũng như không ngừng xây dựng uy tín cho các đồng chí, đồng nghiệp. Có như vậy thì uy tín của tổ chức đảng, của cơ quan, đơn, của Đảng mới ngày càng được khẳng định và đủ sức lãnh đạo quần chúng, nhân dân thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo