Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong việc thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 2/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thảo luận về dự án luật, các ý kiến đều cơ bản tán thành với các quy định này làm cho thủ tục xin cấp hộ chiếu, khai báo mất hộ chiếu và khôi phục giá trị hộ chiếu được thực hiện trên môi trường số nên rất thuận tiện cho người dân; qua đó khai thác tốt thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các đại biểu (ĐB) cũng thống nhất quy định thông tin về nơi sinh trong hộ chiếu,

Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cho rằng, hiện chúng ta đang quy định hộ chiếu gắn chip chỉ được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, khi có yêu cầu và không cấp cho công dân chưa đủ 14 tuổi. Quy định như vậy là không còn phù hợp, nhất là khi dự án Luật Căn cước vừa được trình Quốc hội đã đề xuất việc cấp thẻ căn cước công dân cho cả trẻ em chưa đủ 14 tuổi. ĐB đề nghị cần xem xét sửa đổi, bổ sung quy định để bảo đảm đồng bộ hóa với các quy định về căn cước, tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong việc thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh. Về hồ sơ, thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông, cần rà soát toàn diện hơn các quy định để đơn giản hóa hơn nữa các loại giấy tờ có liên quan và thủ tục thực hiện việc cấp hộ chiếu, tận dụng một cách tối đa tính liên thông sẵn có của các cơ sở dữ liệu quốc gia đã được kết nối và phù hợp với yêu cầu giải quyết thủ tục cấp hộ chiếu hoàn toàn theo phương thức trực tuyến.

Dự án Luật Căn cước có đề xuất quan trọng là cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. ĐB Nguyễn Phương Thủy bày tỏ lo ngại về tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đề nghị Quốc hội cân nhắc thận trọng đối với đề xuất này. Việc đi lại, cư trú của người không quốc tịch, bao gồm cả người gốc Việt như đề cập tại dự thảo Luật Căn cước cần được điều chỉnh trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chứ không phải trong Luật Căn cước.

Đáng chú ý, để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, dự thảo có nhiều điểm mới như nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể; nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú..

Một số ĐB đề xuất nâng thời hạn tạm trú cho khách nước ngoài lên 60 ngày, vì đây là thời gian phù hợp cho khách nước ngoài, nhất là khách du lịch có một chuyến đi đủ dài cho nghỉ dưỡng, tham quan, chữa bệnh hoặc công tác. Một số ý kiến cũng cho rằng, việc nâng thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và việc miễn thị thực của Việt Nam chưa tăng nhiều thời gian như các quốc gia trong khu vực, đề nghị tăng miễn thị thực, gia hạn, tăng cường thêm các mốc thời hạn tạm trú đối với người nước ngoài. ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, trong du lịch Việt Nam "đi trước về sau", là do chính sách visa của chúng ta chưa đủ cởi mở. ĐB đề nghị nâng thời hạn cấp giấy chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực tối thiểu 60 ngày. Đồng thời, mở rộng diện đơn phương miễn thị thực, cho áp dụng thị thực điện tử.

ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội)

ĐB Vương Thị Hương (Hà Giang) nêu thực tế, hiện nay tại các địa phương có nhiều trường hợp người nước ngoài không nghỉ tại các cơ sở lưu trú cụ thể mà nghỉ tại các nơi công cộng. “Trong trường hợp này thì việc thực hiện khai báo tạm trú đối với người nước ngoài thuộc trách nhiệm cơ quan, tổ chức nào?. Với những thay đổi theo hướng này, dự báo lượng người nước ngoài sẽ tăng, đặc biệt là số lượng người nhập cảnh bằng thị thực điện tử không có cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo lãnh. Do đó cần quy định cụ thể về việc khai báo tạm trú đối với người nước ngoài ngủ, nghỉ tại các nơi công cộng, tránh trường hợp bỏ sót, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, đặc biệt là các trường hợp là tội phạm quốc tế truy nã của các nước”, ĐB đặt vấn đề.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, mục đích của việc sửa đổi luật là tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Bộ Công an sẽ tiếp thu các ý kiến ĐB, hoàn thiện dự thảo báo cáo cấp có thẩm quyền.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo