Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Lòng đạo xin tròn một tấm gương - thông điệp xuyên thời gian

Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”

(Thanhuytphcm.vn) - Nguyễn Đình Chiểu ra đời cách nay đúng 200 năm. Cuộc đời ông trải qua nhiều bi tráng, song tuyệt nhiên, không một tì vết. Nhân cách, thái độ sống, lao động nghệ thuật ở ông để lại, quả là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

1. Hội thảo khoa học và kỷ niệm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Ngày 23/11/2021, tại Paris (Pháp), Đại hội đồng UNESCO họp và ra nghị quyết số 41C/15 về việc UNESCO cùng kỷ niệm lần thứ 200 Ngày sinh nhà thơ của Nguyễn Đình Chiểu. Ông được vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới, và là người thứ 6 của Việt Nam có danh hiệu này, sau Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh.

Tại thành phố Bến Tre và huyện Ba Tri, nơi Nguyễn Đình Chiểu sống và tạ thế (1888) đã diễn ra long trọng, trang nghiêm, ấm cúng lễ tôn vinh và tưởng nhớ nhà thơ yêu nước đặc biệt này vào ngày 29 và 30/6/2022.

200 năm trôi qua, kể từ khi ra đời (1822) ở Gia Định và 26 năm sống ở Ba Tri trong cảnh: “Bờ cõi đà chia đất khác/Nắng sương nay khá đội trời chung?” của những ngày tháng đất nước dần rơi vào tay thực dân Pháp, thì nơi xứ dừa cùng đất cuối trời vẫn bừng sáng khí phách một nhà thơ mù lòa.

Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” quy tụ hơn trăm nhà khoa học trên các lĩnh vực thơ văn, văn hóa nghệ thuật của cả nước và các chuyên gia của Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc,… đã có bài viết trình bày, thảo luận sôi nổi. Lại có cả những phát biểu, tâm sự xen chút tự hào của những người không chuyên khoa học, nhưng là tiếng nói nóng hổi từ thực tế đời sống văn hóa gắn với cụ Đồ Chiểu – Danh nhân của quê hương họ, cho thấy sức sống lâu bền và sự lan tỏa tự nhiên của tâm hồn nhà thơ từ lâu thuộc về nhân dân.

Con đường tỉnh lộ, liên huyện từ Thành phố Bến Tre về Ba Tri qua huyện Châu Thành, Giồng Trôm, những ngày này phấp phới cờ và mơn man gió mát của những vườn dừa xanh trĩu quả. Đã có sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể của trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và địa phương tỉnh huyện, có đại diện của UNESCO tại Việt Nam trong việc tổ chức Hội thảo và Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Mấy chục tham luận được trình bày và thảo luận trong suốt một ngày diễn ra nhẹ nhàng, thông suốt, có chất lượng nhờ vào sự chọn lọc và điều hành của Ban tổ chức.

Điều vui là đại biểu nào cũng được tặng quà kỷ niệm - Đó là các cuốn: Sáng tạo Văn hóa nghệ thuật về Nguyễn Đình Chiểu (780 trang); Nguyễn Đình Chiểu – Danh nhân văn hóa thế giới (960 trang); Hướng tới 200 năm nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu (1.200 trang); Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay (2 tập, 1.610 trang). Tất cả đều có trang khổ lớn, giấy đẹp, bìa cứng. Hàng trăm bài viết của các tác giả từ năm 1938 đến nay được chọn lọc, biên tập khá công phu cho thấy Nguyễn Đình Chiểu trước khi được quốc tế vinh danh đã là một nhân cách, tên tuổi lớn về nhiều phương diện. Đó là chưa kể báo Đồng Khởi (Tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre) dành hẳn một số đặc biệt - 36 trang khổ lớn và Tạp chí Xưa - Nay (Cơ quan Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) cũng ra chuyên san 98 trang. Chừng ấy tư liệu đã làm nên một thư viện nhỏ về Nguyễn Đình Chiểu.

Ngay tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cũng được làm mới, đầu tư phòng trưng bày các tác phẩm và sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, khởi nguồn, chịu ảnh hưởng từ sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu.

Bìa tạp chí Xưa - Nay, đặc san về Nguyễn Đình Chiểu Bìa tạp chí Xưa - Nay, đặc san về Nguyễn Đình Chiểu

Lễ kỷ niệm ngày sinh, lễ dâng hương và sân khấu dung chứa hơn 200 khách dự trong đêm hè dịu mát làm mọi người thêm tưởng nhớ, cảm phục, vong linh người xưa.

Có lẽ, ấn tượng khó quên nhất là được tận mắt nhìn những bức vẽ minh họa truyện thơ, các bài thơ Hán - Nôm, lời điếu, văn tế về những nhân vật cùng thời với tác giả, nét vẽ của các họa sĩ xưa. Tất cả gợi một cảm giác gần gũi, dễ thương, phân minh, rạch ròi,… Điều này tạo sức hút với người thưởng lãm.

2. Tấm gương sáng cho mọi người noi theo

Có khá nhiều bài viết, tìm hiểu, trao đổi về tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu xung quanh chữ “đạo”. Cố nhiên để đạt học vị tú tài (1843) ông đã trải qua thời gian trau dồi chữ Hán và tắm mình trong các kinh sách, luân lí đạo Nho đương thời.

Nếu không có biến cố gia đình (mẹ mất 1848) và Pháp xâm lược (1858), triều đình nhà Nguyễn cắt đất 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1862), ông và gia đình phải chạy về Cần Giuộc và Ba Tri (Bến Tre) thì không chừng Nguyễn Đình Chiểu trở thành cử nhân, tiến sĩ, hanh thông trong hoạn lộ. Tư tưởng đạo Nho trong ông có phần thay đổi bởi giặc Tây xuất hiện:

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây

Một bàn cờ thế phút sa tay

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy

Mất ổ, bầy chim dáo dác bay

Thời cuộc tao loạn, dù là môn sinh của chữ nghĩa thánh hiền, ông tiên cảm triều đình không chống nổi trận cuồng phong của thực dân từ phương Tây tới. Bản thân ông nhập vào dân đen chuẩn bị hứng chịu tang thương sẽ đến. Trong hoàn cảnh ấy, con người chỉ có thể tin ở chính mình và tu dưỡng, ứng xử theo đạo làm người của cha ông. Bởi vậy, sự xuất hiện của truyện Lục Vân Tiên sáng tác sau khi mẹ Nguyễn Đình Chiểu mất, cho đến trước năm 1861 (Pháp chiếm Cần Giuộc) đã trở thành nguồn sống tinh thần cho bà con ít chữ ở Nam Bộ.

Trước đèn xem truyện Tây Minh

Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe

Dữ răn việc trước, lành dè thân sau

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh là câu trau mình …

Với 2.080 câu thơ, truyện Lục Vân Tiên gần như là bản tự thuật chính cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu: học giỏi đậu tú tài, đi thi tiếp, mẹ mất, bỏ thi về chịu tang, mù lòa, bị bội ước, kiếm sống bằng dạy học và bốc thuốc, gặp người vợ hiền và sống hạnh phúc tuổi già.

Người dân Nam Bộ rất thích truyện thơ này, họ thường kể chuyện về sự tích nhân vật, yêu mến những người như Lục Vân Tiên, Tử Trực, Hớn Minh, Nguyệt Nga và ghét bỏ Trịnh Hầm, Bùi Kiệm, Võ Thể Loan… Đạo nghĩa, chính tà gắn với các nhân vật trong truyện như một hệ nhân quả. Điều đáng nói truyện thơ Nôm này được in thành sách khá sớm (1865), được dịch ra tiếng Pháp (1883) khi tác giả còn sống. Giới nghiên cứu, sưu tầm các ấn bản truyện Lục Vân Tiên cho biết hiện nay có 13 bản. Bản có nhiều tranh màu minh họa, trưng bày tại lễ kỷ niệm năm nay là bản được in vào năm 1897 dưới triều vua Thành Thái thứ 9.

Nguyễn Đình Chiểu còn tác phẩm dài hơn là Dương Từ Hà Mậu (1859) và Ngư Tiều vấn đáp Y thuật (khoảng 1874-1888). Bằng những câu chuyện xa xưa ở bên Trung Quốc, nhà thơ ám chỉ hiện thực xảy ra trên đất nước mình đang sống, đang bị kẻ thù xâm lược. Ông bất bình vì triều đình vua Tự Đức cản trở những người yêu nước, lên án một số phần tử theo giặc. Ông quả quyết:

Thà đui mà giữ đạo nhà

Còn hơn có mắt ông cha không thờ

Hoặc: Sự đời thà khuất đôi tròng thịt

Lòng đạo xin tròn một tấm gương.

Bản thân tàn tật, mù lòa nhưng ông vẫn nêu gương sáng: Dạy học, bốc thuốc, trị bệnh cứu người, tham gia giúp dân, bạn hữu đánh giặc theo sức lực và hoàn cảnh của mình. Khi các cuộc kháng Pháp thất bại, ông có thơ điếu, văn tế thương tiếc, an ủi. Những áng văn thơ như: Thơ điếu Trương Định, Phan Công Tòng (12 bài theo thể thơ Đường luật) Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc; Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh… đã rất kịp thời, đã nâng vị trí Nguyễn Đình Chiểu lên nhà thơ hàng đầu trong dòng văn học chống Pháp thế kỉ XIX. Ông trở thành điểm tựa tinh thần của những “dân ấp, dân lân”. Ông đứng về phía người dân nghèo; thông cảm đau khổ; nói tiếng nói của họ. Ông là người đầu tiên của giới nho sĩ sống trong lòng nhân dân, có ảnh hưởng và uy tín lớn ở Nam Bộ. Vì lẽ đó, chủ sự Bến Tre thời ấy là người Pháp tìm cách gặp ông hứa trả lại đất, trả tiền nhuận bút tác phẩm sách, nhưng nhà thơ cự tuyệt. Hành xử ấy của ông đã gieo vào lòng nhân dân sự ngưỡng mộ. Ngay cả khi Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự vẫn vì không giữ nổi ba tỉnh miền Tây (1867), ông có thơ điếu chia sẻ nỗi lòng:

Non nước tan tành hệ bởi đâu?

Hoặc: Mất còn sáu tỉnh trời phân

Thung dung tựu nghĩa làm thần khó thay.

Nguyễn Đình Chiểu ra đời cách nay đúng 200 năm. Cuộc đời ông trải qua nhiều bi tráng, song tuyệt nhiên, không một tì vết. Nhân cách, thái độ sống, lao động nghệ thuật ở ông để lại, quả là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Trần Đình Việt (Nguyên Giám đốc – Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TPHCM)


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo