Thứ Bảy, ngày 5 tháng 10 năm 2024

Quản lý và bảo vệ quyền lợi của người lao động và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài

Đại biểu ý kiến tại hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 5/12, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài và chính quyền Thành phố về đầu tư, sản xuất, kinh doanh với chủ đề: “Đối thoại về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có liên quan đến TPHCM diện chuyên gia, tu nghiệp và xuất khẩu lao động”.

Chủ trì hội nghị có đồng chí Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP; Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội TP.

Tạo điều kiện tốt nhất để NLĐ và chuyên gia của Thành phố phát triển tại thị trường nước ngoài

Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP Vũ Thị Huỳnh Mai cho rằng, lĩnh vực đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung, và quảng bá hình ảnh và những giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hóa và con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế. Sau khi trở về nước, nhiều người tiếp tục tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động trong nước với tinh thần, ý thức trách nhiệm và năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao.

Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP Vũ Thị Huỳnh Mai phát biểu tại hội nghị Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP Vũ Thị Huỳnh Mai phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, trong các chuyến công tác cộng đồng người Việt ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đồng chí Vũ Thị Huỳnh Mai nhận thấy công tác kết nối giữa cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại với cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động ở trong nước, với các công ty xuất khẩu lao động trên địa bàn Thành phố chưa phát huy hết hiệu quả trong công tác quản lý, bảo hộ công dân; công tác chuẩn bị các thông tin về văn hóa xã hội nước sở tại cho người chuẩn bị đi chưa đầy đủ; công tác thông tin về tình hình NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước chậm được thông tin về cơ quan quản lý ở trong nước; năng lực của một số tổ chức, doanh nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu...

Trước thực tế này, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố đã chủ động với sự tham gia phối hợp, hỗ trợ của Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và xã hội Thành phố tham mưu Lãnh đạo Thành phố tổ chức Hội nghị đối thoại với mục tiêu: thiết lập một kênh liên lạc hợp tác hiệu quả và bền vững giữa các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc quản lý và bảo vệ quyền lợi của NLĐ và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nhằm tạo điều kiện tốt nhất để NLĐ và chuyên gia của Thành phố có thể thăng tiến và phát triển tại thị trường nước ngoài.

Cần cơ chế hỗ trợ và bảo vệ tốt hơn cho người Việt Nam khi sinh sống, lao động ở nước ngoài

Thông tin về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đưa người Việt Nam ra nước ngoài diện chuyên gia, tu nghiệp và xuất khẩu lao động, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội Thành phố Huỳnh Lê Như Trang cho hay, hiện nay, tại TPHCM có 70 doanh nghiệp được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Trước năm 2020, bình quân mỗi năm các DN đưa từ 10.000 - 14.000 người đi làm việc ở nước ngoài; 11 tháng năm nay đã đưa 8.583 người xuất khẩu lao động. Từ năm 2020 cho đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên từ năm 2020 đến nay, số lượng đưa đi làm việc ở nước ngoài giảm mạnh. Nhìn chung lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được người sử dụng lao động đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi và tiếp thu công việc nhanh.

Hiện nay đa phần quy mô hoạt động của một số DN còn nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm tư vấn. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN dẫn đến NLĐ phải chịu nhiều chi phí để đi làm việc ở nước ngoài; chưa quan tâm giải quyết việc làm cho NLĐ sau khi về nước.

Về phía NLĐ, chưa đáp ứng được các công việc đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, các công việc có độ phức tạp theo yêu cầu của DN. Tình trạng NLĐ hết hạn hợp đồng lao động không về nước đúng thời hạn, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp hoặc không thực hiện hợp đồng bỏ trốn ra ngoài làm việc, vi phạm pháp luật nước sở tại đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội tìm kiếm việc làm và thu nhập của nhiều NLĐ, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của các DN cũng như hình ảnh của đất nước.

“Để nâng cao năng lực cạnh tranh với lao động các nước khác đi làm việc ở nước ngoài, giữ gìn hình ảnh lao động Việt Nam tại các thị trường truyền thống, xây dựng hình ảnh lao động Việt Nam tại các thị trường mới, qua đó mở rộng cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường lao động các nước, lãnh đạo TPHCM luôn quan tâm và hướng tới ba giải pháp quản lý và nâng cao năng lực của doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.” – Đồng chí Huỳnh Lê Như Trang nêu.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận tập trung các nội dung nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa NLĐ và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; bảo vệ quyền lợi NLĐ; xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề.

Các đại biểu kiến nghị cần xây dựng mạng lưới liên kết và giao lưu giữa các cơ quan chức năng, tổ chức đào tạo, DN và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm tạo ra một hệ thống hỗ trợ toàn diện và bền vững. Qua đó, thiết lập cơ chế hỗ trợ và bảo vệ tốt hơn cho người Việt Nam khi sinh sống, lao động ở nước ngoài. Các giải pháp đề xuất bao gồm cải thiện quy trình tuyển chọn và đào tạo lao động, tăng cường hỗ trợ tư pháp và tư vấn cho NLĐ, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và tạo ra môi trường công bằng và an toàn cho NLĐ Việt Nam ở nước ngoài…

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo