Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Đột phá trong hỗ trợ doanh nghiệp bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực

Quang cảnh buổi tọa đàm

(Thanhuytphcm.vn) – “Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; khơi thông dòng vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh… đó là những vấn đề được các diễn giả, khách mời nêu ra tại tọa đàm "Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp" do Báo Người lao động tổ chức vào chiều 6/2.

Đột phá hỗ trợ doanh nghiệp

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước nước (NHNN) chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh khẳng định, nguồn vốn tín dụng NH đã và đang giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều năm qua. Trên cơ sở Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của NHNN về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, NHNN chi nhánh TPHCM sẽ triển khai 3 nhiệm vụ chính, gồm triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; tiếp tục tổ chức tốt hoạt động kết nối NH và DN; tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua chương trình kết nối với HUBA và các quận, huyện, với nội hàm gắn với gói 2% lãi suất và gắn với cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tiếp tục phát triển trong năm 2023. Cụ thể, phối hợp thực hiện tốt gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN nhằm tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh tăng trưởng và phát triển trong năm 2023; tổ chức đối thoại doanh nghiệp và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN trên cơ sở phối hợp với hiệp hội DN, các hội ngành nghề và đặc biệt là UBND các quận huyện trên địa bàn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) nhận định, thị trường BĐS đang rất khó khăn. Năm 2022 là năm mà tính chất khó khăn khắc nghiệt nhất của DN, nhà đầu tư, người tiêu dùng BĐS. Năm 2023 là năm bản lề, mang tính “sống còn” của DN BĐS. Theo ông, trong những khó khăn thì vướng mắc pháp lý là lý do lớn nhất, cần tập trung tháo gỡ. Tiêu biểu Nghị quyết 16 của Trung ương, với mục tiêu ghi rõ là đến hết 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật đất đai 2013 và một số luật liên quan để đồng bộ. Ví dụ, Luật đầu tư chỉ ghi phù hợp quy hoạch đô thị nhưng Nghị quyết 21 hướng dẫn luật thì lại hiểu là quy hoạch đô thị phải phù hợp quy hoạch chi tiết 1/500, hay 1/2000. Từ đó, gây khó cho chủ trương xin dự án chứ không phải "tự động" được duyệt theo quy định của Luật. Nếu BĐS phục hồi, lan tỏa thì thúc đẩy rất nhiều ngành nghề khác.

Theo ông Lê Hoàng Châu, nếu năm 2023 này, không có giải pháp hiệu quả cho DN nói chung DN BĐS nói riêng sẽ có kết quả không tốt. “Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp. Mục tiêu 2023 sẽ giải quyết 26.000 sổ hồng cho người dân. Năm 2023 khó khăn cần thấu hiểu từ cơ quan Nhà nước, cùng đồng hành để đem lại điều tốt đẹp cho DN, cho người dân.” – ông Lê Hoàng Châu bày tỏ.

Cần có chính sách thúc đẩy cơ chế ưu đãi và đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực phát triển bền vững

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) về giải pháp tiếp cận nguồn vốn, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, NHNN và các ngân hàng cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa. Nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì DN không thể đầu tư nên cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư.

Các đại biểu tham dự tọa đàm Các đại biểu tham dự tọa đàm

TPHCM có chương trình cho vay kích cầu đầu tư hỗ trợ rất tốt cho DN giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, từ 2021 đến nay chương trình bị dừng. Cộng đồng DN rất mong TPHCM nối lại chương trình này để hỗ trợ vốn kích cầu đầu tư cho các ngành công nghiệp trọng điểm và các lĩnh vực giáo dục, môi trường... Đồng thời, kiến nghị Nhà nước có những chính sách thúc đẩy cơ chế ưu đãi và đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực phát triển bền vững.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, thị trường BĐS có vai trò lớn và tiềm năng lớn của nền kinh tế. Phát triển BĐS là nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và là động lực cho nền kinh tế. Khôi phục thị trường BĐS là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay.

“Theo phản ánh của các DN BĐS, 70% vướng mắc hiện nay của các DN đến từ thủ tục hành chính. Nếu đúng như vậy thì quan trọng hàng đầu phải là giải quyết vướng mắc thủ tục và thể chế. Cải cách thể chế vẫn là nhiệm vụ hàng đầu và lả giải pháp đột phá từ Nghị quyết 01 trong năm nay cũng như các năm tới.” –  Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Ngày 6/1/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP (Nghị quyết 01) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Theo đó, Chính phủ xác định tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chú trọng triển khai giải pháp lành mạnh hóa, phát triển an toàn, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản. Tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khuyến khích tổ chức tín dụng giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo