Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững

Đồng chí Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới” (Ảnh: VGP)

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 4/12, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”.

Nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Nghị quyết mới về đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, cơ bản đã đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục, giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước trong giai đoạn mới đòi hỏi phải tiếp tục mở rộng, đổi mới và nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân…

Về quan điểm, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới” đưa ra 4 nhóm quan điểm vừa có tính kế thừa, phát huy, vừa có tính đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Cụ thể, chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước; là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội; thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; tạo điều kiện để Nhân dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hóa xã hội, bảo đảm an sinh cho Nhân dân trong quá trình phát triển.

Đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển. Chú trọng huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đúng mục tiêu, phù hợp với khả năng của nền kinh tế, thu nhập của Nhân dân, trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng; kết hợp nguồn lực trong nước và ngoài nước. Đổi mới công tác quản lý nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền; phát huy (tính chủ động sáng tạo của người dân - đây là chính sách Nhà nước phải làm) vai trò chủ thể của Nhân dân, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Nhà nước, tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng và Nhân dân trong quản lý phát triển xã hội bền vững.

Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; động viên sự tham gia tích cực của Nhân dân, doanh nghiệp; khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường; phát huy truyền thống tương thân tương ái, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng chí Phạm Minh Chính đã nêu rõ những điểm mới nổi bật của Nghị quyết này. Trong đó, Nghị quyết 42–NQ/TW có sự điều chỉnh về tiếp cận, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội. Nghị quyết kết hợp hài hòa giữa tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, các chính sách xã hội khác để bảo đảm ổn định xã hội, đồng thời tập trung cho phát triển, tiến bộ xã hội thông qua phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, phát triển tầng lớp trung lưu gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững và làm động lực phát triển kinh tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM. Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM.

Về phạm vi, Nghị quyết 42–NQ/TW đã mở rộng ra toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn dân, toàn diện, bao gồm 5 nhóm. Đó là chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực; chính sách bảo đảm an sinh xã hội; chính sách về nâng cao phúc lợi xã hội và bảo đảm tiếp cận dịch vụ xã hội; chính sách đối với nhóm yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết 42–NQ/TW xác định rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng; hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế. Nghị quyết cũng xác định tầm nhìn đến năm 2045 là hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới.

Đối với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đồng chí Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết 42–NQ/TW đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mang tính tổng thể, hệ thống, toàn diện. 

Nêu bật một số điểm trọng tâm cần lưu ý trong Nghị quyết 42–NQ/TW, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến việc tập trung xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, bền vững và hội nhập (bảo đảm việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực). Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường).

Đối với việc xây dựng nhà ở xã hội, đáng lưu ý là Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030; xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai…

Cùng với đó là phấn đấu Việt Nam là quốc gia tiên phong trong Chương trình thúc đẩy toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội hướng đến chuyển đổi công bằng theo sáng kiến của Liên hiệp quốc và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo