Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Giữ trọn vẹn ý nghĩa mùa Vu lan báo hiếu

Lễ cài bông hồng “Một đời cho con” tại chùa Thiên Khánh, Phường 7, Quận 6

(Thanhuytphcm.vn) - Sau 2 năm bị gián đoạn do dịch Covid-19, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bị hạn chế và tạm ngưng để đảm bảo quy định phòng chống dịch, năm nay, lễ Vu Lan Phật lịch 2566 - Dương lịch 2022 đã trở lại trong niềm vui chung.

Khắp các ngôi chùa, tịnh thất trên địa bàn Quận 6 trang trọng tổ chức các hoạt động của lễ Vu Lan báo hiếu, tưởng nhớ đến cha mẹ. Đây chính là cốt lõi của văn hóa Việt với đạo lý hiếu nghĩa, “Uống nước nhớ nguồn” đã và đang được gìn giữ.

Tại một số chùa trên địa bàn, khoảng 1 tuần trước rằm tháng bảy, không khí đón Vu Lan đã nhộn nhịp, tấp nập với nhiều hoạt động khác nhau. Đây là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc. Nhiều người cùng nhau đến chùa để thắp nhang, khấn nguyện, cầu siêu cho người đã khuất, cầu phúc cho gia đình, người thân.

Cũng như mọi năm, vào dịp này, bạn Lê Tấn Lộc, ngụ tại Phường 8, đều đến chùa lễ Phật, sau đó phụ giúp việc tổ chức chương trình văn nghệ, trang trí tại chùa. Lộc chia sẻ: “Tôi và gia đình thường giữ thói quen đến chùa thắp nhang cầu bình an vào mỗi ngày rằm lớn. Năm nào cũng vậy, sáng sớm ngày 14/7 âm lịch, tôi và mẹ đến chùa để phụ giúp, cũng là dịp để tôi dành nhiều thời gian ở bên cạnh mẹ. Bởi vì tri ân báo hiếu chỉ có ý nghĩa nhất là khi còn có cha mẹ bên cạnh”.

Có mặt ở buổi lễ bông hồng cài áo tại chùa Thiên Khánh, Phường 7, bạn Trần Minh Châu xúc động nói: “Vu lan này tôi may mắn hơn rất nhiều người khi được có mẹ bên cạnh, cùng đi chùa, được cài lên ngực áo mình cánh hoa đỏ. Giữa những ngày vội vã trong guồng quay công việc, ngày này tôi dành thời gian nhiều hơn bên gia đình, về với đạo của người làm con. Qua những bài giảng, lời kinh, pháp thoại đã giúp tôi và nhiều người cảm thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng”.

Tại chùa Tuyền Lâm, trụ sở Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Quận 6, các khóa lễ, tụng kinh Vu Lan được tổ chức trang nghiêm, thanh tịnh trong khói hương trầm ấm, không đốt vàng mã. Sau khóa lễ, mỗi người ra về đều cảm thấy thư thái trong lòng. Khu chính điện nơi chính thức diễn ra lễ Vu Lan đã được trang trí, chuẩn bị công phu, những màu hoa cài áo cho bà con phật tử, người dân đến tham dự buổi lễ thắp nến tri ân và cài hoa hồng diễn ra vào tối 21/8 Dương lịch (nhằm ngày 24/7 Âm lịch) cũng đã được chuẩn bị chu đáo.         

Thượng tọa Thích Thiện Nghĩa, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Quận 6, cho biết: “Tổ chức lễ Vu Lan hằng năm là một trong những nghi thức thực hành hạnh nguyện tri ân, báo ân của tăng, ni, tín đồ, cư sĩ phật tử. Đây cũng là dịp bày tỏ lòng tưởng nhớ sâu sắc đến ơn đất nước, ơn đồng bào, ân đức hy sinh của các bậc tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì hòa bình độc lập. Năm nay, lòng tri ân đó còn đươc gửi đến đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19”.

Giống với mọi năm, lễ rằm tháng bảy được người dân thực hành từ đầu tháng với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Đáng chú ý, việc lạm dụng nghi thức phóng sinh đã giảm dần trong vài năm gần đây, tiếp tục được hạn chế trong mùa Vu Lan này. Bên cạnh đó, tại các cơ sở thờ tự đã tăng cường giáo dục, khuyên răn tăng, ni, phật tử không nên dâng cúng, đốt nhiều vàng mã, nên thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực cứu giúp người khó khăn để chuyển hóa thành tâm thiện lành báo hiếu tổ tiên và cha mẹ. Điều này cho thấy bước chuyển trong nhận thức của người dân thông qua nhiều việc ý nghĩa, thực tế của dịp lễ đang được thực hành một cách thiết thực, hiệu quả.

Tịnh xá Lộc Uyển trao tặng 1.100 phần quà cho bà con khó khăn Tịnh xá Lộc Uyển trao tặng 1.100 phần quà cho bà con khó khăn

Trên tinh thần đó, các chùa, tịnh xá trên địa bàn Quận đã tổ chức nhiều đợt trao tặng quà cho người dân, phát huy tinh thần từ bi hỉ xả và truyền thống hiếu đạo của Phật giáo, chia sẻ phần nào sự vất vả đối với các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Chùa Diệu Pháp và Hội LH Phụ nữ Quận 6 đã phối hợp trao tặng 300 phần quà cho người người khiếm thị, nấu và phát cơm chay cho những hoàn cảnh cơ nhỡ, mồ côi và người dân bán vé số… Ni sư Thích nữ An Hương, Trụ trì chùa Pháp Thành, đã trao tặng 100 phần quà cho người già có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà gồm các nhu phẩm thiết yếu với tổng trị giá 30 triệu đồng; Tịnh xá Lộc Uyển đã trao tặng 1.100 phần quà đến những hộ nghèo tại địa phương, với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng.

Những hoạt động từ thiện xã hội vào thời gian này như đã trở thành hoạt động chính của phật tử, người dân nhân mùa báo hiếu và biến ngày lễ này trở thành một lễ hội của tình người, như một lời tri ân cho người đã khuất và cầu nguyện bình an cho người còn sống. Có thể tự tổ chức ăn chay tại gia, cúng gia tiên, làm phúc tích thiện qua các hoạt động hướng đến tinh thần vì cộng đồng, vì con người, chính là đang phụng sự theo tinh thần giáo pháp, vừa tốt đời đẹp đạo.

Thu Quỳnh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo