Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tạo cơ hội bình đẳng để người khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội

Quang cảnh Hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Nước ta hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, khoảng 12 triệu gia đình sống chung với người khuyết tật, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%. Có 58% người khuyết tật là nữ, 28,3% người khuyết tật là trẻ em, 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo.

Con số trên được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia "Công tác xã hội đối với người khuyết tật", do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức sáng 2/11, nhân kỷ niệm 28 năm ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12/1992 – 3/2/2020).

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho biết, thời gian qua, các cơ quan nhà nước đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong việc chăm lo cuộc sống của người khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên để người khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội.

Việc huy động mọi nguồn lực xã hội đã giúp cho người khuyết tật tự tin, tự lập cuộc sống; có rất nhiều tấm gương là người khuyết tật thành đạt, vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát

Mặc dù đã có những kết quả tốt trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng các nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật. Một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ, xem công tác người khuyết tật là hoạt động nhân đạo, từ thiện, là trách nhiệm của ngành lao động - thương binh và xã hội; vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá toàn diện thực trạng để kiến nghị giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng; chia sẻ những mô hình công tác xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, tạo việc làm và khởi nghiệp sáng tạo cho người khuyết tật; kiến nghị các giải pháp đột phá nhằm đổi mới tư duy, nhận thức, chủ động thực thi có hiệu quả các chủ trương, chính sách đối với người khuyết tật…

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc chăm lo, hỗ trợ cho người khuyết tật, ông Bradley Bessire, đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, cơ quan này là đối tác tin cậy của Việt Nam từ năm 1999 khi đóng góp hơn 125 triệu USD, giúp cho người khuyết tật Việt Nam cải thiện cuộc sống. Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ 56 triệu USD cho Việt Nam trong 5 năm tới, giúp cho cuộc sống của người khuyết tật tốt hơn.

Bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam. Bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho rằng, những khó khăn liên quan đến sự đói nghèo của người khuyết tật lớn hơn rất nhiều so với người nghèo bình thường. Người khuyết tật đang phải sống trong những rào cản rất lớn để có thể hòa nhập, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội.

Tại Liên hợp quốc, các chương trình hỗ trợ người khuyết tật luôn được ưu tiên với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Công tác xã hội rất quan trọng để hỗ trợ cho người khuyết tật ổn định cuộc sống. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý được coi là công cụ rất cần thiết để thúc đẩy hoạt động này, hướng về người khuyết tật.

UNDP đã hợp tác với nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc rà roát lại chính sách liên quan đến Luật Người khuyết tật sau 10 năm ban hành, đánh giá những tác động đến cuộc sống của người khuyết tật. UNDP cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn những nội dung liên quan đến Công ước quốc tế về quyền người khuyết tật và trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của người dân về người khuyết tật. Người khuyết tật phải được tạo mọi cơ hội để có thể tham gia những quyết định liên quan đến cuộc sống của họ.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo