Quang cảnh hội nghị (Thanhuytphcm.vn) - Chiều 26/11, tại TPHCM, Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức hội nghị lần thứ 2 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ. Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ Phạm Minh Chính; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ Phạm Minh Chính cho biết, quy hoạch có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội; làm bất cứ việc gì cũng phải có quy hoạch, kế hoạch. Quy hoạch, kế hoạch phải đi trước một bước với tư duy, tầm nhìn chiến lược, giải quyết được những vướng mắc, khó khăn thách thức của một cơ quan đơn vị, vùng, tỉnh, đất nước; quy hoạch phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của một vùng, tỉnh, đất nước...
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hiện nay, Luật Quy hoạch là một luật khó nhưng với quyết tâm của Đảng, Nhà nước, đã ban hành được Luật này; đến nay, đã có 107/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt, đạt 96,6%. Điều này cho thấy việc triển khai lập và hoàn thiện quy hoạch vùng Đông Nam bộ trong thời điểm này có thuận lợi nhằm cụ thể hoá tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết phát triển Vùng và quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành liên quan Vùng; cụ thể hoá việc bố trí không gian phát triển các ngành quốc gia trên địa bàn, triển khai các dự án mang tính kết nối quan trọng giữa các tỉnh trong vùng, liên vùng, liên ngành.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược để tạo phát triển đột phá vùng Đông Nam bộ - là khu vực năng động nhất, trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, động lực và cực tăng trưởng. Ở đây có cả thuận lợi và cả khó khăn, vấn đề là chúng ta phải phát huy tối đa thuận lợi, hoá giải khó khăn, vướng mắc, tạo động lực mới cho vùng Đông Nam bộ, khai thác tối đa thuận lợi để phát triển nhanh và bền vững của khu vực. Bên cạnh đó, rà soát, nhận biết, đánh giá đúng tình hình thực tiễn, quy luật phát triển, đúng mong muốn, ý chí.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và hoan nghênh Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Hội đồng, vừa là cơ quan thẩm định quy hoạch với công việc nhiều, khó nhưng nhân lực ít, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng đã nỗ lực với sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc tại hội nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, quy hoạch vừa phải đúng, kịp thời. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng, phát huy tối đa trí tuệ con người. Đồng thời, đang xây dựng 3 trụ cột là Nhà nước pháp quyền, dân chủ, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với quan điểm xuyên suốt con người là trung tâm, chủ thể, là động lực, mục tiêu của sự phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; tư tưởng này phải được đưa vào quy hoạch, dựa vào nguồn lực con người, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để coi đây là động lực chính để phát triển.
Đồng thời, quy hoạch phải bắt kịp xu thế của thế giới, các ngành mới nối như công nghệ số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh nhưng phải phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước ta, phù hợp khu vực Đông Nam bộ, phù hợp truyền thống lịch sử, văn hoá hào hùng của vùng Đông Nam bộ; khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, lợi thế con người. Khi làm được điều này, các nhà đầu tư vào triển khai chương trình, kế hoạch chiến lược của họ phù hợp với chiến lược. Điều này góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút nguồn lực đầu tư trong xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung tối đa trí tuệ, đóng góp ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề, bảo đảm quy hoạch phải khả thi khi đi vào thực hiện.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp "mở đường", tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của cả nước, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương…