Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Gặp lại công trình kinh điển của ngành Sử Việt Nam

Công trình kinh điển của Sử học Việt Nam “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII” của Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm tái ngộ độc giả trong tháng 11

(Thanhuytphcm.vn) - Được xem là một trong những công trình kinh điển của ngành Sử Việt Nam, quyển sách “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII” của 2 tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm - cuốn sách mà đương thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc và gửi lời thăm hỏi tới hai tác giả - sẽ tái ngộ với bạn đọc yêu thích Sử học qua bản in mới của NXB Hồng Đức và Công ty Sách Dân trí - DTBooks trong tháng 11.

Cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII là một trong những trang sử chói rạng nhất của dân tộc thế nhưng toàn bộ các nguồn sử liệu về cuộc chiến này lại rất hiếm hoi. Các nghiên cứu dựa vào hai nguồn chủ yếu là sử liệu Việt Nam và sử liệu Trung Quốc nhưng cả hai nguồn sử liệu này đều kém phong phú. Với tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc, cẩn thận, công sức sưu tầm, tra cứu, tổng hợp các sử liệu, cuối cùng các tác giả đã cho ra đời công trình “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII” nêu đầy đủ các chi tiết về ba trận đánh tiêu biểu làm nên “hào khí Đông A” từ 700 năm trước.

Đọc tác phẩm, chúng ta dễ dàng thấy được tình hình đất nước lúc bây giờ và nguyên nhân vì đâu dẫn đến những cuộc chiến tranh đó, cũng như hiểu được vì sao một dân tộc yếu thế hơn nhiều lại có thể quật ngã một kẻ thù hùng mạnh và tàn bạo nhất trên thế giới lúc bấy giờ, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Chiến thắng lẫy lừng ở thế kỷ XIII của quân dân nhà Trần là minh chứng rõ ràng cho việc chỉ cần đoàn kết toàn dân thành một khối quyết tâm cùng chiến đấu vì Tổ quốc thì chúng ta có thể chiến thắng bất kỳ kẻ thù nào dù kẻ thù đó lớn mạnh đến đâu.

Được NXB Khoa học Xã hội xuất bản lần đầu vào năm 1968 khi các tác giả chỉ ngoài tuổi 30 nhưng “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII” được các học giả nổi tiếng như Hoàng Xuân Hãn, Hoài Thanh đánh giá rất cao và coi là “một kiệt tác sử học”. Tác phẩm được tái bản nhiều lần, được sử dụng trong giảng dạy lẫn nghiên cứu, đã nhận được Giải thưởng Khoa học Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội lần I vào năm 2006.

Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo