Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Thông điệp mạnh mẽ về phát huy nội lực, năng lực nội sinh, kiến tạo các động lực tăng trưởng mới

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023

(Thanhuytphcm.vn) - Cuối buổi chiều 19/9, sau 1 ngày làm việc tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm, Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, thu hút sâu sắc dư luận xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn báo chí của trung ương và địa phương. Có khoảng 450 đại biểu đã tham dự trực tiếp tại Trung tâm hội nghị quốc gia. Diễn đàn cũng được kết nối trực tuyến với 6 học viện và trường đại học với khoảng hơn 1.000 giảng viên, học sinh, sinh viên trực tiếp theo dõi.

Tại diễn đàn đã có 7 báo cáo tham luận của các diễn giả tại các phiên toàn thể và phiên thảo luận chuyên đề cùng hơn 40 bài viết của các tổ chức, chuyên gia và nhà khoa học; hơn 40 ý kiến của các diễn giả, nhà khoa học, doanh nghiệp, đại biểu trong và ngoài nước tham gia trao đổi, thảo luận tương tác lẫn nhau. Diễn đàn thực sự đã trở thành một trung tâm thông tin đa chiều và toàn diện.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, diễn đàn đã dành nhiều thời gian trọng tâm vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn đồng thời tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam. Xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa “nội lực”, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh; tranh thủ, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng. Đây là những nội dung hết sức quan trọng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cũng là thông điệp xuyên suốt, nhất quán, gắn liền với chủ đề của diễn đàn lần này.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, từ quý IV/2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Điều đáng lưu ý là cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các bon và kinh tế tuần hoàn và luôn bám sát mục tiêu phát triển bền vững. Các ý kiến tại Diễn đàn cũng thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.

Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM

Bên cạnh đó, diễn đàn cũng nhấn mạnh phải phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các động lực như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nhất là cho chuyển đổi số một cách bền vững, an toàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng biến đổi khí hậu. Tăng cường phối hợp với các quốc gia trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng có tính chất chiến lược, có tính đột phá, lan toả, nâng cao vị thế Việt Nam trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu…

Các đại biểu cũng cho rằng cần có thêm các chính sách nhằm quan tâm thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TPHCM. Tăng cường phát triển khu vực kinh tế tư nhân cần phải có đột phá về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn...

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, thông điệp phát huy nội lực, năng lực nội sinh, kiến tạo các động lực tăng trưởng mới được đưa ra rất mạnh mẽ tại diễn đàn lẫn này. Những thông tin quý, hữu ích của diễn đàn với những giải pháp, kiến nghị rất rõ ràng, cụ thể sẽ là đầu vào, tư liệu hết sức quan trọng được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan nghiên cứu trong quá trình hoạch định chính sách và quản lý nhà nước.

Trước khi bế mạc, tại phiên tọa đàm cấp cao, chia sẻ về việc triển khai Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TPHCM, đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Nghị quyết ra đời đã tạo ra tâm lý phấn khởi cho người dân toàn thành phố. TPHCM nỗ lực khai thác tối đa cơ chế đặc thù Nghị quyết đã trao cho Thành phố, tập trung phát triển nguồn lực nội sinh: khai thác tiềm năng phát sinh từ hạ tầng như hạ tầng giao thông, thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hiệu quả hơn. Nghị quyết 98 đã đem đến nhiều cơ hội triển khai các dự án đối tác công tư với những chính sách đặc thù, giúp đẩy nhanh những dự án trọng điểm, sớm đưa vào sử dụng, tạo lợi ích cho xã hội cũng như đà cho sự phát triển của thành phố.

Phiên bế mạc diễn đàn 19/9 Phiên bế mạc diễn đàn 19/9

Theo đồng chí Dương Anh Đức, một nguồn lực nội sinh cũng không kém phần quan trọng đó là nguồn lực về con người. HĐND TPHCM đã ban hành nhiều chính sách về vấn đề này để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học vào sự phát triển của Thành phố. Đây là những nỗ lực mà Thành phố quyết tâm triển khai để đưa Nghị quyết 98 vào cuộc sống.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho biết, TPHCM chưa bao giờ được trao cho hệ thống chính sách bài bản để phát triển như Nghị quyết 98 của Quốc hội. Nghị quyết của Quốc hội vừa là chế định mang tính hình thức, vừa là chế định mang tính nội dung, sẽ góp phần giúp cho TPHCM cải cách, nâng cao quản trị cải cách hành chính địa phương… Với 4 nhóm chính sách tạo động lực trước nay chưa từng có (mở rộng, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, thu hút nguồn nhân lực, chuyê gia) và 5 nội dung phân cấp, phân quyền để nâng cao năng lực quản trị hành chính mà Nghị quyết 98 của Quốc hội giao cho, TPHCM đã được gỡ những điểm nghẽn về thể chế, và triển khai, chuẩn bị rất nghiêm túc. Với tinh thần này, TS Trần Du Lịch tin tưởng, sau 3 năm sơ kết thực hiện các chính sách đặc thù, TPHCM sẽ gỡ được những điểm nghẽn về hạ tầng và thực sự phát triển xứng tầm như Nghị quyết 31 của Quốc hội đề ra.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo