(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 10/9, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) tổ chức hội thảo khoa học “Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực điện ảnh” với sự tham gia của các nhà đạo diễn, nghệ sỹ, nhà quản lý và doanh nghiệp (ảnh).
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Tạ Quang Đông cho rằng: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có điện ảnh. Điện ảnh là một trong những ngành có tính xã hội hóa, khả năng thực tế cao, với sự phát triển mạnh của công nghệ không dây, có dây công nghệ cao cùng với truyền hình, cáp quang vệ tinh, điện thoại 3,4,5 G, thiết bị thu hình có khả năng trình chiếu kĩ thuật cao... khi ngày nay có thể mang cả rạp chiếu phim về nhà. Công nghệ đã làm thay đổi cơ bản phương thức truyền thông cũng như hình thức tiếp cận với tác phẩm điện ảnh của nhân dân.
“Công nghệ số gần như đã làm thay đổi hoàn toàn điện ảnh truyền thống. Trong xu thế phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, ngành văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng cần phải có giải pháp nhằm phát huy tối đa lợi thế, hạn chế mức tối thiểu khó khăn, thách thức khi tiếp cận để phát huy hiệu quả thuận lợi mà cách mạng 4.0 mang đến. Để tiệm cận và làm chủ thành tựu khoa học công nghệ, đòi hỏi nhận thức của các cá nhân, cơ quan cần có sự thay đổi, cần tận dụng triệt cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cần có thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, có khả năng sáng tạo nếu không sẽ bỏ lỡ lợi thế ưu việt mà khoa học công nghệ mạng lại” - Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Xoay quanh nội dung này, 25 tham luận của các nhà quản lý, đơn vị phát hành, nhà sản xuất đã tập trung làm rõ 3 nhóm vấn đề: Tác động, thuận lợi, khó khăn, thách thức khi ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực điện ảnh; các xu hướng trong sản xuất, phổ biến, lưu trữ, tác quyền, quản lý, thống kê; đào tạo nhân lực trong xu hướng mới, đáp ứng nhu cầu xã hội. Các đại biểu nhất trí xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không thể đảo ngược, tạo cơ hội cho những nền điện ảnh chưa có nhiều thành tựu như Việt Nam “đi tắt đón đầu” ở tất cả các khâu trong quy trình: Kịch bản, kỹ xảo, thiết kế mỹ thuật, quay phim, quảng cáo, phát hành… Điều này dẫn đến ngày nay ai cũng có thể làm phim và phim không nhất thiết phải ra rạp mà có thể phát hành trên mạng internet.
Theo Tiến sỹ Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ VHTT-DL hiện nay, điện ảnh được xem là ngành công nghiệp văn hóa. Mục tiêu của ngành điện ảnh là đến năm 2020 đạt khoảng 150 triệu USD, trong đó phim Việt Nam đạt 50 triệu USD; đến năm 2030 đạt 125 triệu USD, phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD. Để đáp ứng nhu cầu phát triển điện ảnh trong tình hình mới, việc cập nhật, hoàn thiện thể chế, chế định pháp luật để phát triển điện ảnh trong thời đại cách mạng nghệ nghiệp lần thứ 4 là điều cần được nghiên cứu cẩn trọng. Cùng chung quan điểm này ông Duy Anh, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho rằng điện ảnh thực sự là một “con gà đẻ trứng vàng” khi đem lại lợi nhuận khổng lồ. Vì thế việc nắm bắt công nghệ 4.0 sẽ đem lại cho ngành nhiều cơ hội nếu nhập cuộc nhanh.
Cũng tại hội thảo, một số đại biểu đã đưa ra nhận định về tương lai điện ảnh Việt Nam ở thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đưa ra nhiều giải pháp để điện ảnh thay đổi không chỉ nhiều hơn về số lượng mà có chiều sâu về chất lượng. Trong đó có đề cập tới việc Nhà nước cần tạo điều kiện về chính sách để doanh nghiệp ngoài nhà nước được tham gia vào hoạt động điện ảnh, nhất là trong sản xuất phim ứng dụng, chuyển giao công nghệ điện ảnh; hợp tác công - tư trong xây dựng các trung tâm chiếu phim hiện đại; xây dựng tác phẩm điện ảnh lớn sử dụng kỹ xảo; lưu trữ và phổ biến phim bằng công nghệ cao. Nhà nước cần đẩy mạnh đào tạo ở nước ngoài các các tài năng, nhân lực trong việc ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy sáng tạo trong quá trình xây dựng tác phẩm điện ảnh…
Hiện nay, điện ảnh thế giới đã khai thác tiềm năng, lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam cũng cần nằm vững xu thế này để thay đổi tư duy, hành động để tìm ra cách thức riêng chinh phục thị hiếu người xem, làm cho điện ảnh đến gần hơn với công chúng, tác động tích cực vào công chúng và chiếm được thị phần lớn hơn, tạo nguồn lực từng bước xây dựng nền điện ảnh Việt Nam hiện đại, nhân văn, mang bản sắc dân tộc…
Các ý kiến tại hội thảo lần này sẽ được Ban tổ chức tiếp thu, sử dụng để tham khảo khi xây dựng các chủ trương, chính sách của ngành điện ảnh trong thời gian tới.