Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Sinh viên vừa học, vừa làm – Nỗ lực vượt khó, luôn được ủng hộ

Lê Ngọc Hoa, sinh viên năm 2 trường ĐH Công nghiệp TPHCM làm nhân viên phục vụ sau giờ học. (Ảnh: Kim Huyền)

(Thanhuytphcm.vn) - Có nhiều khoản chi phí phải chi tiêu trong suốt chặng đường đại học, vì thế phần lớn sinh viên hiện nay đều tìm kiếm việc làm sau giờ học. Không chỉ tự lo được cho bản thân, nhiều bạn còn tích góp gửi về quê phụ giúp gia đình. Mặc dù vậy, việc lựa chọn cho mình việc làm thêm phù hợp vẫn đang là vấn đề đáng lưu tâm.

Làm thêm để giảm gánh lo của gia đình

Xa nhà, sống trong chật vật, quay quắt vì lo toan chuyện cơm, áo, gạo, tiền hàng tháng… đó là những từ ngữ quen thuộc mỗi khi nhắc đến sinh viên. Mùa tựu trường đến, bên cạnh những nụ cười hạnh phúc thì đó còn là nỗi niềm trăn trở đối với bản thân của nhiều sinh viên và gia đình họ vì nhiều chi phí cần phải trang trải như: tiền ăn hàng tháng, tiền học phí, tiền thuê phòng trọ, tiền điện, nước, tiền mua vật dụng, tiền mua tài liệu, tiền xăng,… Bạn Hoàng Minh Phong, tân sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM chia sẻ: “Thực sự có quá nhiều khoản phải chi tiêu, nên sẽ là gánh nặng lớn cho ba mẹ. Hiện tại tôi đang tìm việc làm thêm sau giờ học để phụ giúp gia đình, nếu không làm thêm sẽ không thể lo liệu nổi”.

Để trang trải cuộc sống, đồng thời phụ giúp gia đình nhiều sinh viên đã chủ động tìm kiếm việc làm thêm ngay từ những năm đầu đại học. Tuy gặp nhiều khó khăn vì bước đầu tiếp cận với môi trường mới, nhưng các bạn sinh viên vẫn kiên trì, nhẫn nại tìm cho mình công việc phù hợp. Hiện nay, các việc làm thêm được nhiều sinh viên lựa chọn như: phục vụ, lễ tân, bán hàng, làm khán giả cho chương trình truyền hình, tư vấn viên qua điện thoại, bảo vệ, khánh tiết, chạy grap hoặc uber hay phát tờ rơi… Nguyễn Thùy, sinh viên năm 2 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tâm sự: “Em đi làm thêm từ năm đầu tiên, đến giờ đã trải qua khá nhiều công việc khác nhau. Giờ đây mỗi việc biết một ít, việc này khiến em mạnh dạn hơn khi nói về bản thân mình. Số tiền làm thêm em đủ để đóng học phí và mua xe đi lại”.

Ngoài những công việc mang tính chất bán thời gian như thế này, hiện tại để tích lũy thêm kinh nghiệm phục vụ cho công việc sau này, nhiều bạn còn mạnh dạn làm quen với công việc tương lai ngay từ lúc còn là sinh viên. Bạn Ngô Ngọc Kiếm, sinh viên năm 3 Khoa Báo chí và Truyền thông Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II TPHCM chia sẻ: “Mình bắt đầu làm cộng tác viên cho các báo từ cuối năm 2. Ban đầu đó cũng chỉ là những tin bài nhỏ nhưng tiền nhuận bút đủ để mình đóng học phí. Công việc này rất phù hợp vừa tạo cho mình thu nhập vừa cho mình nhiều kinh nghiệm thực tiễn để khỏi bỡ ngỡ về sau”.

Được biết, lương cho công việc bán thời gian được tính theo giờ, trung bình khoảng 12.000 – 17.000 đồng/giờ. Trần Ngọc Hân, sinh viên năm 2 Trường Đại học Y dược TPHCM tâm sự: “Sau giờ học em làm phục vụ cho quán cà phê, tiền lương là 15.000 đồng/giờ, mỗi ca 6 tiếng”. Như vậy, nếu làm đều đặn cứ mỗi ngày Ngọc Hân lại có thu nhập 90.000 đồng và mỗi tháng sẽ có được gần 3 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi ngày có từ 2 – 3 ca làm việc, nên sinh viên có thể chủ động đăng ký lịch làm việc dựa trên lịch học. Hơn nữa, hiện nay nhiều nơi làm việc còn có nhiều chế độ đãi ngộ dành cho sinh viên như: bao cơm, cung cấp sữa uống miễn phí, phát tiền thưởng hay quà bánh vào dịp đặc biệt, hoặc tăng tiền lương gấp đôi gấp ba khi làm trong những ngày lễ tết.

Anh Huỳnh Nguyễn Khánh An, chủ quán cà phê Mộc Miên, quận Gò Vấp, TPHCM bày tỏ: “Tôi luôn tạo điều kiện cho các bạn sinh viên tìm kiếm việc làm thêm. Quán vẫn thường hay đăng tuyển phục vụ ưu tiên cho sinh viên, ngoài lương cơ bản theo giờ các bạn còn nhận được nhiều sự hỗ trợ khi gặp khó khăn. Thực sự mà nói tôi cũng đã từng là sinh viên đã từng vất vả mới có được như ngày hôm nay”.

Lê Minh, sinh viên năm 3 Trường Đại học luật TPHCM làm nhân viên phục vụ sau giờ học (Ảnh: Kim Huyền). Lê Minh, sinh viên năm 3 Trường Đại học luật TPHCM làm nhân viên phục vụ sau giờ học (Ảnh: Kim Huyền).

Tiếp bước con đường đại học

Hiện nay, hầu hết các trường đại học, cao đẳng đều thành lập trung tâm hỗ trợ sinh viên, với mục đích tổ chức tư vấn về học tập, đào tạo kỹ năng cần thiết… và đặc biệt là hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm thêm, như: Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM; Trung tâm Hỗ trợ và việc làm của Trường Đại học Bách khoa TPHCM; Trung tâm Hỗ trợ sinh viên của Trường Đại học kinh tế TPHCM… Thạc sĩ, chuyên viên Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM Nguyễn Thị Châu cho biết, Trung tâm hay tổ chức những buổi giao lưu, trao đổi, hay tổ chức ngày hội tuyển dụng để thông qua đó các em có thể tìm kiếm cho mình công việc phù hợp với nhà tuyển dụng uy tín. Ngoài ra Trung tâm cũng thông qua quen biết, tìm hiểu, đã giúp đỡ các em tìm việc bán thời gian sau giờ học để trang trải chi phí. Số lượng sinh viên tìm đến Trung tâm nhờ tư vấn, hỗ trợ việc làm rất nhiều, đa phần là sinh viên năm nhất và năm 2.

Ngoài ra, trên địa bàn TPHCM còn có Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên SAC (Student Assistance Center) ở phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM. Tân sinh viên Trường ĐH Hutech TPHCM Nguyễn Lê Duy bày tỏ: Thông qua người quen giới thiệu, em tìm đến Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên SAC tại TPHCM nhờ tư vấn và hỗ trợ vì là sinh viên năm nhất nên mọi thứ còn lạ lẫm. Trung tâm đã giới thiệu cho em chỗ trọ rẻ, an toàn, công việc làm thêm phù hợp, ngoài ra còn tạo điều kiện để em giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước.

Làm thêm vào thời gian rảnh để tạo ra thu nhập, giúp đỡ cho gia đình đồng thời dung nạp kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời giúp nhiều sinh viên có nhiều kỹ năng giao tiếp, ứng xử, dạn dĩ trước mọi người… Bên cạnh đó, cũng nhờ vào sự nỗ lực, ý chí phấn đấu, nhiều sinh viên còn tạo được thiện cảm với nhà tuyển dụng và từ đó rẽ sang bước ngoặt mới tươi sáng hơn. “Phải tự tạo ra đồng tiền ngay từ lúc còn là sinh viên bằng cách chính đáng, có như vậy chúng ta mới biết được giá trị đồng tiền và cả giá trị của bản thân mình. Khi ý thức được điều đó, việc chi tiêu của chúng ta sẽ chặt chẽ, hợp lý hơn. Có như vậy, chúng ta mới trưởng thành và thành đạt”, Thạc sĩ giáo dục, chuyên viên tâm lý, Chế Dạ Thảo bày tỏ. 

Kim Huyền

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo