Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố mang tên Bác là công trình văn hóa của ý Đảng và lòng dân

(Thanhuytphcm.vn) - Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI xác định: “Thông qua xây dựng thành phố thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của đảng viên và Nhân dân thành phố. Đây là một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức.

Hồ Chủ tịch đã viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với những biểu hiện của nó mà loài người sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[1].

Như vậy, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một quyết sách độc đáo của Đảng bộ Thành phố xuất phát từ mong muốn đáp ứng nhu cầu của Nhân dân trong việc thể hiện tình cảm thiêng liêng, khẳng định tấm lòng son sắt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; là một trong những phương thức để Đảng bộ và Nhân dân Thành phố thể hiện quyết tâm xây dựng Đảng ngày một vững mạnh, trong sạch về tư tưởng, chính trị, đạo đức trên nền tảng tư tưởng của Đảng – đó là Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; là một khát vọng mang đến cho bất kỳ ai khi đặt chân đến Thành phố Hồ Chí Minh đều cảm nhận được sự lan toả mạnh mẽ những quan điểm của Tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hoá Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh thông qua sinh hoạt hàng ngày của mọi tầng lớp Nhân dân…

Bàn thờ Bác Hồ ở Đình Bình Quới Tây – phường 28 – Bình Thạnh. Bàn thờ Bác Hồ ở Đình Bình Quới Tây – phường 28 – Bình Thạnh.

Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đã nêu rõ: “Không gian văn hoá Hồ Chí Minh là nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”[2]. Có nghĩa là tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có một không gian văn hóa dần được hình thành và mang tên Hồ Chí Minh với những nội dung, giá trị riêng; được xây dựng trên nền tảng các giá trị lịch sử, văn hoá gắn liền sự nghiệp cách mạng của Người trên vùng đất Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh; các giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh mà người dân thành phố mang tên Bác đã học tập và làm theo. Trong không gian văn hóa ấy sẽ góp phần lưu truyền những giá trị văn hóa đặc sắc mang ảnh hưởng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà người dân thành phố đã tiếp thu, hình thành trên cơ sở điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội… đặc thù của mình.

Chất liệu để xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh vô cùng phong phú, quí giá và ẩn chứa những nét đẹp lung linh trên mọi góc cạnh vì tất cả chất liệu đó đã được hun đúc từ lâu – từ khi Người đặt chân đến đất Sài Gòn năm 1911 để “từ thành phố này Người đã ra đi”, từ lúc chúng ta “còn là hạt bụi, Người đã lên tàu đi xa” và được lưu giữ hơn thế kỷ qua ở “Cảng Nhà Rồng”, ở “Liên Thành thương quán”. Đó là những kỷ vật, những câu chuyện đã được nâng niu cất giữ bởi những con người đang sống ở thành phố, ở miền Nam mà trong cuộc đời mình đã có vinh dự được gặp Bác trong chiến đấu và công tác. Đó là những tượng đài mỹ thuật, những bích họa, những nhạc phẩm, những vần thơ… đã được giới văn nghệ sĩ khắc họa bằng tình yêu đối với Bác. Đó là sinh hoạt tín ngưỡng của nhiều thế hệ người dân thành phố khi họ kính cẩn đặt chân dung Người trên bàn thờ gia tiên, trong tiền điện của những ngôi đình làng ở Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh; đó là những công trình “Việc tốt” trong tham gia các sinh hoạt chính trị theo tinh thần chỉ đạo của Đảng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Không gian văn hoá Hồ Chí Minh được xây dựng là sự đáp ứng nhu cầu của đời sống tinh thần và tình cảm của mọi người tầng lớp Nhân dân đã sống, lao động và chiến đấu trên mảnh đất thân yêu này.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng hoàn thiện và được lưu truyền vững bền bởi còn một lẽ đó là chúng ta có một vinh dự lớn lao: Vinh dự là Thành phố được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh – Thành phố Hồ Chí Minh. Niềm tự hào là thành phố vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thể hiện rõ và nhắc nhở gìn giữ phát huy: “Đây là phần thưởng xứng đáng và cao quý nhất mà Đảng và Nhân dân cả nước dành cho Đảng bộ, Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.”[3]; “…tiếp tục thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, cùng cả nước, vì cả nước, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh xứng đáng là thành phố anh hùng, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu,...”[4].

Không gian văn hoá Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện cho mọi người nhìn thấy tính lịch sử, hệ thống, sự xuyên suốt, tinh thần sáng tạo, chủ động của Đảng bộ trong triển khai việc học tập và làm tư tưởng, đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh trong gần 20 năm qua, tính từ khi Chỉ thị số 23 – CT/TW ngày 27/3/2003 về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới” ra đời. Nhớ lại năm ấy, ngay khi Chỉ thị số 23-CT/TW của Bộ Chính trị được ban hành, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ngay lập tức đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 20 tháng 10 năm 2003 chỉ đạo triển khai “Cuộc vận động tu dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh trong cán bộ, đảng viên”. Chỉ thị của Thành ủy yêu cầu: “Nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, kiên định, đoàn kết thống nhất; làm cho mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ hơn nữa việc tu dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh là cái gốc bảo đảm cho hạnh phúc của bản thân và gia đình, thiết thực xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố lòng tin của dân với Đảng, với chế độ”. Chỉ thị Thành ủy lúc bấy giờ đã xác định phải thực hành nguyên tắc đạo đức theo tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh, đó là thực hành “3 xây, 3 chống”:

- Một là, xây tác phong quần chúng - chống quan liêu, cửa quyền;

- Hai là, xây tinh thần trách nhiệm - chống tham ô, nhũng nhiễu;

- Ba là, xây ý thức cần kiệm - chống lãng phí, xa hoa.

Ảnh của Bác Hồ trên bàn thờ gia tiên Ảnh của Bác Hồ trên bàn thờ gia tiên

Nhất quán trong đường lối, chủ trương, Đảng bộ Thành phố luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: “Đẩy mạnh giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào tự tôn dân tộc, danh dự của người Việt Nam, công dân Thành phố mang tên Bác, duy trì thường xuyên cuộc vận động tu dưỡng đạo đức, lối sống; xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý và trong kinh tế”[5]; “Đẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đi vào chiều sâu, trở thành nền nếp sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, tổ chức đảng, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong Đảng bộ và nhân dân theo phương châm "tích cực học tập, nỗ lực làm theo"[6]; “Xác định rõ việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức là một nội dung quan trọng để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chống tham nhũng, lãng phí, lối sống cơ hội, thực dụng, nói không đi đôi với làm”[7]; “Thông qua xây dựng thành phố thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của đảng viên và Nhân dân thành phố. Kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, lối sống cơ hội, thực dụng, nói không đi đôi với làm, xử lý đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”[8].

Công trình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh chắc chắn sớm hoàn thành vì chúng ta có một lực lượng nòng cốt để qui tụ sức mạnh vật chất, tinh thần và khơi dậy sức sáng tạo trong toàn Đảng, toàn dân đó chính là những tấm gương điển hình trong hoạt động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các cấp ủy biểu dương trong những năm qua.[9]

Trong Không gian văn hoá Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân sẽ có thêm nhiều điều kiện để sáng tạo không ngừng những tài sản mang giá trị văn hoá, triết lý, giáo dục, đạo đức, khoa học, nghệ thuật… hàm chứa giá trị Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự nghiệp Hồ Chí Minh mãi là di sản của dân tộc ta trong quá trình phát triển. Với thành phố mang tên Bác, Thành phố Hồ Chí Minh phải biến sức mạnh tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thành sức mạnh của mỗi người dân thành phố, để mỗi người dân có ý chí mạnh mẽ hơn nữa, sáng tạo hơn, hiệu quả hơn nữa trong xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố không chỉ là tài sản của người dân thành phố trong cuộc sống của mình mà còn là di sản văn hóa, chính trị của dân tộc.

Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang

Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM

______________________

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, trang 458.

[2] Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (2020), Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Nxb. Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh, tr..168.

[3] Lê Thanh Liêm (2020): phát biểu trong Tổng kết chương trình Tuần lễ Văn hóa kỷ niệm 44 năm Thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (02/7/1976 – 02/7/2020).

[4] Trang tin điện tử Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (2020): Phát biểu của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tại Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020).

[5] Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VIII nhiệm kỳ 2005 – 2010, https://www.hcmcpv.org.vn

[6] Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX nhiệm kỳ 2010 – 2015, https://www.hcmcpv.org.vn

[7] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa IX tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X nhiệm kỳ 2015 – 2020, https://www.hcmcpv.org.vn

[8] Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (2020), Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Sđd, tr.194.

[9] Giai đoạn 2016 – 2020, có 6.937 tập thể, 13.234 cá nhân thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở, đảng ủy cơ sở trực thuộc Thành ủy được biểu dương, khen thưởng; có 772 tập thể, 1.201 cá nhân thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp Thành phố, có 24 tập thể và 45 cá nhân thực hiện tốt học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh được Trung ương biểu dương, khen thưởng


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo