Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Ngành Kiểm tra Đảng vẻ vang truyền thống “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy”

(Thanhuytphcm.vn)- Là một chính đảng tiền phong cách mạng, ngay từ khi mới thành lập cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là khi đã trở thành đảng cầm quyền, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra và vấn đề giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của Đảng, luôn xác định: Công tác kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, muốn lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Do đó công tác kiểm tra của Đảng đã được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm theo dõi và thành lập riêng bộ máy kiểm tra chuyên trách. Điều lệ Đảng tháng 10/1930 đã ghi rõ: “Trách nhiệm của đảng viên và các đảng bộ là giữ theo kỷ luật của Đảng một cách rất nghiêm khắc”.

Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước sự phát triển của tổ chức Đảng, công tác kiểm tra cần được tăng cường, ngày 16/10/1948 tại An toàn Khu Định Hóa - Thái Nguyên Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khoá I) ban hành quyết nghị số 29/QN/TW (do Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh - tức Thận ký) thành lập Ban Kiểm tra Trung ương. Quyết nghị có đoạn ghi: “...Trung ương quyết định thành lập Ban Kiểm tra, đi xuống các khu xét xem chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng...”. Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên gồm 3 Đồng chí là: Trần Đăng Ninh, Nguyễn Thanh Bình, Hà Xuân Mỹ (tức Hà Minh Quốc), do đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng ban. Dưới ban Kiểm tra Trung ương là các phái viên có nhiệm vụ “đi xuống các khu xem xét chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát, đúng không? đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để tiếp thu kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết cho chính sách của Đảng”.

Sau Ban Kiểm tra Trung ương, các ban kiểm tra của khu ủy, liên khu ủy lần lượt được thành lập, như: Ban Kiểm tra Khu ủy Khu X thành lập tháng 10/1948, Ban Kiểm tra Liên Khu ủy Khu V thành lập tháng 4/1949, Ban Kiểm tra Khu ủy Khu I thành lập tháng 7/1949, Ban Kiểm tra Liên Khu ủy Việt Bắc thành lập tháng 12/1949…

Sự ra đời của Ban Kiểm tra Trung ương - Cơ quan Kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng là một tất yếu khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây cũng là căn cứ để Thường vụ Bộ Chính trị khoá VIII đồng ý lấy ngày 16/10/1948 là Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng.

Từ khi ra đời đến nay, cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng đã nhiều lần được bổ sung, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, phát triển về tổ chức và đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ của từng giai đoạn khác nhau.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị: “Ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiêm Ban Thanh tra của Chính phủ, có trách nhiệm kiểm tra cả trong quân đội”, vì vậy, Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra Chính phủ hợp nhất làm một, đồng chí Hồ Tùng Mậu, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương được cử kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Ngày 25/4/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 263/SL cử Đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Trưởng ban kiểm tra Trung ương kiêm chức Tổng thanh tra Chính phủ.

Tháng 4 năm 1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 16/CTTW quy định: “Về nội dung công tác Ban Kiểm tra của Đảng ở các cấp chỉ chuyên trách kiểm tra việc giữ gìn kỷ luật ở các cấp và xét đơn khiếu nại của các đảng viên về các vụ thi hành kỷ luật ở cấp dưới. Còn vấn đề kiểm tra việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ do Ban thanh tra của chính quyền ở các cấp giúp cấp uỷ và Ủy ban hành chính tiến hành”. Từ đó đến nay, ngành Kiểm tra của Đảng và Thanh tra của chính quyền được tách riêng.

Ngày 6/3/1956, Bộ Chính trị khóa II ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về việc tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra và kiện toàn tổ chức ban kiểm tra các cấp. Từ đó, ban kiểm tra các khu ủy, tỉnh ủy, thành ủy được thành lập. Đến cuối nhiệm kỳ Đại hội II, Ban kiểm tra đã được thành lập từ Trung ương đến cấp khu và cấp tỉnh, thành.

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Ban Kiểm tra các cấp được đổi tên thành Ủy ban Kiểm tra, trong Điều lệ Đảng cũng quy định: “Ban Chấp hành Trung ương, các Ban Chấp hành khu tự trị, tỉnh, thành phố trực thuộc, huyện, quận, thị, thành phố và khu phố (thuộc thành phố trực thuộc) cử ra Ủy ban Kiểm tra của cấp mình gồm một số ủy viên trong Ban Chấp hành. Ngoài ra, có thể cử một số ủy viên ngoài Ban Chấp hành”.

Để tăng cường công tác xây dựng Đảng, quản lý, kiểm tra các cơ sở đảng và đảng viên ở Đảng bộ miền Nam, ngày 14/8/1969 tại tỉnh Tây Ninh, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết số 13/NQ về việc thành lập Ban Kiểm tra các cấp nhằm: “... Giữ gìn và đề cao kỷ luật trong Đảng, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng…”. Ban Kiểm tra Trung ương Cục được thành lập gồm 3 đồng chí: Phan Văn Đáng (Hai Văn), Phó Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng Ban; đồng chí Hai Mai, Phó Ban Tổ chức Trung ương Cục và đồng chí Nguyễn Văn Trọng làm Ủy viên. Nơi làm việc của Ban Kiểm tra Trung ương Cục tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Sau ngày 30/4/1975, Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam hợp nhất vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, Điều lệ Đảng quy định Đảng ủy cơ sở được cử Ủy ban Kiểm tra. Như vậy, từ Đại hội V đến nay, Ủy ban Kiểm tra được thành lập thành một hệ thống hoàn chỉnh và thống nhất từ Trung ương đến Đảng ủy cơ sở.

Từ ngày thành lập đến nay, cùng với việc phát triển về tổ chức, qua mỗi nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, nhiệm vụ của Ủy ban Kiểu tra lại được bổ sung, sửa đổi và quy định trong Điều lệ Đảng. Từ nhiệm vụ phục vụ cấp ủy kiểm tra việc thực hiện đường lối kháng chiến kiến quốc, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xem xét tư cách và cách làm việc của cán bộ, đảng viên, xem xét những việc bất thường xảy ra, kiểm tra những vụ đảng viên làm trái Điều lệ, vi phạm kỷ luật Đảng và Pháp luật Nhà nước, vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, vi phạm đạo đức cách mạng của người đảng viên, giải quyết thư tố cáo và khiếu nại kỷ luật, kiểm tra tài chính của Đảng, đến kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức đảng ở cấp dưới, kiểm tra thực hiện chỉ thị, nghị quyết (thường gọi là kiểm tra chấp hành); kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm…

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Điều lệ Đảng quy định tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên cho Ủy ban kiểm tra từ cấp huyện ủy, quận ủy và tương đương trở lên; quy định cơ quan Ủy ban kiểm tra cấp trên hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo Ủy ban kiểm tra cấp dưới thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã được bổ sung nhiệm vụ “Giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, nghị quyết của cấp ủy và đạo đức, lối sống...”. Riêng thẩm quyền xem xét kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra đã được quy định từ Điều lệ Đảng khóa III, theo đó, Ủy ban Kiểm tra từ cấp huyện ủy, quận ủy, thị ủy trở lên có quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên, kể cả cán bộ thuộc diện cấp trên quản lý, nhưng không phải cấp ủy viên; quyền chuẩn y hoặc thay đổi hình thức kỷ luật trong việc giải quyết khiếu nại kỷ luật của đảng viên.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra luôn trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhất là trong việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Gắn với các nhiệm vụ đó, Ủy ban kiểm tra các cấp đã đề xuất, tham mưu các chương trình kiểm tra và thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, góp phần quan trọng vào công cuộc phòng chống quan liêu, tham nhũng; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Phát huy những kết quả đạt được, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành ở tất cả các lĩnh vực, các ngành, các địa phương với phương châm quyết liệt, không có vùng cấm, công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng, chặt chẽ theo đúng các nguyên tắc, phương pháp. Cùng với đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, giúp Bộ Chính trị sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định mới về công tác kiểm tra, giám sát phù hợp hơn với thực tiễn.

Đại hội XIII cũng đã đánh giá cao hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng nhờ có đổi mới. Đây là điều rất đáng ghi nhận vì, từ sau Đại hội XII, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; những vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên được xử lý nghiêm minh, không có “ngoại lệ”, không có “vùng cấm”. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường không chỉ có tác dụng giáo dục những cá nhân, tổ chức có vi phạm mà còn “có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”. Đại hội XIII đánh giá cao kết quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng ở cấp Trung ương vì những hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII đã tạo ra được niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, khắc phục được tình trạng thiếu kiên quyết xử lý vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định, trong những năm qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã chủ động phối hợp với các tổ chức đảng có liên quan tham mưu và tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy giao, trong đó tham gia phục vụ nhiều cuộc vận động lớn, làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của Đảng, như: Thực hiện 3 chống (chống tham ô, lãng phí, quan liêu) ở ngành mậu dịch trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; thực hiện Nghị quyết 228-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa III về chống và bài trừ tệ lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, tệ làm ăn phi pháp; thực hiện Chỉ thị 192-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương khóa III về việc đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng; kiểm tra thực hiện “chế độ lãnh đạo có kiểm tra” theo Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư khóa V; thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VII về ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng, buôn lậu; thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII...; thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua việc thực hiện các nhiệm vụ này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp đã phục vụ đắc lực, giúp các cấp ủy đảng trong mỗi đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình, góp phần giải quyết kịp thời các vụ việc bức xúc, nổi cộm, ban hành một số quy định để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết…

Suốt chặng đường lịch sử hơn 70 năm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, tích cực và chủ động thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ do cấp ủy giao. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đã giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn cuộc sống. Công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, giúp các cấp ủy đảng làm hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết toàn dân, toàn quân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo