Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Nhìn lại 25 năm quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ David Stilwell phát biểu tại Lễ khởi động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (1995-2020). (Ảnh: TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Cách đây 25 năm, đêm 11/7/1995 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam; rạng sáng ngày 12/7/1995 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Kiệt đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ. Đây là kết quả của một hành trình dài với những nỗ lực bền bỉ của cả hai bên, có ý nghĩa đặc biệt, gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước.

Có thể khẳng định, việc 2 nước ký kết quan hệ ngoại giao là một “kỳ tích” ngoài mong đợi. Đây là một quyết định có ý nghĩa lịch sử, đưa quan hệ 2 nước sang chương mới, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Sau 25 năm nhìn lại, có thể thấy sự khởi đầu tốt đẹp đó đã làm tiền đề cho bước phát triển của quan hệ hai nước, vượt lên trên kỳ vọng của cả người ngoài cuộc và trong cuộc. Có thể khái quan mối quan hệ đó trên một số lĩnh vực cơ bản sau:

Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao

Tháng 8/1995, Mỹ và Việt Nam nâng cấp Phòng liên lạc được thiết lập vào tháng 1/1995 của hai nước thành Đại sứ quán. Quan hệ hai nước ngày càng thắt chặt hơn khi liên tục có những chuyến thăm cấp cao. Về phía Mỹ, 4 đời tổng thống Mỹ đều thăm Việt Nam: Bill Clinton (năm 2000), George W. Bush (năm 2006), Barack Obama (năm 2016) và Donald Trump (năm 2017). Việt Nam cũng có các chuyến thăm Mỹ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 2005), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (năm 2007), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2008), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2013), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2015), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (năm 2017)… Các chuyến thăm này đã tăng cường sự hiểu biết, tạo đà cho quan hệ, thông qua các tuyên bố để thiết lập các khuôn khổ mà trong đó quan trọng nhất là quan hệ đối tác toàn diện trên tất cả lĩnh vực giữa hai nước.

Bên cạnh đó, nhiều chính khách nổi tiếng của Mỹ lẫn Việt Nam đều rất coi trọng quan hệ này và đã thực hiện các chuyến thăm hoặc tiến hành tổ chức các hoạt động nhằm thắt chặt quan hệ hai nước. Về phía Việt Nam, tiêu biểu là Đại sứ Lê Văn Bàng, cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm; phía Mỹ, tiêu biểu là Ngoại trưởng John Kerry, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và Thượng nghị sĩ John McCain. Gần đây nhất, vào ngày 27/8/2019, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã có chuyến thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và cầu Hiền Lương. Có thể khẳng định, đây là chuyến thăm mang tính biểu tượng của sự hòa giải và tôn trọng lẫn nhau. Chiến tranh đã khép lại, hai bên cùng hướng đến tương lai. Trong khi khép lại quá khứ, hai bên vẫn nỗ lực giải quyết những vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh, như tìm kiếm người Mỹ mất tích, tháo gỡ bom mìn, tẩy độc dioxin… để hướng tới một sự phát triển toàn diện.

Trên lĩnh vực kinh tế

Năm 1994, khi Mỹ vừa bỏ cấm vận Việt Nam, thương mại 2 chiều mới khoảng 500 triệu USD thì đến nay đã trên 75 tỷ USD, gấp hơn 150 lần. Trong khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, kinh tế Mỹ bị thách thức bởi thâm hụt lớn tài khoản vãng lai, tỷ lệ tiết kiệm giảm và mất cân bằng nghiêm trọng trong lĩnh vực tài chính. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều tập đoàn, công ty lớn của Mỹ tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Thực tế cho thấy, trước đây, Việt Nam đã thu hút hàng loạt tên tuổi lớn của Mỹ như Intel, Microsoft, Jabil, Microchip, IBM, P&G, Coca-Cola, PepsiCo. Tiếp sau đó, các tập đoàn Boeing, Chevron, AIG, Exxon Mobil, General Electric... cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Gần đây, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song nhiều thông tin cho thấy Việt Nam tiếp tục thu hút các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Google và cả Apple. Hiện tại, tập đoàn Ford đã quyết định gia tăng năng lực sản xuất bằng việc đầu tư nhà máy lắp ráp tại Hải Dương; General Electric cũng đã tăng vốn đầu tư vào nhà máy tua bin gió ở Hải Phòng; tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ là AES được cấp phép triển khai dự án khí LNG ở Sơn Mỹ; các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon đã có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam…

Qua quá trình hợp tác, Việt Nam có thể tận dụng các khoản đầu tư của Mỹ vào những ngành, lĩnh vực đặc biệt đang cần để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đó là những ngành công nghệ cao có thể đem lại giá trị sản xuất cao hơn, chuyển giao các công nghệ quan trọng trong chiến lược phát triển khoa học, kỹ thuật của Việt Nam; ngược lại Mỹ rất cần hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá thành cạnh tranh như giày da, nông thủy sản của Việt Nam... Hiện tại, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam khoảng 11 tỷ USD. Trong chuyến gặp gỡ 45 doanh nghiệp Mỹ xúc tiến đầu tư vào Việt Nam (5/2020), ông Alex Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (US-ABC), cho biết Việt Nam là một điểm sáng về đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài vài năm trở lại đây, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Mỹ.

Trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng

25 năm qua, hợp tác an ninh - quốc phòng giữa hai nước có những bước phát triển nhanh chóng, đánh dấu bằng việc tổ chức ngày càng nhiều các hoạt động đối thoại an ninh chính trị, quân sự cấp cao nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau. Trên cơ sở triển khai Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng được hai bên ký vào tháng 9/2011, quan hệ song phương trong lĩnh vực này tiếp tục được thúc đẩy. Mỹ sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, đào tạo nhân viên cho lực lượng thực thi luật pháp trên biển của Việt Nam, cũng như hỗ trợ cho Việt Nam một số trang thiết bị cho lực lượng thực thi luật pháp trên biển (cung cấp các tàu, xuồng tuần tra trên biển), hợp tác về lĩnh vực quân y và tham vấn cơ chế quốc phòng giữa các nước ASEAN, ASEAN mở rộng.

Đến tháng 6/2015, hai nước đã ký kết Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ với 5 nội dung lớn gồm: Tăng cường tham vấn chính sách; hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn và tẩy độc điôxin; hợp tác gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu trợ; hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật pháp mỗi bên. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 8/2017 của Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu, hai bên đã khẳng định quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục được phát triển phù hợp với Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng, Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng và khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Đặc biệt, trong năm 2017, Mỹ đã chuyển giao cho Việt Nam một tàu cảnh sát biển (Việt Nam đặt tên là tàu Cảnh sát biển 8020 - tàu Cảnh sát biển hiện đại nhất Việt Nam). Đây từng là Tàu tuần duyên Morgenthau lớp Hamilton thuộc lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ, được chính phủ Hoa Kỳ chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam thông qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA). Tháng 3/2018, lần đầu tiên một tàu sân bay của Mỹ (tàu USS Carl Vinson) đã đến thăm Việt Nam. Trong vòng 3 năm (1917 - 2020), lực lượng Tuần duyên Mỹ đã chuyển giao 24 xuồng tuần tra cho Việt Nam.

Tháng 3/2020, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã vào cảng Đà Nẵng, thực hiện chuyến thăm Việt Nam để tiến hành các hoạt động giao lưu về nhân đạo và hữu nghị nhân kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Theo Tổng Lãnh sự Mỹ tại TPHCM Marie Damour: “chuyến thăm của USS Theodore Roosevelt là một biểu tượng quan trọng của sự hợp tác an ninh chặt chẽ và ngày càng tăng giữa hai nước, đồng thời thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Cũng theo dự kiến, trong năm 2020, Mỹ sẽ tiếp tục bàn giao cho Việt Nam con tàu lớp Hamilton thứ hai.

Tóm lại, 25 năm không phải là quãng đường dài trong lịch sử quan hệ hai nước, song những gì Việt Nam và Mỹ đạt được thực sự ấn tượng. Để lại đằng sau nhiều nghi kỵ và hận thù, quan hệ Việt - Mỹ đã bước sang một trang hoàn toàn mới với sự hợp tác vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục gạt bỏ khác biệt, tôn trọng lịch sử và hướng về phía trước, vì một tương lai chung lòng tin, hòa bình và thịnh vượng.

TS Lê Hoàng Việt Lâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo