(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 14/2, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức họp mặt đồng bào tiêu biểu các dân tộc, nhân dịp đầu năm mới - Xuân Ất Tỵ năm 2025. Đến dự có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Phước Lộc; Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Phạm Thị Hồng Hà; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thành Trung; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM Trần Xuân Điền và 200 đại biểu, đại diện đồng bào các dân tộc trên địa bàn TPHCM.
Tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách đến đồng bào dân tộc
Tại chương trình, ý kiến của các đại biểu là đồng bào các dân tộc đều đánh giá cao trong năm 2024 TPHCM đã có 10 dấu ấn nổi bật; cuộc sống người dân ngày càng tốt đẹp, trong đó có đồng bào dân tộc cả nước đang sinh sống và làm việc tại TP có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, TP đã quan tâm, thực hiện thường xuyên các chính sách giải quyết việc làm, chính sách dạy nghề, trợ vốn, chính sách giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc…
Để phát huy tiềm năng nơi cộng đồng đồng bào dân tộc Hoa ngày càng vững tâm và tiếp tục cống hiến, phát triển sản xuất kinh doanh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ dạy môn Hoa văn TPHCM Đỗ Long mong muốn TPHCM quan tâm tạo điều kiện xây dựng một ngôi trường chuyên dạy tiếng Hoa như một số tỉnh, thành khác trong nước.
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc chụp ảnh lưu niệm với các chức sắc tôn giáo tại họp mặtNguyên Trưởng phòng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - chi nhánh TPHCM Bá Trung Phụ (dân tộc Chăm) cho rằng, UBND TPHCM đã đưa ra chiến lược về kinh tế - xã hội đã làm thay đổi bộ mặt TP với tốc độ phát triển nhanh và là niềm vinh dự của đồng bào các dân tộc làm nên một TP đầy nhân ái và nghĩa tình. Trong thời gian tới, ông Bá Trung Phụ kiến nghị TP tiếp tục tổ chức các chương trình ẩm thực và trang phục đường phố đến các dân tộc; thành lập trường dân tộc nội trú; tạo điều kiện cho con em dân tộc học trường dự bị đại học tại TP.
Chi hội phó Chi hội Văn học Nghệ thuật Khmer thuộc Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc TPHCM Trịnh Thị Mỹ Lệ cũng cho rằng, trong những năm qua, các cấp ủy đảng đã quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đến Nhân dân, trong đó có đồng bào các dân tộc như: thực hiện các chính sách giải quyết việc làm, chính sách dạy nghề, trợ vốn, chính sách giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc; cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ nhà ở, dạy nghề miễn phí và hỗ trợ việc làm cho nhiều trường hợp. Đồng thời, hỗ trợ vay vốn, miễn học phí đối với học sinh dân tộc Chăm và Khmer…
Quang cảnh họp mặt“TP đã thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng học bổng hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên trong đồng bào các dân tộc… Ngoài ra, TP chú trọng công tác lưu giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa của các dân tộc nói chung, dân tộc Khmer nói riêng với những lễ hội truyền thống đặc sắc… góp phần tích cực vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” – bà Trịnh Thị Mỹ Lệ bày tỏ.
Để phát huy hiệu quả công tác dân tộc trong thời gian tới, bà Trịnh Thị Mỹ Lệ mong muốn TPHCM tiếp tục quan tâm đến cơ chế, chính sách dành đến người có uy tín; tăng cường trang thiết bị cho hệ thống y tế cơ sở, tăng chi cho bảo hiểm y tế; bảo tồn tiếng nói, tiếng hát, chữ viết của đồng bào dân tộc…
Xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Phát biểu tại họp mặt, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Phước Lộc ghi nhận thành tích và cảm ơn 200 đại biểu đại diện cho hơn 468.000 đồng bào dân tộc trên địa bàn TP về dự buổi họp mặt đầu năm. Các đại biểu là đại diện tiêu biểu trên các lĩnh vực công tác; là hạt nhân nòng cốt kết nối tinh thần đoàn kết trong dân tộc và cộng đồng các dân tộc; là cầu nối hiệu quả, vững chắc giữa cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ với đồng bào các dân tộc; vận động người dân tham gia tích cực vào phát triển kinh tế, quan tâm giảm nghèo bền vững, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình mục tiêu Quốc gia, các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội… tại địa phương, góp phần tích cực vào xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của TP trong sự nghiệp xây dựng và phát triển, bảo vệ Tổ quốc.
Với tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, một trong những yếu tố rất quan trọng để quyết định mọi thắng lợi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển TP, đồng chí Nguyễn Phước Lộc cho biết, thời gian qua, TPHCM đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm quan tâm, chăm lo đến đồng bào các dân tộc, hướng đến sự phát triển của đồng bào dân tộc hòa chung với sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Theo đó, TP đã đẩy mạnh triển khai lồng ghép nhiều chính sách để hỗ trợ các dân tộc như: miễn học phí, hỗ trợ học tập, vay vốn tín dụng, đào tạo nghề, đào tạo việc làm đến đồng bào các dân tộc; tạo điều kiện tổ chức được nhiều lễ hội mang tính đặc trưng theo tập quán cộng đồng của các dân tộc như lễ hội nguyên tiêu, lễ hội đua ghe ngo…
Đồng chí Phạm Thị Hồng Hà cùng các đại biểu tại họp mặtĐồng chí Nguyễn Phước Lộc ghi nhận nhiều trí thức trẻ là người đồng bào dân tộc được đào tạo chính quy đã bổ sung vào nguồn nhân lực khoa học công nghệ, đội ngũ trí thức của TP; nhiều cá nhân, doanh nghiệp là đồng bào các dân tộc đã tham gia tích cực vào hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là hoạt động bảo trợ xã hội. Những mô hình sản xuất giỏi, cá nhân tiêu biểu trong học tập, lao động sản xuất và công tác của đồng bào các dân tộc xuất hiện ngày càng nhiều và chất lượng ngày càng cao.
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM chủ trì, phối hợp chặt chẽ với HĐND, UBND TP tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Đặc biệt, thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết 43 của Trung ương về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; triển khai đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hỗ trợ giáo dục, đào tạo đến người dân tộc trên địa bàn TPHCM giai đoạn từ nay đến năm 2030. Bên cạnh đó, tiếp tục có giải pháp thực hiện Chương trình hành động Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 sát với điều kiện thực tiễn ở địa bàn TP.
Thay mặt Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, đồng chí Nguyễn Phước Lộc đề nghị cấp ủy 22 quận, huyện, Thành ủy Thủ Đức và lãnh đạo chính quyền của 22 quận, huyện, TP Thủ Đức khi triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cần chú trọng quan tâm, đặc biệt lồng ghép các chính sách để thực hiện xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương. Đồng thời, chỉ đạo phối hợp giữa UBND các cấp với MTTQ Việt Nam trong việc tổ chức các hoạt động, vừa phát huy các cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, vừa đảm bảo chăm lo để đồng bào các dân tộc được thụ hưởng ngày càng tốt hơn các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước đặc biệt của TP trong năm 2025.