Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Hành động vì trẻ em

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM thăm và trao quà cho thiếu nhi là con công nhân tại Khu lưu trú công nhân Láng Le – Bàu Cò, xã Tân Nhựt, Bình Chánh vào sáng 31/5. (Ảnh: Long Hồ)

(Thanhuytphcm.vn) - Hôm nay là ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) và tại Việt Nam, đây là ngày đầu tiên của “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2020 với chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình thương yêu, sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt cho sự nghiệp trồng người. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội.

Chính sách pháp luật của Việt Nam về trẻ em ngày càng được hoàn thiện và nhìn chung là tiến bộ. Luật Trẻ em đã quy định 25 điều về quyền trẻ em, thuộc 4 nhóm quyền: quyền sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển, quyền được tham gia. Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống, lớn lên lành mạnh, an toàn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững.

Việc bảo đảm quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng những năm qua được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận – đoàn thể luôn quan tâm, đưa vào chương trình công tác, kế hoạch hành động nhằm cho trẻ em được phát triển toàn diện, đảm bảo các quyền cơ bản như học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, có môi trường sống an toàn, có sự giúp đỡ thiết thực đối với trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc. Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại mỗi năm. Mới đây, tại Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành giám sát tối cao về phòng chống xâm hại trẻ em, các đại biểu đã nêu nhiều biện pháp ngăn ngừa, hỗ trợ, can thiệp kịp thời về vấn nạn này.

Trẻ em cần được chăm sóc, bảo vệ và tham gia các hoạt động vui chơi. (Ảnh: Long Hồ) Trẻ em cần được chăm sóc, bảo vệ và tham gia các hoạt động vui chơi. (Ảnh: Long Hồ)

Ngày nay, trẻ em có nhiều cơ hội để phát triển cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Nhưng cũng nhiều thách thức, cám dỗ, nhiều áp lực… Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, trẻ em tương tác nhiều với Internet, điều này đã ít nhiều tác động đến nhận thức, lối sống, hành vi ứng xử của trẻ. Nếu không có định hướng, kiểm soát sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như những hành vi bạo lực, nghiện games, mắc bệnh trầm cảm…

Do trẻ em lớn lên trong điều kiện có nhiều khác biệt so với trước – nhất là tương tác với môi trường mạng, những người làm cha mẹ phải hết sức quan tâm, trang bị thêm kỹ năng, biết làm bạn cùng con, dạy con đúng cách… và bảo vệ con em mình khỏi những tác động tiêu cực từ mạng internet, mạng xã hội.

Trong nhà trường, chương trình giáo dục phổ thông, môn giáo dục công dân có đưa nội dung về giáo dục kỹ năng sống khoảng 20% - 30% bao gồm kỹ năng nhận thức, quản lý bản thân và kỹ năng tự bảo vệ theo từng lớp học. Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép cho các đơn vị vào trường dạy thêm về kỹ năng sống, giúp học sinh có những hoạt động trải nghiệm, thực hành xã hội… Ngành giáo dục và tổ chức Đoàn, Đội cần chủ động phối hợp việc tổ chức triển khai các hoạt động sao cho bổ ích, an toàn, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện về trí, đức, thể, mỹ, giúp trẻ em làm tốt bổn phận của mình với gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội, với quê hương, đất nước và đối với bản thân.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có sự chung tay chăm lo cho thế hệ “măng non”, cần phải có sự thay đổi nhận thức, hành động. Trong đó cần tập trung những hoạt động: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quyền trẻ em. Tăng cường hoạt động giám sát thực hiện pháp luật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo pháp luật.

Trẻ em được vui chơi, học tập, rèn luyện thể chất tại Trường mầm non Măng Non II, Quận 10. (Ảnh: Long Hồ) Trẻ em được vui chơi, học tập, rèn luyện thể chất tại Trường mầm non Măng Non II, Quận 10. (Ảnh: Long Hồ)

Tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Có giải pháp bảo vệ trẻ em ở môi trường mạng. Có những biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Quan tâm chăm lo cho trẻ em về thể chất, về sức khỏe tinh thần phù hợp với lứa tuổi trẻ em. Trong đó có chú ý đến phát triển dịch vụ tư vấn, tham vấn tâm lý xã hội.

Quan trọng nhất, trẻ em luôn cần sự quan tâm lắng nghe, chia sẻ của nhà trường, gia đình và xã hội, cần có môi trường lành mạnh để phát triển, cần tình thương và sự nêu gương của người lớn.

Hoạt động Đoàn, Đội cần đổi mới, thích ứng với điều kiện mới và đặc điểm lứa tuổi. Trẻ em đang cần có thêm những món ăn tinh thần, những sản phẩm, tác phẩm văn học nghệ thuật bổ ích, hấp dẫn, phù hợp… Trẻ em cần có thêm những thiết chế văn hóa, địa điểm vui chơi giải trí, hoạt động thể dục thể thao… Trẻ em cần có thời gian trải nghiệm và thực hành xã hội…

Triển khai “Tháng hành động vì trẻ em” với những việc làm thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, của gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội là rất cần. Vấn đề không chỉ dừng lại ở tháng hành động. Việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em là công việc thường xuyên, liên tục, toàn diện và lâu dài. Tất cả để trẻ em được thụ hưởng quyền lợi chính đáng, có điều kiện để vươn tới ước mơ cao đẹp.

Phạm Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo