Chủ Nhật, ngày 15 tháng 9 năm 2024

Sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 3/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2020, thảo luận về các giải pháp cấp bách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh vẫn phải chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (dịch COVID-19).

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý cho một chỉ thị mới, trong đó đưa ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam. Cho nên, ngay từ đầu, bên cạnh việc tham khảo, tham vấn các đánh giá từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức khác nhau, chúng ta tham khảo chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là ngành y tế, các chiến sĩ áo trắng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra, đạt được kết quả khả quan bước đầu trong phòng chống dịch. Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước đã ủng hộ.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã lan rộng đến 67 quốc gia và vùng lãnh thổ, được WHO đánh giá ở mức rất cao. Do đó, Thủ tướng yêu cầu, “tuyệt đối không được chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng chống dịch đã đề ra, kiên quyết không để lây lan trong cộng đồng”. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp tục đóng góp ý kiến cho công tác này.

Về tình hình kinh tế xã hội, theo Thủ tướng, ước tính ngành hàng không bị thiệt hại đến 30 tỷ USD. Thời gian qua, tâm lý bi quan khiến giá vàng tăng lên cao nhất trong 7 năm qua, thị trường chứng khoán giảm sâu, giá dầu thô giảm thấp. Tình hình kinh tế thế giới sụt giảm tương tự như cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, do dự, kiên quyết không để dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, do dự, kiên quyết không để dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng.

Thủ tướng đánh giá, mặc dù trong khó khăn nhưng tình hình kinh tế xã hội tháng vẫn 2 cơ bản giữ ổn định. CPI giảm, thu ngân sách tăng. Các khoản chi phục vụ chống dịch được đảm bảo kịp thời. Nông nghiệp phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. 

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận kỹ, đề xuất và thống nhất các giải pháp kỹ thuật về tài chính, ngân hàng và các biện pháp khác để nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tình hình kinh tế xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kinh tế xã hội vẫn còn nhiều điểm sáng rất đáng mừng.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, ổn định. Giá nhiều nhóm mặt hàng về cơ bản giữ ổn định, hoặc giảm. CPI tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước. Xuất khẩu vẫn tăng trưởng; nhập siêu trong kiểm soát. Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ; xuất khẩu của khu vực FDI tăng 0,9% và trong nước tăng 6%. Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng, dịch bệnh dần được kiểm soát…

Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19 nhưng các ngành công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ; với trên 17.400 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 364.000 tỷ đồng (tăng 9,1% về số doanh nghiệp và tăng 47,1% về số vốn đăng ký). Gần 12.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 17,1%).

Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước; chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vốn FDI thực hiện giảm 5%; vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 9,3%); vận tải hành khách tăng 3,8% (cùng kỳ tăng 10,2%).  Lượng khách quốc tế trong tháng 2/2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách, giảm 49,8% so với tháng trước, giảm 35,8% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%); mức tăng cao nhất trong 7 năm qua.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo