Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Năm 2019: Cả nước đã giảm 18 cơ quan báo chí

Quang cảnh Hội nghị báo chí toàn quốc ngày 28/12 tại Hải Phòng

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 28/12, tại Thành phố Hải Phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, phối hợp tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Đến dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; cùng nhiều Bộ, ban, ngành, cơ quan truyền thông, báo chí trên cả nước.

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng, năm 2019 là năm công tác báo chí có nhiều dấu ấn quan trọng: Năm đầu thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí tiếp tục được tăng cường cả về nội dung thông tin lẫn công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, nâng cao kỷ luật, kỹ cương trong hoạt động báo chí. Nhiều cơ quan báo chí chú trọng đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng nội dung, hình thức thể hiện các chương trình, tin bài, đặc biệt là các tuyến tin bài thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo; các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội…

Về việc thực hiện Quy hoạch báo chí, trong 11 tháng đầu năm 2019, cả nước đã giảm 18 cơ quan báo chí so với năm 2018. Tính đến ngày 30/11/2019, có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh-truyền hình với 2 đài Quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình. Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí (cả 4 loại hình), trong đó có 20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục được tăng cường. Những sai phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục được được xử lý, đảm bảo để các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đúng quy định của pháp luật về báo chí. Có cơ quan báo chí vi phạm đã bị đình bản có thời hạn, một số nhà báo vi phạm đã bị thu hồi thẻ nhà báo. Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đã góp phần duy trì trật tự, kỷ cương trong hoạt động báo chí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Năm 2019, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ quan báo chí với tổng số tiền trên 675 triệu đồng, trong đó 6 trường hợp lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và 23 trường hợp báo, tạp chí in, điện tử. Các hành vi bị xử phạt chủ yếu là hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.

Việc kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp được đẩy mạnh. Cơ quan quản lý nhà nước đã xử phạt 8 tạp chí điện tử với tổng số tiền trên 205 triệu đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu là thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động chuyên trang không phép, hoạt động tạp chí điện tử không phép.

Theo đồng chí Lê Mạnh Hùng, trong năm 2020 tiếp tục tăng cường lãnh đạo sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý với Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đảm bảo đúng tiến độ và lộ trình, kịp thời đề xuất, kiến nghị các biện pháp, giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng để báo chí thực hiện tốt sứ mạng của báo chí cách mạng, tạo đồng thuận xã hội vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, sự phát triển đất nước bền vững.

Các cơ quan chức năng tiếp tục ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong hoạt động quản lý báo chí theo hướng hiện đại hóa, vận hành có hiệu quả hệ thống lưu chiểu điện tử Quốc gia. Có biện pháp đấu tranh hiệu quả với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới vào Việt Nam để gỡ bỏ những thông tin sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam, và đẩy mạnh việc quản lý bản quyền báo chí nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất nội dung trong nước.

Ngọc Trương


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo