Thứ Năm, ngày 14 tháng 11 năm 2024

Tìm giải pháp để xây dựng chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp ở TPHCM và các địa phương

Quang cảnh phiên đối thoại

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 25/9, Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5 năm 2024 đã diễn ra phiên đối thoại chính sách với sự tham gia chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM;…

Chuyển đổi ngành công nghiệp là hết sức cấp bách và cần thiết

Báo cáo tổng quan về quá trình chuyển đổi công nghệ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhìn nhận, sự phát triển công nghệ mang tính đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến xã hội và môi trường; làm thay đổi căn bản, thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tri thức dựa trên đổi mới sáng tạo; đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nước, nhất là các quốc gia khu vực Đông Nam Á như Việt Nam.

“Nhờ vào chuyển đổi kinh tế số chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách phát triển để bứt phá đi lên. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng tạo ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nguồn lực phải lớn, nhân lực phải dồi dào, chính sách pháp luật phải hoàn thiện; hợp tác quốc tế phải sâu rộng hơn nữa; sự chủ động của địa phương là rất cần thiết, nhưng những quyết sách của Trung ương là quan trọng quyết định thành công của quá trình chuyển đổi” - Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho hay.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu đề dẫn tại phiên đối thoại chính sách Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu đề dẫn tại phiên đối thoại chính sách

Trong 5 năm gần đây, kinh tế TPHCM tiếp tục phát triển ổn định, giữ vai trò là trung tâm nhiều mặt của khu vực và cả nước; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước. Hằng năm, TPHCM đóng góp 20% GRDP, 25% nguồn thu ngân sách và của cả nước. Trong sự phát triển kinh tế của TP, ngành công nghiệp có vị trí quan trọng và chiếm tỷ trọng đóng góp cao. Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế TPHCM, ngành công nghiệp đã có những bước phát triển mạnh và vững chắc dựa trên 4 ngành công nghiệp trọng yếu: cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su nhựa; chế biến lương thực - thực phẩm. Đây là những ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, tạo tác động lan tỏa tích cực đến các ngành kinh tế khác.

Theo đồng chí Võ Văn Hoan, bên cạnh những thành tựu đạt được thì công nghiệp TPHCM đang đứng trước những thách thức, phát triển thiếu bền vững; gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao; giá trị gia tăng thấp. Có công nghệ sau hơn 30 năm đầu tư phát triển nay đã lạc hậu; sử dụng nhiều tài nguyên; thâm dụng lao động; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp không còn phù hợp, một số khu công nghiệp hiện nay nằm trong vùng lõi của Thành phố.

Để khắc phục các hạn chế nêu trên; việc chuyển đổi ngành công nghiệp TPHCM là hết sức cấp bách và cần thiết. Công nghiệp TP phải phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chíp điện tử, vi mạch, bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp xanh gắn chuyển đổi số; phát triển hệ thống các dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp như logistics, dịch vụ số (gồm thông tin và truyền thông), dịch vụ tài chính… Đặc biệt là phải hình thành các ngành công nghiệp mới như công nghiệp năng lượng mới, công nghiệp dược, công nghiệp văn hóa, điện ảnh,…

Phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Để chuyển đổi công nghiệp TPHCM thành công, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, ngoài nỗ lực các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cần sự đồng hành của Chính phú, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Trước hết là xây dựng các chính sách ưu đãi mạnh mẽ, khả thi của Trung ương và Thành phố theo thẩm quyền; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường và tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên đối thoại chính sách Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên đối thoại chính sách

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã mở ra cơ hội lớn cho TP trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội nói chung và vấn đề phát triển, chuyển đổi công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chắc chắn sẽ gặp phải những vấn đề khó khăn và bất cập.

“Phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2024 là cơ hội để doanh nghiệp phản ánh kiến nghị, chính sách để Chính phủ và chính quyền TPHCM lắng nghe, tìm kiếm giải pháp để xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp ở TPHCM và các địa phương trong cả nước. TPHCM luôn nhận thức rằng sự thành công của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình chuyển công nghiệp nói chung và sản xuất kinh doanh nói riêng, chính là sự thành công của TP, góp phần tiếp thêm động lực cho TP phát triển mạnh mẽ theo tinh thần “TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM”, vì sự thịnh vượng chung của đất nước” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

M.Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo