Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Phong trào kết nghĩa Bắc - Nam: “Là cây một cội, là con một nhà”

Hội nghị kết nghĩa giữa hai tỉnh Phú Yên - Hải Dương, tháng 1/1960. (Ảnh tư liệu)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Tại buổi chào mừng Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, ngày 23/10/1962, thay mặt Chủ tịch đoàn của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa II, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã phát biểu: “Chúng ta còn nhớ: 16 năm trước đây, cũng trong phòng họp này, khi ôm hôn các đại biểu miền Nam vượt qua lửa đạn đến họp Quốc hội, Hồ Chủ tịch kính mến đã nói: "Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam"! Trong bức thư gửi đồng bào Nam bộ ngày 31/5/1946, Hồ Chủ tịch lại nói: ‘Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!’”. Sự thực, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nam bộ đã bị chia cắt dưới nhiều hình thức nhưng Nam bộ mãi mãi là máu, là thịt của Việt Nam. Điều đó càng thể hiện rõ trong các đợt phòng chống dịch vừa qua.

Năm 1960, khi bắt đầu chuyển hướng đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang, miền Bắc trở thành hậu phương lớn để chi viện cho miền Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Ở miền Bắc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chính quyền và nhân dân các địa phương tổ chức các phong trào "Vì miền Nam ruột thịt". Phong trào kết nghĩa Bắc - Nam đã động viên dân và quân miền Bắc thi đua sản xuất và chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam theo tinh thần "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", đồng thời học tập và cổ vũ tinh thần hy sinh chiến đấu của quân dân miền Nam thi đua giết giặc lập công giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Các tỉnh thành miền Bắc kết nghĩa nhận con em miền Nam tập kết về nuôi dưỡng và cán bộ miền Nam ra an dưỡng; cung cấp cán bộ cho các tỉnh miền Nam khi có yêu cầu; thăm hỏi, động viên cán bộ miền Nam tập kết trong các dịp lễ tết...

Phong trào kết nghĩa này trước hết khẳng định Nam bộ là một phần không thể tách rời của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam. Phong trào còn có ý nghĩa động viên, khích lệ về mặt tinh thần, sẻ chia, đồng hành về mặt tình cảm, giúp đỡ, chi viện về mặt vật chất để các tỉnh thành Nam bộ kiên quyết, kiên trì đấu tranh để đi đến thắng lợi sau cùng. Việc làm này còn thể hiện với bạn bè thế giới rằng sự gắn bó keo sơn giữa nhân dân các vùng miền ở đất nước Việt Nam là bền chặt, không một thế lực nào có thể chia cắt được, nên cuộc chiến tranh tại Việt Nam không phải là một cuộc nội chiến như một số kẻ đã rêu rao.

Phong trào kết nghĩa đã bắt đầu từ đầu năm 1960. “Cùng với phong trào kết nghĩa giữa ba thành phố lớn, mỗi tỉnh, mỗi thành phố miền Nam kết nghĩa với một tỉnh, thành miền Bắc. Phong trào kết nghĩa Bắc – Nam còn đi sâu vào nhiều ngành, nhiều đơn vị, nói lên mối tình keo sơn ruột thịt của đồng bào hai miền Nam - Bắc và sức mạnh của chân lý: dân tộc ta là một, đất nước ta là một”[1].

Bộ đội miền Bắc lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu) Bộ đội miền Bắc lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu)

Trong kháng Mỹ, Hải Phòng đã 2 lần cử gần 700 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 399 Bạch Đằng 1 Thủy Nguyên (sau này là Tiểu đoàn Hải Đà) vào chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng chiến đấu. Năm 1963, chính quyền Hải Phòng đặt tên Đà Nẵng cho một con phố trong khu vực nội ô: phố Đà Nẵng; trên phố này, Trường THPT Thái Phiên cũng được xây dựng[2]. Ngày 18/4/1975, Hải Phòng đã cử đoàn cán bộ vệ sinh phòng dịch vào hỗ trợ Đà Nẵng khi thành phố miền Trung này vừa được giải phóng. Sau năm 1975, chính quyền mới Đà Nẵng đã đổi tên đường Nguyễn Hoàng cũ thành đường Hải Phòng cho đến nay. Trong dịch Covid-19 năm 2020, Hải Phòng hỗ trợ 5 tỷ đồng, 200.000 khẩu trang chi viện bác sĩ cho Đà Nẵng, Quảng Nam…

Ngày 12/3/1960, tại thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa), Lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam được tổ chức trọng thể. Sau đó, các huyện thị của hai tỉnh cũng lần lượt làm lễ kết nghĩa. Trong chống Mỹ, Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho Quảng Nam. Tháng 12/2008, Quảng Nam xuất bản tiểu thuyết Truyền thuyết Sông Thu Bồn, viết về quá trình chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam của Tiểu đoàn Lam Sơn với thành phần cốt cán do Thanh Hóa chi viện) của tác giả Từ Nguyên Tĩnh, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa. Năm 2010, tại giao lộ Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), đã chính thức khai trương tên đường Thanh Hóa có chiều dài 9 km. Tam Kỳ còn có tuyến đường mang tên Lam Sơn đặt tại Khu đô thị mới Tân Thạnh.

Ngoài ra, còn nhiều hoạt động kết nghĩa khác của Nghệ An - Quảng Ngãi (được gọi là "An Ngãi quật khởi"), Hà Tĩnh - Bình Định, Bắc Kạn - Kon Tum, Cao Bằng - Gia Lai, Lạng Sơn - Đắk Lắk, Hà Giang - Lâm Đồng, Hải Dương - Phú Yên, Thái Nguyên - Khánh Hòa, Yên Bái - Ninh Thuận, Tuyên Quang - Bình Thuận, Hà Nam - Biên Hòa[3], Lào Cai - Thủ Dầu Một[4], Hồng Quảng - Bà Rịa[5], Sơn Tây[6] - Tây Ninh, Hòa Bình - Gia Định[7], Bắc Ninh - Chợ Lớn[8], Hưng Yên - Tân An[9], Nam Định - Mỹ Tho[10], Kiến An - Gò Công[11], Vĩnh Phúc - Bến Tre, Thái Bình - Vĩnh Trà[12], Hà Đông[13] - Cần Thơ, Bắc Giang - Sóc Trăng, Phú Thọ - Long Châu Sa[14], Hải Ninh - Rạch Giá và Long Châu Hà[15], Ninh Bình - Bạc Liêu[16]

Sở Y tế TP Hà Nội trao tặng hệ thống xét nghiệm PCR tự động, máy tách chiết và test chẩn đoán Covid-19 cho ngành y tế TPHCM, ngày 6/7/2021. (Ảnh: dangcongsan.vn) Sở Y tế TP Hà Nội trao tặng hệ thống xét nghiệm PCR tự động, máy tách chiết và test chẩn đoán Covid-19 cho ngành y tế TPHCM, ngày 6/7/2021. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Đỉnh điểm của phong trào kết nghĩa này là Lễ kết nghĩa 3 thành phố lớn Hà Nội - Huế - Sài Gòn vào ngày 8/10/1960 tại Câu lạc bộ Ba Đình (Hà Nội). Trong buổi lễ, đồng bào Huế đã tặng đồng bào Hà Nội và đồng bào Sài Gòn bức trướng thêu: “Hà Nội – Huế - Sài Gòn/ Là cây một cội, là con một nhà”. Đây là những thành phố cuối cùng trong phong trào kết nghĩa giữa hai miền Bắc - Nam.

Năm 1977, chính quyền thành phố Huế (thuộc tỉnh Bình Trị Thiên) đã quyết định đổi tên đường Lê Thánh Tôn thành đường Hà Nội, đổi tên đường Phạm Hồng Thái thành đường Bến Nghé cho đến nay. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng thủ đô Hà Nội (năm 1984), TPHCM quyết định đổi tên xa lộ Biên Hòa thành xa lộ Hà Nội; hiện xa lộ Hà Nội là một đại lộ cửa ngõ quan trọng của thành phố mang tên Bác Hồ.

Trong gần 2 năm qua, dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thiệt hại cho một số địa phương trong cả nước. Điều ấm lòng và trân trọng là mỗi khi một địa phương bùng phát dịch, nhiều địa phương khác đã sẵn lòng giúp đỡ, cả sức người, sức của. Nhất là trong đợt dịch thứ tư, từ tháng 5/2021 đến nay, nhiều tỉnh thành phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề thì sự đồng hành, chia sẻ của các địa phương miền Trung, miền Bắc cũng đậm đà hơn, sâu nặng hơn. Điều đó thêm một lần nữa bác bỏ ý kiến phân biệt, chia rẽ vùng miền của một số người, để tiếp tục minh chứng cho tinh thần Bắc Nam “là cây một cội, là con một nhà”, không thể nào bị chia cắt!

Nguyễn Minh Hải

-------
[1]
- Ngày này năm xưa, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1998, tr.580.

[2] Thái Phiên (1882 – 1916) là một chí sĩ yêu nước chống Pháp ở Đà Nẵng, người đã cùng chí sĩ Trần Cao Vân và vua Duy Tân tổ chức, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Trung kỳ vào tháng 5/1916. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị đàn áp, ông cùng người đồng chí của mình là Trần Cao Vân bị thực dân Pháp xử chém vào ngày 17/5/1916.

[3] Biên Hòa là một tỉnh cũ của chế độ miền Nam Việt Nam, nay thuộc tỉnh Đồng Nai.

[4] Thủ Dầu Một nay thuộc tỉnh Bình Dương.

[5] Hồng Quảng là một đặc khu cũ, được thành lập năm 1955, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh. Bà Rịa nay thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

[6] Sơn Tây nay thuộc thành phố Hà Nội.

[7] Gia Định nay thuộc TPHCM.

[8] Chợ Lớn là tỉnh cũ nay nằm ở khu vực tỉnh Long An và TPHCM.

[9] Tân An nay thuộc tỉnh Long An.

[10] Mỹ Tho nay thuộc tỉnh Tiền Giang.

[11] Kiến An nay thuộc thành phố Hải Phòng. Gò Công nay thuộc tỉnh Tiền Giang.

[12] Vĩnh Trà nay là tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh.

[13] Hà Đông nay thuộc thành phố Hà Nội.

[14] Long Châu Sa là tên gọi từ các địa phương Long Xuyên, Châu Đốc và Sa Đéc, nay thuộc các tỉnh An Giang và Đồng Tháp.

[15] Hải Ninh nay thuộc tỉnh Quảng Ninh. Rạch Giá nay thuộc tỉnh Kiên Giang. Long Châu Hà là tên gọi từ các địa phương Long Xuyên, Châu Đốc và Hà Tiên, nay thuộc các tỉnh An Giang và Kiên Giang.

[16] Bạc Liêu trong kháng chiến chống Mỹ bao gồm cả tỉnh Cà Mau hiện nay.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo