Tăng mức chăm lo và mở rộng các đối tượng yếu thế trong xã hội
Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM cho biết, với sự lãnh đạo kịp thời, chỉ đạo từ sớm của Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy, chính quyền TP ban hành chỉ thị, kế hoạch và các chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung, chủ động triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, người nghèo; tăng mức chăm lo cho đối tượng chính sách và mở rộng chăm lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, phấn đấu “không có hộ nghèo nào không được đón Tết cổ truyền của dân tộc”.
Điểm mới của năm 2025 là TP đã tăng số đối tượng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hàng tháng theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 35/2023/NQ-HĐND ngày 8 tháng 12 năm 2023 của HĐND TPHCM từ 2.588 suất vào năm 2024 lên 4.931 suất vào năm 2025.
Đồng chí Dương Ngọc Hải báo cáo tại hội nghịTổng kinh phí chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 hơn 1.295 tỷ đồng, tăng 0,1% (tăng 1,017 tỷ đồng do tăng kinh phí thăm các khu phố, ấp sau sắp xếp và đề xuất thêm đơn vị được thăm và tặng quà Tết...), chăm lo cho 1.331.521 lượt người, giảm 79.348 lượt người so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (năm 2024 là hơn 1.294 tỷ đồng, chăm lo cho 1.410.869 lượt người) từ nguồn kinh phí ngân sách và nguồn xã hội hóa, trong đó: kinh phí Trung ương hơn 16 tỷ đồng; kinh phí TP hơn 908 tỷ đồng; kinh phí quận, huyện và TP Thủ Đức hơn 42 tỷ đồng; kinh phí vận động hơn 283 tỷ đồng; kinh phí chúc thọ người cao tuổi là 45 tỷ đồng.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Khách quốc tế đến TPHCM trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 ước đạt khoảng 87.358 lượt, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2024 (2024 là 75.000 lượt). Khách tại các khu, điểm du lịch, các tụ điểm vui chơi giải trí và dịch vụ… ước đạt khoảng 2.100.000 lượt, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2024 (2024 là 1.800.000 lượt). Doanh thu ước đạt khoảng 7.690 tỉ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2024 (2024 là 6.550 tỷ đồng.
Chương trình Bình ổn thị trường tiếp tục được phát huy, triển khai hiệu quả, không xuất hiện tình trạng thiếu hàng, sốt giá cục bộ. Công tác quản lý giá, quản lý thị trường và dự báo nhu cầu thị trường, chuẩn bị, cung ứng hàng hóa ngày càng nâng cao, qua đó tình hình cung cầu thị trường năm nay được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu người dân trong dịp Tết, không có hiện tượng dư thừa hay khan hiếm…
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tháng 1 tăng cao so với cùng kỳ
Về tình hình kinh tế - xã hội, nhìn chung, trong tháng 1 tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tháng 1 tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước đạt 107.996 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 53.717 tỷ đồng, tăng 11,5%; doanh thu lưu trú và ăn uống ước đạt 12.832 tỷ đồng, tăng 21,6%; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 2.598 tỷ đồng, tăng 17%; dịch vụ khác ước đạt 38.849 giảm 1,6% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 1 ước đạt 3,847 tỷ USD, giảm 18% so với tháng trước, lũy kế 1 tháng ước đạt 3,847 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 23,3%). Kim ngạch nhập khẩu tháng 1 ước đạt 4,835 tỷ USD, giảm 16% so tháng trước, cộng dồn 1 tháng ước đạt 4,835 tỷ USD, giảm 2,6% (cùng kỳ tăng 21%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1 ước giảm 9% so với cùng kỳ năm 2024 (tháng 1 năm 2024 tăng 26,9%). Chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm ước giảm 9,3% (cùng kỳ tăng 29,1%).
Trong tháng 1 năm 2025, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, TP thu hút được khoảng 83,85 triệu USD, giảm 33,3% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước 67.267 tỷ đồng, đạt 12,93% dự toán, bằng 94,04% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 60.567 tỷ đồng, đạt 15,56% dự toán, bằng 98,38% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 6.700 tỷ đồng, đạt 5,15% dự toán và bằng 67,24% so cùng kỳ.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thăm, tặng quà Tết ông Nguyễn Bá Hằng, thương binh 4/4, tham gia hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học (Quận 4) dịp Tết Ất Tỵ 2025Về nhiệm vụ trong tháng 2/2025, UBND TPHCM tập trung rà soát, đề ra tiến độ thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đã được phân công trong năm 2025. Tập trung tuyên truyền, triển khai hiệu quả Chủ đề năm 2025: “Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của Thành phố”.
Tiếp tục tập trung triển khai các công tác thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức.
Hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách, quy định trong việc thực hiện theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Ban hành Kế hoạch triển khai Đề án xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030; Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của TPHCM giai đoạn 2022 - 2027. Trình HĐND TPHCM Nghị quyết ban hành Quy định về chế độ hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn TP; Quyết định về quản lý, sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.
Đồng thời, thẩm định, tham mưu tinh giản biên chế theo tiến độ của Đề án tinh giản biên chế (khối chính quyền) tại TPHCM đã được phê duyệt và theo quy định. Thực hiện Đề án xây dựng “Hệ thống thông tin quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người quản lý doanh nghiệp nhà nước, người làm việc trong tổ chức hội, quỹ của hệ thống chính trị TPHCM”. Thực hiện công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp, xếp loại, xếp hạng và công tác tổ chức, nhân sự tại tổng công ty, công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước nước thuộc chủ sở hữu UBND TP.
Ngoài ra, TP tiếp tục phát triển, cải tiến Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP liên thông kết nối, nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân. Triển khai khai thác dữ liệu để thay thế một số giấy tờ trong hồ sơ khi người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính. Xây dựng Quy chế quản lý, vận hành Ứng dụng Công dân số TPHCM. Ban hành Quyết định công bố Chỉ số đánh giá công tác cải cách hành chính năm 2024 của các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện; Kế hoạch phát động đợt cao điểm TP tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả gắn với nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp.
Hoàn thiện, triển khai Kế hoạch thực hiện quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040. Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, công trình chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2025…