Thứ Bảy, ngày 14 tháng 9 năm 2024

KỶ NIỆM 100 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA


Họa sĩ Trần Quân Ngọc và kỷ niệm một thời Xô Viết

Họa sĩ Trần Quân Ngọc ghi lại rất nhiều cảnh sắc nước Nga trong những chuyến đi của mình

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 7/11, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (216 Trần Quang Khải, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc Triển lãm mỹ thuật “Kỷ niệm một thời Xô Viết”, trưng bày 100 tác phẩm tranh sơn dầu và màu nước do họa sĩ Trần Quân Ngọc vẽ trong những năm tháng học tập và công tác tại Liên Xô (1954 – 1972).

Với hơn 300 bức tranh về nước Nga, trong đó có rất nhiều ký họa ghi lại các địa danh đã đi qua trên khắp nước Nga và 15 nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết, họa sĩ Trần Quân Ngọc đang sở hữu một bộ sưu tập mỹ thuật đồ sộ về nước Nga - Xô Viết – đất nước mà ông gắn bó gần như suốt thời thanh niên và luôn ghi ơn.

Cuộc hạnh ngộ với tác giả Bông hồng vàngBình minh mưa

Năm 1954, ở tuổi 16, Trần Quân Ngọc là một trong 100 thiếu sinh quân đầu tiên được Bác Hồ chọn đưa sang Liên Xô đào tạo gấp nhằm phục vụ công tác phiên dịch cho các chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ Việt Nam tái thiết đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1957, chàng thanh niên Trần Quân Ngọc trở về nước làm nhiệm vụ và cùng các chuyên gia Liên Xô có mặt ở khắp các công trình công nghiệp đầu tiên của đất nước (Mỏ Apatit Lào Cai, Supe Phốt phát Lâm Thao, Điện Phú Thọ, Chè Phú Thọ…). Năm 1959, Trần Quân Ngọc trở lại Liên Xô học tại Đại học Công nghệ Hóa tinh vi Lomonosov.

Vốn đam mê hội họa từ bé, luôn mang theo giấy bút bên mình để vẽ vời khi rảnh rỗi hoặc có cảm hứng nhưng Trần Quân Ngọc vẫn giữ đấy như một sở thích riêng và chẳng hề nghĩ đến việc theo đuổi hội họa nếu không có một ngày thứ Bảy đẹp trời, cậu sinh viên năm nhất vừa thi kết thúc môn quyết định thưởng cho mình chuyến dã ngoại ở ngoại ô Matxcova. Ngoại thành Matxcova với rừng bạch dương soi bóng xuống dòng sông lững lờ như hút lấy hồn người. Trần Quân Ngọc bèn lôi giấy, bút, màu nước ra vẽ. Có một ông cụ cứ ngồi sau lưng nhìn chằm chằm anh sinh viên Việt Nam đang cắm cúi vẽ. Ông nói mình là giáo viên đã về hưu, đây là nơi ông thường đến ngắm cảnh, thư giãn. “Nhìn bức vẽ ông cụ bảo “có tâm hồn” nhưng “kỹ thuật tệ quá”, rồi khuyến khích tôi đi học vào ban đêm. Hai tháng sau, ông dẫn tôi đến Khoa Hội họa và Lịch sử Mỹ thuật của Đại học Sư phạm Lê-nin và giới thiệu: “Đây, chàng du kích nhỏ của Việt Nam!”. Tôi được tạo mọi điều kiện thuận lợi để ôn luyện và thi đậu vào trường. Học đến năm thứ ba, thầy chủ nhiệm bảo tôi chọn một bức tranh đẹp nhất để tặng Paustovsky – tác giả của các tác phẩm nổi tiếng  Bông hồng vàng, Bình minh mưa, Vịnh mõm đen… – như lời cảm ơn. Tôi thắc mắc không hiểu, thầy bảo: “Cả nước Nga này chắc chỉ có em là không biết Paustovsky thôi đấy. Ông giáo về hưu đã giới thiệu em vào trường chính là nhà văn Paustovsky!”. Tôi vỡ òa vì ngạc nhiên và xúc động. Đáng tiếc, tôi đã không còn dịp gặp lại người đã mở đường cho mình thực sự đến với hội họa. Từ đó, tôi cũng trở thành độc giả trung thành của Paustovsky”, họa sĩ Trần Quân Ngọc xúc động chia sẻ về cuộc hạnh ngộ của mình.

Mãi nhớ ơn nước Nga

Đến nay, bước vào tuổi 80, họa sĩ Trần Quân Ngọc vẫn nhớ như in những ngày tháng sau những giờ miệt mài trong phòng thí nghiệm hóa học lại lao nhanh vào xưởng vẽ. Ở đó, luôn có một người thầy đôn hậu chờ chàng sinh viên Việt Nam ham học. “Thầy tôi ra mặt trận tham gia chiến tranh vệ quốc khi còn là sinh viên Đại học Mỹ thuật. Ngày chiến thắng, cả gia đình đã bị bom chết, chỉ còn lại thầy với 2 chân bị cưa mất. Bất hạnh tưởng có thể quật ngã bất cứ ai nhưng thầy vẫn trở lại giảng đường và trở thành người thầy đáng kính của nhiều thế hệ sinh viên mỹ thuật. Có gì thầy cũng để dành cho sinh viên, thầy thường cho tôi màu vẽ, cho tiền mua đồ ăn. Tôi và thầy thường là những người cuối cùng rời khỏi trường, hai thầy trò cùng đi bộ ra tàu điện ngầm, cứ như hai bố con”, họa sĩ Trần Quân Ngọc rưng rưng xúc động khi kể về người thầy đặc biệt của mình, người vẫn hô “Hồ Chí Minh” mỗi khi muốn khen học trò điều gì.

Ân tình nước Nga với Trần Quân Ngọc càng thêm sâu đậm sau những chuyến đi. Lần thứ ba trở lại Liên Xô theo học Cao học Hóa dầu tại Novosibirsk, thủ phủ xứ Siberia giá lạnh, trên một chuyến xe điện, Trần Quân Ngọc bất ngờ nhận được một đôi bít-tất len rất dày từ một bà mẹ Nga. Bà nói: “Mẹ thường đi cùng con chuyến xe điện này, thấy bít-tất của con mỏng quá, không chống chọi được cái rét của nước Nga đâu! Mẹ đan tặng con đôi bít-tất này”. Đó chỉ là một trong vô vàn bà mẹ Nga nhân hậu, những người Nga giản dị, tốt bụng. Làm sao chúng tôi có thể quên được những tấm lòng Nga”, họa sĩ Trần Quân Ngọc chia sẻ.

Họa sĩ Trần Quân Ngọc giữ gìn cẩn thận những tấm ảnh thời đi học ở Liên Xô và làm phiên dịch cho các chuyên gia, các đoàn ngoại giao Liên Xô đến Việt Nam Họa sĩ Trần Quân Ngọc giữ gìn cẩn thận những tấm ảnh thời đi học ở Liên Xô và làm phiên dịch cho các chuyên gia, các đoàn ngoại giao Liên Xô đến Việt Nam

Biết ơn sâu sắc đất nước và nhân dân Liên Xô đã sẵn sàng cưu mang, chăm lo cho sinh viên Việt Nam dù trong những năm tháng còn nhiều khó khăn, họa sĩ Trần Quân Ngọc xem việc quảng bá hình ảnh nước Nga, giới thiệu các giá trị Nga đến mọi người là một nhiệm vụ. Năm 2007, kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, họa sĩ Trần Quân Ngọc đã đứng ra tổ chức triển lãm “Dấu ấn nước Nga” giới thiệu những tác phẩm về cảnh sắc, văn hóa nước Nga được ông ghi lại qua bao chuyến đi. Đến nay, cột mốc 100 năm cuộc cách mạng vĩ đại cũng được họa sĩ ghi dấu ấn với triển lãm “Kỷ niệm một thời Xô Viết”, trong đó có những tác phẩm về Bác Hồ ở Liên Xô, nhiều bức vẽ về mùa đông và giáo đường nước Nga – những đề tài mà ông yêu thích. Tuy nhiên, đấy cũng chỉ là 1 phần trong bộ sưu tập hơn 300 tác phẩm, nhiều tranh chưa công bố, về nước Nga mà họa sĩ còn giữ được đến hôm nay. Trong đó, chỉ riêng mảng chân dung người Nga đã đủ để làm một triển lãm.

Trong các tác phẩm, nổi bật nhất là bức phù điêu chân dung Lê-nin vô cùng độc đáo khi được ghép từ bộ sưu tập 300 huy hiệu Lê-nin các loại mà họa sĩ Trần Quân Ngọc đã sưu tập trong hơn 10 năm học tập và các chuyến đi trên đất nước Liên Xô. Bức phù điêu được hoàn thành vào năm 1970 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Lê-nin (1870 – 1970). Có nhà sưu tập đã trả giá rất cao cho tác phẩm này nhưng họa sĩ Trần Quân Ngọc vẫn trân trọng giữ gìn và chỉ đem ra triển lãm nhân những dịp kỷ niệm ý nghĩa.

Hiện nay, ở tuổi xưa nay hiếm nhưng họa sĩ Trần Quân Ngọc vẫn lao động không ngừng nghỉ, vẫn vẽ tranh, viết sách, làm thơ, dịch sách; vẫn luôn đóng góp tích cực cho việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Nga tại Việt Nam, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị bền chặt Việt - Nga như sự trả ơn cho đất nước đã nuôi dưỡng mình thành tài, thành công dân tốt của xã hội.

Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo