Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Hơn 1.500 mẫu vải cao cấp trưng bày tại triển lãm Quốc tế Vải cao cấp - Texfuture Việt Nam 2023

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 22/3, Triển lãm Quốc tế Vải cao cấp - Texfuture Việt Nam 2023 đã khai mạc tại Gem Center với chủ đề “Dệt may Việt Nam: Mạnh hơn - Thông minh hơn - Xanh hơn”.

Triển lãm thu hút hơn 200 đơn vị tham gia với hơn 1.500 mẫu vải được trưng bày và hơn 2.000 lượt khách tham quan. Các doanh nghiệp tham gia chủ yếu đến 7 nhóm lĩnh vực chính bao gồm: vải thời trang bền vững (Sustainable Fabrics), vải thời trang các loại (Fashion Fabrics), vải chức năng (Functional Fabrics), khu công nghiệp và kinh tế tuần hoàn (Industrial Park & Circular Economy), kỹ thuật – thông tin & giải pháp dệt may (Technique, Information & Solutions), nguyên liệu bông xơ (Textile raw materials), hàng gia dụng – phụ kiện và phụ liệu dệt may (Home Textiles & Accessories).

Đây là sự kiện triển lãm đầu tiên của năm 2023 trong bối cảnh toàn ngành dệt may đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19, là hoạt động kết nối giao thương mở đầu trong năm 2023 của ngành Dệt may Việt Nam, nhằm tạo nên hệ sinh thái liên kết có trách nhiệm, phát triển Dệt may Việt Nam theo hướng “Kinh tế tuần hoàn – Kinh tế xanh và Chuyển đổi số”.

Tại sự kiện, các doanh nghiệp giới thiệu tới khách tham quan các chất liệu vải mới nhất, xu hướng họa tiết, công nghệ tiên tiến nhất trong ngành dệt may hiện nay. Điển hình như vải kết hợp công nghệ ảo hóa, công nghệ 3D, vải xanh, vải chức năng có thành phần từ nguyên liệu tái chế như vỏ sò, cà phê, phế phẩm từ sen…

Khách tham quan tìm hiểu về sản phẩm Khách tham quan tìm hiểu về sản phẩm

Ngoài hoạt động triển lãm chính, sự kiện còn có các chuỗi hoạt động nổi bật: Khu vực triển lãm xu hướng vải (Fabric Trend Zone); Khu vực triển lãm xu hướng sắc màu (Color Trend Zone); Khu vực không gian sáng tạo (Creative Zone); Không gian kết nối giao thương (Business Matching - B2B)…

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, ngành dệt may là một trong những ngành gây tiêu thụ tài nguyên, ô nhiễm môi trường, có cường độ phát thải khí nhà kính cao. Với các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, nhất là khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO với yêu cầu hợp tác thương mại mà các yếu tố về môi trường thì phát triển bền vững được xem ưu tiên hàng đầu nhằm xoá bỏ rào cản thương mại trong các cuộc đàm phán cho các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Dệt may thuộc nhóm sản phẩm phải tuân thủ các tiêu chuẩn "xanh hoá" trong sản xuất. Vì vậy, chuyển đổi kinh tế tuần hoàn ngành dệt may chính là giải pháp quan trọng đảm bảo mục tiêu “xanh hoá” của ngành.

Thông qua triển lãm lần này các diễn giả sẽ cùng thảo luận và đề xuất các mô hình, khả năng liên kết các bên cùng thực thi và cam kết chuyển đổi kinh tế tuần hoàn, hướng đến xanh hoá Dệt may Việt Nam.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo