Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tạo môi trường và động lực để học sinh thấy việc đọc sách là một niềm vui

Học sinh cần hình thành thói quen đọc sách và yêu mến sách

(Thanhuytphcm.vn) - “Hãy thử đọc sách đi, bạn sẽ không mất gì cả mà còn được sách tặng những món quà quý giá hơn những gì bạn mong đợi”. Đó là lời cổ động, khuyến khích không chỉ của một, mà là rất nhiều bạn trẻ có niềm đam mê với sách. Với những câu chuyện của mình, các bạn trẻ đã truyền cảm hứng đọc sách đến cho mọi người tại tọa đàm “Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?” do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Thành đoàn TP, Hội Xuất bản Việt Nam vừa tổ chức.

Đọc sách giúp thay đổi bản thân, hình thành nhân cách

Là đại biểu nhỏ tuổi tại tọa đàm, em Lê Nguyễn Vân Anh, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Triệu Thị Trinh cho biết, việc đọc sách đã giúp em thay đổi bản thân tốt hơn. Từ một cô bé được cưng chiều, không biết lắng nghe những góp ý của người khác, qua những cuốn sách được cô giáo chủ nhiệm gợi ý đọc như Hạt giống tâm hồn, em đã rút ra được bài học cho bản thân, biết giúp đỡ, sẻ chia và bao dung với mọi người, biết nhận lỗi và nghe lời cha mẹ, thầy cô.

Cũng như các bạn đồng trang lứa, em Cao Thanh Hiếu, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp rất yêu thích những trang sách đầy màu sắc, chứa đựng nhiều câu chuyện và bài học thú vị. Từ những quyển sách thiếu nhi, những câu chuyện cổ tích đến những quyển sách văn học, sách kỹ năng sống, càng đọc em càng cảm nhận được những điều hay mà sách mang đến. Cũng nhờ đó mà Thanh Hiếu cải thiện được kỹ năng viết Văn của mình, giành được giải Nhất hội thi “Văn hay chữ tốt” cấp quận năm học 2017 - 2018 vừa qua.

“Thói quen đọc sách đã giúp em có được kiến thức để học tốt hơn, nói năng lưu loát, giao tiếp tốt; hiểu và phân biệt được những điều tốt, xấu quanh em. Mỗi khi đọc sách, thấy những câu hay, bài học ý nghĩa hay kiến thức mới em sẽ cẩn thận gạch dưới và ghi lại vào quyển sổ để nhớ. Khi vào lớp, em nói chuyện và tranh luận với bạn bè về những quyển sách mình đã đọc cũng như chia sẻ, giới thiệu với các bạn những tác phẩm hay và thú vị” - em Cao Thanh Hiếu hào hứng cho biết.

Chia sẻ về câu chuyện của mình, em Nguyễn Phương Anh, lớp 10, Trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3 cho biết em đọc chữ thành thạo từ khi là cô bé 4 tuổi và từ đó rất thích đọc những cuốn truyện ngắn của trẻ em ngộ nghĩnh và giàu trí tưởng tượng. Nhờ đọc sách, Phương Anh học giỏi nổi trội trong lớp, đặc biệt là ở môn Văn. Cũng nhờ đọc sách mà em tìm thấy cho mình một đam mê và ước mơ trở thành một doanh nhân thành đạt. Ngoài ra, sách còn mang đến cho em rất nhiều giá trị tinh thần to lớn, những kiến thức vô giá, kỹ năng tuyệt vời, suy nghĩ lạc quan và lối sống tích cực. Với những điều tốt đẹp đó, Phương Anh mong muốn mọi người, nhất là các bạn học sinh hãy đọc thật nhiều sách vì “bạn sẽ khám phá ra con người, tài năng của mình khi bạn đọc sách; bạn sẽ thành công, sẽ tài giỏi khi bạn đọc sách”.

Em Lê Nguyễn Vân Anh cho biết việc đọc sách đã giúp em thay đổi bản thân tốt hơn Em Lê Nguyễn Vân Anh cho biết việc đọc sách đã giúp em thay đổi bản thân tốt hơn

Lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến mọi người

Nói về nguồn cảm hứng với sách, bạn Nguyễn Hà Nguyễn, học sinh lớp 9 Trường THCS An Nhơn, quận Gò Vấp cho biết, sách là món ăn tinh thần không thể thiếu của những người đam mê đọc, ham mê tìm hiểu kiến thức. Với tư cách là thành viên của tổ thư viện trường, Hà Nguyễn nhận thấy rằng cần phải giúp các bạn xung quanh xây dựng thói quen đọc sách. Từ những buổi đọc sách cùng nhau không chỉ ở thư viện mà ở mọi nơi trong trường cho đến việc chia sẻ những nguồn sách điện tử qua mạng xã hội, các bạn học sinh dần hình thành thói quen đọc sách và cảm thấy yêu mến sách nhiều hơn. Sách đã tác động đến việc hình thành nhân cách tốt đẹp nơi những người tìm đọc sách. Một số bạn trở nên vui vẻ, hòa đồng, tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người; kỹ năng sống, điểm số trong học tập cũng được cải thiện rõ rệt và nhất là niềm đam mê đọc sách đã lan tỏa đến tất cả mọi người.

Là một giáo viên dạy lớp 5 với 25 năm làm công tác chủ nhiệm lớp, mỗi năm đón nhận nhiều học sinh khác nhau về hoàn cảnh, về tâm lý lứa tuổi, về năng lực học tập, cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh đã từng trăn trở làm thế nào để giúp các em có được những năng lực, những phẩm chất tốt đẹp bên cạnh việc hoàn thành các môn học. Theo cô Ngọc Hạnh, việc đọc sách là cách giúp các em làm chủ cảm xúc của mình, tạo cho các em có thói quen sống tốt, khơi gợi lòng vị tha và cảm xúc thật ở mỗi đứa trẻ. Cô Ngọc Hạnh mong muốn trong năm học tới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường thực hiện tích hợp tiết đọc sách trong tiết sinh hoạt lớp để giúp học sinh phát triển tốt về mặt trí tuệ và tình cảm, giúp xã hội có thật nhiều những mầm xanh tốt đẹp nhất.

Em Cao Thanh Hiếu chia sẻ về thói quen đọc sách tại tọa đàm Em Cao Thanh Hiếu chia sẻ về thói quen đọc sách tại tọa đàm

Đồng quan điểm với cô Ngọc Hạnh, PGS.TS Hoàng Thị Tuyết, giảng viên Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, thực tiễn đã chứng minh rằng không gì có khả năng tạo nên thành công trong giáo dục hơn việc chúng ta dạy trẻ yêu thích đọc, biết thưởng thức đọc và tự nguyện làm điều đó một cách độc lập. Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tới đây là giúp học sinh phát triển năng lực tự học, biết thu thập và xử lý thông tin từ các nguồn khác nhau và ngày càng đa dạng phong phú để có năng lực học tập suốt đời. Hệ thống thư viện trường học với các tiêu chí mới sẽ góp phần tích cực đáp ứng yêu cầu đó cũng như thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.

Là người tâm huyết với các hoạt động giáo dục và thanh thiếu niên, trong thư ngỏ gửi đến tọa đàm, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhắn nhủ, hãy tạo môi trường và động lực giúp các em học sinh thấy việc đọc sách là một niềm vui cùng với nhiều lợi ích cho bản thân thay vì hàng giờ dán mắt vào màn hình chơi game, lướt web. Thành đoàn, Sở Giáo dục và Hội Xuất bản cần bắt tay để đồng tổ chức các cuộc vận động tạo thói quen đọc sách từ trong chính sự tự nguyện, tự giác của các cháu đội viên, học sinh. Cạnh đó, những đề nghị như: đưa tiết đọc sách vào trong khung chương trình ở các cấp học; đầu tư cho thư viện trường học từ phòng ốc, trang thiết bị, bổ sung nguồn sách; các hoạt động truyền thông, cuộc thi đọc sách… tất cả đều khả thi. Ngành giáo dục TP cần phải quyết tâm làm và phải làm ngay, làm có hiệu quả để trước hết tạo sự chuyển động, đổi mới trong thầy cô, học sinh, hệ thống các trường phổ thông trong TP và nhân rộng trong toàn ngành giáo dục của cả nước.

Hương Thảo


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo