Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Friedrich Engels - Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và những người cộng sản

Friedrich Engels năm 1856. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) - Friedrich Engels sinh ngày 28 tháng 11 năm 1820, ở thành phố Barmen, tỉnh Rhein, Vương quốc Phổ (Nước Đức hiện nay) trong một gia đình chủ xưởng dệt. Để rồi sau đó, trở thành một trong những nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc nhất trong lịch sử xã hội loài người. Cùng với Karl Marx, ông mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại như những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học có tác động to lớn và sâu rộng đối với nhân loại tiến bộ.

Sống ở một trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh Rhein, ngay từ thời thơ ấu Engels đã nhìn thấy bức tranh đa dạng sự bần cùng không lối thoát của người dân lao động. Từ nhỏ Engels đã bộc lộ tính cách độc lập. Tháng 10/1834, Engels chuyển sang học ở trường trung học Elberfelder, một trường tốt nhất ở Phổ thời bấy giờ. Năm 1837, theo yêu cầu của cha, Engels buộc phải rời bỏ trường trung học khi chưa tốt nghiệp để bắt đầu công việc buôn bán ở văn phòng của cha. Trong thời gian này ông tự học các ngành sử học, triết học, văn học, ngôn ngữ và thơ ca. Tháng 6/1838, Engels đến làm việc tại văn phòng thương mại ở thành phố cảng Barmen. Tại thành phố cảng lớn buôn bán với nhiều nơi trên thế giới, Engels đã mở rộng tầm hiểu biết về nền văn học và báo chí nước ngoài. Tác động của cuộc cách mạng dân chủ tư sản đã chín muồi ở Đức hồi bấy giờ đã thúc đẩy ở Engels hình thành các quan điểm dân chủ - cách mạng.

Gần như trùng hợp, cuối năm 1939 (hai năm sau so với Karl Marx), Engels bắt tay vào nghiên cứu các tác phẩm của Hégel. Cái hấp dẫn của Hégel đối với Engels là tư tưởng về vận động tiến lên của lịch sử loài người đến những hình thái cao hơn. Trong hoạt động chính luận của Engels, người ta thấy ảnh hưởng tư tưởng đó của Hégel, song ở Engels là quan điểm biện chứng đối với lịch sử loài người và các hiện tượng của đời sống xã hội, là sự vận dụng những tư tưởng cơ bản của phép biện chứng của Hégel vào thực tiễn cuộc sống.

Tháng 9 năm 1841, Engels đến Berlin và gia nhập binh đoàn pháo binh. Thời gian này ông vẫn lui tới trường Đại học Tổng hợp Berlin nghe các bài giảng triết học, tham gia hội thảo về lịch sử tôn giáo.

Những bước đi đầu tiên của Engels đến với chủ nghĩa duy vật thể hiện ở chỗ Engels đã phát triển và bảo vệ tư tưởng về sự thống nhất của thế giới, tư tưởng về sự tất yếu nội tại và tính quy luật.

Mùa xuân năm 1842, Engels bắt đầu cộng tác với tờ Rheinische Zeitung (Nhật báo tỉnh Rhein). Phái Hégel trẻ tích cực tham gia tờ báo này, song từ tháng 10 năm 1842, khi Karl Marx lãnh đạo Ban biên tập thì tờ báo ngày càng mang tính chất dân chủ cách mạng triệt để. Trong những bài báo in năm 1842, trên tờ Rheinische Zeitung cùng với Marx, Engels đã lên tiếng phản kháng chế độ kiểm duyệt của Chính phủ Vương quốc Phổ, trật tự phong kiến ở Đức.

Ngày 8 tháng 10 năm 1842, Engels mãn hạn phục vụ trong quân đội. Từ Berlin ông trở về thành phố quê hương Barmen, một tháng sau, Engels lên đường sang nước Anh thực tập buôn bán tại nhà máy kéo sợi bông thuộc công ty mà cha ông là đồng chủ nhân. Trên đường sang Anh, Engels ghé thăm trụ sở tờ Rheinische Zeitung ở Koln (Kioln) và lần đầu tiên, Engels có cuộc gặp gỡ với Karl Marx, Tổng Biên tập tờ báo. Sang nước Anh, Engels lưu lại hai năm. Thời gian đó là trường học tuyệt vời giúp Engels trở thành nhà xã hội chủ nghĩa. Bài báo Tình cảnh của giai cấp công nhân ở Anh (1842) cùng với những bài báo khác của Engels viết ra năm đó đã phân tích rõ sự phân chia xã hội thành ba giai cấp cơ bản: giai cấp quý tộc chiếm hữu ruộng đất, giai cấp tư sản công nghiệp và giai cấp vô sản. Engels nhận định, không thể xóa bỏ được mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, ông đi đến kết luận đằng sau cuộc đấu tranh của các đảng phái ẩn giấu cuộc đấu tranh của các giai cấp. Thời gian này Engels chưa hoàn toàn đoạn tuyệt với quan điểm của phái Hégel trẻ.

Tuy nhiên, thời gian sống ở Anh đã có ý nghĩa quyết định đối với Engels trong việc dứt khoát từ bỏ những quan điểm duy tâm để trở thành nhà duy vật. Engels tham gia viết báo cho tờ tạp chí Deutsch - Franzosische Jahrbucher (Niên giám Pháp - Đức) ra đời vào tháng 2/1844.

Các bài báo của Engels đăng trên tạp chí này là những bài báo đầu tiên đề cập đến việc áp dụng phương pháp biện chứng vào việc phân tích các quan hệ kinh tế của xã hội tư sản. Xem xét các hiện tượng kinh tế trong mối quan hệ qua lại và trong sự phát triển, Engels đã chỉ ra sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, coi đó là cơ sở của sự phát triển.

Tác phẩm Những phác thảo phê phán môn kinh tế chính trị học của Engels có giá trị to lớn ở chỗ ông đã chỉ rõ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa là cơ sở của toàn bộ sinh hoạt vật chất và tinh thần của xã hội tư sản.

Tháng 8 năm 1844, trên đường về quê hương, Engels ghé lại Paris gặp Karl Marx. Từ đó bắt đầu sự cộng tác chặt chẽ giữa hai vĩ nhân của nhân loại. 

Tháng 2 năm 1845, cuốn sách Gia đình thánh của Karl Marx và Engels ra đời đã phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm chủ quan của phái Hégel trẻ mà thực chất là phê phán toàn bộ chủ nghĩa duy tâm và phương pháp của nó, đồng thời nêu lên luận điểm hết sức quan trọng về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Hai ông cũng hợp sức viết công trình nổi tiếng Hệ tư tưởng Đức (1845 - 1846) phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm của Hégel và phái Hégel trẻ đồng thời phê phán chủ nghĩa duy vật không nhất quán của Ludwig Feuerbach nêu ra những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Tiếp sau đó, Đại hội II Liên đoàn những người cộng sản đã ủy nhiệm Marx và Engels cùng viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Hai ông đã lấy chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử làm thế giới quan của đảng vô sản.

Năm 1848, ở nước Pháp, Marx và Engels đã ra sức củng cố những mối liên hệ với các hoạt động phong trào dân chủ và cộng sản ở Pháp. Những năm tháng sống ở Paris, Engels quan tâm nhiều đến hoạt động Ban Chấp hành Trung ương Liên đoàn những người cộng sản (LĐNNCS) và trở thành Ủy viên của Ban lãnh đạo và là một trong những người lãnh đạo Câu lạc bộ công nhân Đức do Ban Chấp hành Trung ương LĐNNCS sáng lập.

Tháng 3 năm 1848 cùng với Marx, Engels đã thảo ra Những yêu sách của Đảng Cộng sản Đức được Ban Chấp hành Trung ương LĐNNCS thông qua như là văn kiện có tính chất cương lĩnh cho hành động của giai cấp vô sản Đức.

Tháng 4 năm 1848 cùng với Marx, Engels trở về Đức tham gia trực tiếp vào cuộc cách mạng Đức. Ngày 20 tháng 5 năm 1848, Engels đến Koln cùng Marx chuẩn bị xuất bản tờ báo Neue Rheinische Zeitung (Báo mới tỉnh Rhein) mà hai ông là linh hồn của tờ báo. Cuối tháng 8 năm 1848, khi Marx đi Berlin (Đức) và Viên (Áo) để quyên tiền cho việc tiếp tục xuất bản tờ báo, Engels thay thế cương vị Tổng Biên tập của Marx, đứng mũi chịu sào trước những truy bức không ngừng của vương quốc Phổ, ông đã thể hiện một nghị lực phi thường và tài năng tổ chức của một lãnh tụ cách mạng.

Tháng 10 năm 1848 Engels rời Barmen lên đường đi Bỉ để tránh lệnh truy nã của chính quyền Phổ. Nhà đương cục Bỉ không cho Engels cư trú chính trị và ngày 5 tháng 10 năm 1848, Engels đến Paris lưu lại ít ngày sau đó, đi Thụy Sĩ tham gia Đại hội các liên đoàn công nhân Đức. Engels được bầu vào Ủy ban Trung ương của tổ chức này.

Tháng Giêng năm 1849, Engels trở về Koln tiếp tục hoạt động cách mạng. Trên tờ báo Neue Rheinische Zeitung, Engels đánh giá cao chiến thuật quân sự của quân đội cách mạng Hongrie.

Ngày 10 tháng 5 năm 1849, Engels đến Elberfeld và được sung vào Ban quân sự trực tiếp lãnh đạo việc xây dựng công sự, trông coi tất cả các chiến luỹ trong thành phố đồng thời kiêm nhiệm phụ trách pháo binh. Sau cuộc khởi nghĩa ở Tây - Nam nước Đức, Engels đưa ra một kế hoạch đã suy nghĩ kỹ để triển khai cuộc đấu tranh cách mạng và dấy lên thành phong trào toàn nước Đức. Trong thời kỳ này bản thân Engels trực tiếp tham gia bốn trận đánh lớn, trong đó có trận Rastatt, một trận có ý nghĩa đặc biệt to lớn. Vì vậy mà sau đó, Engels đã viết trước tác Luận văn quân sự nổi tiếng.

Tháng 11 năm 1849, Engels đến London của nước Anh và được bổ sung ngay vào Ban Chấp hành Trung ương LĐNNCS mà Karl Marx đã cải tổ sau khi đến đây. Engels sống ở London một năm, trong thời gian đó ông đã viết các tác phẩm Cách mạng và phản cách mạng ở Đức, Cuộc chiến tranh nông dân ở Đức. Tháng 11 năm 1850, Engels buộc phải chuyển đến Manchester (Anh) và lại bắt đầu làm việc ở Văn phòng thương mại. Engels đặc biệt chú ý nghiên cứu các môn khoa học tự nhiên, môn quân sự, chính sách quốc tế. Cùng với Marx, Engels tham gia lãnh đạo Quốc tế I.

Tháng 9 năm 1870, Engels quay trở lại London và được đưa vào Tổng Hội đồng của Quốc tế I. Ở đó, Engels kiên trì đấu tranh chống lại quan điểm cơ hội của Phái Bakunin, Proudhon, Lassalle.

Năm 1872, Engels tham gia vào việc tổ chức chiến dịch bảo vệ Công xã Paris. Trong thời gian này, Engels viết một số tác phẩm có giá trị lý luận, đặc biệt là cuốn Chống Đuyrinh (1878) góp phần to lớn cho việc hoàn thiện lý luận của chủ nghĩa Marx.

Sau khi Karl Marx qua đời (1883), Engels là người lãnh đạo tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, hoàn thiện bản thảo và chuẩn bị cho in tập II và III của bộ Tư bản mà Marx chưa kịp hoàn thành.

Engels viết nhiều tác phẩm nổi tiếng vào những năm cuối đời: Nguồn gốc gia đình, Chế độ tư hữu và Nhà nước (1884), Luivich Phoiơbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức (1866); Biện chứng tự nhiên; Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức (1894). Những tác phẩm này của Engels, ngoài ý nghĩa tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản khoa học, còn có ý nghĩa về mặt giá trị lý luận và thực tiễn cao, đồng thời làm phong phú thêm chủ nghĩa Marx.

Friedrich Engels mất ngày 5 tháng 8 năm 1895 tại làng Yoking, London.

Nói về ông, V.I. Lênin đã khẳng định Friedrich Engels là một “bó đuốc sáng ngời” trong những trí tuệ anh minh, là một “trái tim vĩ đại” trong những trái tim nhân loại.

Kỷ niệm 201 năm ngày sinh Friedrich Engels, “chúng ta bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân sự thông thái, tấm gương nhân hậu, thủy chung, khiêm nhường của ông - nhà bác học, người thầy lỗi lạc của giai cấp vô sản hiện đại. Di sản của ông luôn là những định hướng về trí tuệ để chúng ta nhận thức và hành động, luôn là tấm gương về phẩm hạnh để chúng ta học tập, vận dụng, phát triển trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo toàn dân đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh - một xã hội mà ở đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người mà cả cuộc đời của ông đã cống hiến để mong đạt đến”[1].

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

_____________________

[1] Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng), nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Ông đã viết.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo