Đồng chí Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại hội nghị(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 14/6, tiếp tục Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XI (mở rộng), Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng đã thông tin về xây dựng Đề án phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM (TTTC).
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, trên cơ sở được sự chấp thuận, thống nhất chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, cũng như sự ủng hộ các bộ, ngành trung ương, Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) phối hợp các cơ quan liên quan, các đơn vị tư vấn triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án. Đồng thời, UBND TP đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ (TTCP) đồng ý về chủ trương để TP xây dựng Đề án TTTC khu vực và quốc tế tại TPHCM.
Theo đó, UBND TP đã tổ chức triển khai xây dựng Đề án từ năm 2019 đến năm 2022. Dự thảo Đề án đã được các chuyên gia trong và ngoài nước góp ý thông qua việc tổ chức các hội thảo và gửi xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương. Sau khi tiếp nhận được 9/11 ý kiến góp ý bằng văn bản của bộ, ngành, HFIC đã hoàn thiện Đề án báo cáo Ban cán sự Đảng UBND TP và trình Ban Thường vụ Thành ủy thông qua. Tháng 11/2022, TP đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) đề án. Ngày 6/10/2023, TTCP đã có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án TTTC khu vực và quốc tế.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Dũng, trong quý I và đầu quý II/2024, trên cơ sở phối hợp làm việc với Bộ KH-ĐT, UBND TP đã có báo cáo Bộ Trưởng Bộ KK-ĐT và TTCP về kế hoạch triển khai công tác tiếp tục hoàn thiện Đề án; một số nội dung trọng tâm của Đề án xin ý kiến định hướng của Ban chỉ đạo để làm cơ sở hoàn thiện Đề án.
Đồng thời, UBND TP đã chỉ đạo HFIC phối hợp Bộ KH-ĐT/Cục Đầu tư nước ngoài làm việc với các đơn vị tư vấn quốc tế để nghiên cứu, tham khảo ý kiến tư vấn hoàn thiện Đề án; đồng thời giao sở, ngành TP nghiên cứu để tiếp tục đề xuất các nhóm nội dung và cơ chế - chính sách quan trọng theo gợi ý của các bộ, ngành cũng như định hướng của Ban chỉ đạo làm cơ sở đề xuất họp Ban chỉ đạo để tiếp tục định hướng các nội dung điều chỉnh, hoàn thiện Đề án.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng cũng cho biết thêm, hiện nay TP đang tiếp tục rà soát, dự kiến bổ sung, cập nhật điều chỉnh đối với một số nội dung trọng tâm của Đề án. Cụ thể, về: Phạm vi, mô hình phát triển Trung tâm tài chính; Mô hình quản lý Trung tâm tài chính; Lĩnh vực trọng tâm của Trung tâm tài chính; Lộ trình triển khai; Khung đánh giá và một số nội dung khác như xu hướng phát triển Trung tâm tài chính...
Về các cơ chế - chính sách, trên cơ sở 13 cơ chế - chính sách đã đề xuất tại dự thảo Đề án, đồng chí Nguyễn Văn Dũng cho biết, TP hiện đang rà soát, cập nhật điều chỉnh các chính sách theo các nhóm. Theo đó, nhóm các cơ chế chính sách định hướng tiếp tục hoàn thiện, gồm 9 cơ chế - chính sách: về phát triển fintech; chính sách về phát triển Ngân hàng số độc lập; chính sách tiền tệ - ngân hàng; chính sách phát triển thị trường vốn; chính sách ưu đãi thuế và phân bổ nguồn thu; chính sách xuất nhập cảnh; chính sách về thành lập và phát triển Sở giao dịch hàng hóa phái sinh; cơ chế về giải quyết tranh chấp; cơ chế thu hút, lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư chiến lược.
Nhóm các cơ chế chính sách đề xuất bỏ, trên cơ sở các ý kiến, sở, ngành đề xuất xem xét, cân nhắc tính phù hợp của các cơ chế - chính sách hoặc đã có các quy định pháp luật liên quan điều chỉnh, gồm: cơ chế huy động vốn đối với các tổ chức trong nước thông qua TTTC; Cơ chế đặc thù cho phép các tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính; Chính sách về các dịch vụ phụ trợ và tiện ích.
Các công tác tiếp theo trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Dũng cho biết, đối với Đề án của TP, UBND TP chỉ đạo các cơ quan, sở, ngành liên quan tiếp tục phối hợp tham vấn ý kiến các đơn vị tư vấn quốc tế rà soát hoàn thiện các nhóm nội dung tại Đề án của TP và các cơ chế chính sách theo nguyên tắc đã được Ban chỉ đạo thống nhất cũng như các góp ý của bộ, ngành, làm cơ sở báo cáo Bộ KH-ĐT, xin ý kiến Ban chỉ đạo Trung ương.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng, việc xây dựng TTTC quốc tế tại TPHCM là vấn đề mới, là nhiệm vụ, chiến lược mang tầm quốc gia và liên quan rất nhiều lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán, sàn giao dịch hàng hóa, bất động sản, công nghệ thông tin, an ninh quốc phòng… do đó, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và có sự chỉ đạo nhất quán về định hướng, mô hình, nhóm cơ chế chính sách đặc thù… từ cơ quan Trung ương.
Bên cạnh đó, TP sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành, và theo sát định hướng của Trung ương cũng như sự điều phối của Bộ KH-ĐT – Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo để hoàn thiện Đề án.
Ngoài ra, TP sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu đề xuất các cơ chế - chính sách nhằm phát triển TTTC, thu hút nhà đầu tư chiến lược, huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại TP, trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt, theo tinh thần tại Nghị quyết 98.