Thứ Tư, ngày 9 tháng 10 năm 2024

Đồng chí Trần Văn Giàu - nhà cách mạng bản lĩnh, nhà giáo uyên bác

(Thanhuytphcm.vn) - Đồng chí Trần Văn Giàu sinh ngày 14 tháng 7 âm lịch năm Tân Hợi, tức ngày 6 tháng 9 năm 1911 (tài liệu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh, ký hiệu KHIIA-45/291 ghi ngày sinh là 11 tháng 9 năm 1911).

Giáo sư, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu. (Nguồn: Gia đình đồng chí Trần Văn Giàu cung cấp) Giáo sư, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu. (Nguồn: Gia đình đồng chí Trần Văn Giàu cung cấp)

Năm 1922, đồng chí học sơ học và tiểu học ở quê nhà, đến năm 1925 đậu bằng Tiểu học Pháp - Việt.

Tháng 9 năm 1925, đồng chí Trần Văn Giàu lên Sài Gòn học tại Trường Trung học Chasseloup Laubat (nay là Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn) giữa lúc phong trào Nguyễn An Ninh đang gây tiếng vang lớn.

Năm 1928, sau khi tốt nghiệp Tú tài, đồng chí được gia đình cho sang Pháp du học tại Đại học Toulouse.

Tháng 3 năm 1929, đồng chí trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, tham gia tích cực trong phong trào công nhân, phong trào đấu tranh của du học sinh và công nhân người Việt ở thành phố Toulouse.

Tháng 5 năm 1930, đồng chí từ Toulouse lên Paris tham gia biểu tình trước Dinh Tổng thống Pháp, đòi hủy án tử hình đối với các thủ lĩnh và chiến sĩ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Đồng chí bị Pháp trục xuất về Việt Nam.

Tháng 8 năm 1930, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong thời gian này, còn làm giáo viên môn văn và lịch sử tại Trường Trung học tư thục Huỳnh Công Phát tại Sài Gòn.

Đầu năm 1931, đồng chí Trần Văn Giàu bí mật lên tàu Cap St. Jacques sang Pháp lần thứ hai. Tại Marseille, đồng chí biên tập bài vở cho tờ báo Vô sản của Đảng bộ Cộng sản Marseille. Cuối tháng 4 năm 1931, đồng chí Trần Văn Giàu rời Pháp để sang Liên Xô học tại Trường Đại học Phương Đông ở Moscow. Tại Moscow, đồng chí còn tham gia dự thảo Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1933, đồng chí bảo vệ thành công đề tài tốt nghiệp “Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương”, sau đó rời Moscow về nước. Trở về nước lần thứ hai trong bối cảnh cách mạng nước nhà đang bị thực dân Pháp dìm trong biển máu với chính sách “khủng bố trắng”, ngày 13 tháng02 năm 1933, đồng chí Trần Văn Giàu bị địch bắt nhưng không mang theo tài liệu nên chỉ bị Tòa thượng thẩm Sài Gòn kết án 5 năm tù treo về tội vô gia cư. Đồng chí tích cực tìm cách móc nối cơ sở, phát triển lực lượng, gầy dựng lại Xứ ủy Nam Kỳ. Tháng 8 năm 1933, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.

Tháng 12 năm 1934 và tháng 2 năm 1935, đồng chí hai lần đến Ma Cao để tham gia công tác chuẩn bị và dự Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ Ma Cao trở về, đồng chí sa vào tay giặc và phải chịu mọi cực hình tra tấn từ Khám Lớn Sài Gòn đến địa ngục trần gian Côn Đảo. Năm 1936, tại Côn Đảo, đồng chí lãnh đạo cuộc tuyệt thực và chống làm khổ dịch của 2.000 tù chính trị và thường phạm; tháng 6 năm 1936, đồng chí bị đưa về đất liền và tiếp tục bị giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Năm 1940, đồng chí mãn hạn tù, nhưng 9 ngày sau lại bị bắt và bị đưa đi “an trí” ở căng Tà Lài.[1]

Tổng thống Pháp F. Mitterrand và GS. Trần Văn Giàu. (Nguồn: Gia đình đồng chí Trần Văn Giàu cung cấp) Tổng thống Pháp F. Mitterrand và GS. Trần Văn Giàu. (Nguồn: Gia đình đồng chí Trần Văn Giàu cung cấp)

Tháng 3 năm 1941, đồng chí cùng 7 đồng chí khác tổ chức vượt ngục Tà Lài thành công. Những năm tháng sau đó, đồng chí bền bỉ đi khắp nơi gầy dựng lại cơ sở, phát động lại phong trào. Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Trần Văn Giàu lãnh đạo đã gấp rút tiến hành khôi phục hệ thống tổ chức Đảng các cấp, trong đó đặc biệt chú trọng đến tổ chức Đảng của thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhiệm vụ khôi phục tổ chức tại thành phố này được đích thân đồng chí Trần Văn Giàu phụ trách.

Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 10 năm 1943, đại biểu tổ chức Đảng các tỉnh thành họp hội nghị ở Chợ Gạo (tỉnh Mỹ Tho) quyết định tái lập Xứ ủy Nam Kỳ. Đồng chí Trần Văn Giàu không có mặt, hội nghị bầu đồng chí Dung Văn Phúc (tức Dương Quang Đông) làm Bí thư. Đồng chí Phúc tạm nhận chức Bí thư và tuyên bố sẽ trao lại chức vụ này cho đồng chí Trần Văn Giàu, hội nghị đồng ý.

Đến đầu năm 1945, tổ chức Đảng và các đoàn thể cách mạng được củng cố, kiện toàn lớn mạnh hơn trước. Với nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, trong điều kiện xa Trung ương, đồng chí cùng Xứ ủy quán triệt những chỉ thị của Trung ương Đảng, chủ động tổ chức phong trào Thanh niên Tiền phong - một phong trào thanh niên yêu nước hoạt động công khai do Xứ ủy chỉ đạo, cùng Thanh niên cứu quốc, đội ngũ đông đảo trong phong trào công nhân và nhân dân lao động xây dựng một đạo quân chính trị hùng hậu, làm nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trong bão táp cách mạng của quần chúng giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và khắp các tỉnh Nam Bộ, góp phần quyết định sự toàn thắng của cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại của cả nước. Đồng chí được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời, gọi tắt là Lâm ủy Hành chính Nam Bộ. Trong cuộc mít tinh hơn một triệu người tham dự, đồng chí đã thay mặt chính quyền cách mạng hiệu triệu đồng bào ra sức giữ vững, bảo vệ nền độc lập của nước nhà.

Khi thực dân Pháp tái xâm lược nước ta, đồng chí Trần Văn Giàu cùng Xứ ủy đã tổ chức cuộc họp lịch sử tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi) vào đêm 22 rạng ngày 23 tháng 9 năm 1945, kêu gọi toàn dân nhất tề đứng lên kháng chiến theo lời thề “Độc lập hay là chết”. Đó là một quyết định táo bạo, sáng suốt, chính xác và kịp thời, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đánh giá cao.

Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch đã thực hiện chiến thuật “trong đánh ngoài vây” cầm chân giặc một tháng ở Sài Gòn, làm thất bại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của địch. Cách mạng tháng Tám 1945 giành chính quyền về tay nhân dân ở Nam Bộ cũng như sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc ta vào mùa thu ngày 23 tháng 9 năm 1945 là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là công lao của toàn Đảng, toàn dân ta, trực tiếp là của nhân dân Nam Bộ, trong đó có vai trò quan trọng của người lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp Trần Văn Giàu.

Tháng 2 năm 1946, đồng chí lên đường sang Campuchia, Thái Lan để kết nối với lực lượng Việt kiều yêu nước ở đây. Tại Thái Lan, theo sự phân công của Trung ương, đồng chí làm Phân xã trưởng Thông tấn xã Việt Nam ở Bangkok (thủ đô Thái Lan), phối hợp với Tổng ủy Việt kiều cứu quốc giúp nước bạn xây dựng lực lượng kháng chiến vừa vận động hậu cần, vũ khí cung cấp từ nước bạn cung cấp cho chiến trường Nam Bộ. Năm 1948, đồng chí Trần Văn Giàu hoàn thành nhiệm vụ ở Campuchia, Thái Lan và trở về Việt Nam.

Năm 1949, đồng chí Trần Văn Giàu tham gia Hội đồng Giáo dục Trung ương, là giảng viên triết học tại Trường Đại học Pháp lý ở chiến khu Việt Bắc. Đến tháng 3 năm 1950, đồng chí Trần Văn Giàu được cử làm Tổng Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam.

Từ năm 1951 đến năm 1954, đồng chí Trần Văn Giàu là Phó Giám đốc kiêm giảng viên triết học tại Trường Dự bị Đại học (sau chuyển thành Trường Sư phạm cao cấp) ở Thanh Hóa và Nghệ An.

Giáo sư Trần Văn Giàu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Nguồn: Gia đình đồng chí Trần Văn Giàu cung cấp) Giáo sư Trần Văn Giàu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Nguồn: Gia đình đồng chí Trần Văn Giàu cung cấp)

Từ một nhà cách mạng, hoạt động chính trị, đồng chí trở thành một giáo sư đại học mặc dù đồng chí Trần Văn Giàu bước vào sự nghiệp “trồng người”, làm thầy giáo đã từ lâu. Đồng chí đã từng trải qua làm giáo viên ở Trường Trung học Huỳnh Công Phát (Quận 1, Sài Gòn), rồi được Xứ ủy chỉ định làm giảng viên một tổ T.K (Thanh niên Cộng sản), từng làm “Thầy giáo đỏ” được tôn vinh là “Thầy giáo mác-xít giỏi nhất”. Trước Cách mạng Tháng Tám, vào thời kỳ 1944 - 1945, đồng chí làm thầy giáo của công nhân, cán bộ Công đoàn và trí thức tại Sài Gòn với nhiều chương trình và phương pháp truyền đạt khác nhau, tùy theo từng đối tượng.

Bắt tay vào nhiệm vụ mới trong ngành giáo dục, đồng chí Trần Văn Giàu đã cùng với các trí thức lớn đương thời đào tạo một thế hệ thanh niên trở thành các nhà quản lý, các nhà khoa học đầu đàn, các chuyên gia lớn của đất nước về khoa học và giáo dục.

Năm 1954, sau Hiệp định Genève, đồng chí Trần Văn Giàu được cử về tiếp quản các trường đại học ở Hà Nội. Khi thành lập Trường Đại học Sư phạm Văn khoa và Khoa học, đồng chí giữ cương vị Bí thư Đảng ủy nhà trường, trực tiếp giảng dạy các môn Khoa học chính trị, Triết học, Lịch sử cận hiện đại thế giới và Việt Nam. Năm 1956, khi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, đồng chí giữ chức Bí thư Đảng ủy của trường kiêm Chủ nhiệm sáng lập Khoa Lịch sử. Đồng chí đã góp phần lớn công sức và trí tuệ của mình để đào tạo những thế hệ các nhà sử học mác-xít đầu tiên cho đất nước, trong số đó có những người đã trở thành những tên tuổi lớn của nền sử học Việt Nam.

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đồng chí Trần Văn Giàu về sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, làm Chủ tịch Hội đồng khoa học Xã hội Thành phố, đồng thời cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch danh dự của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (từ nhiệm kỳ II-1990 đến hết nhiệm kỳ V-2010).

Giáo sư Trần Văn Giàu và Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại Hà Nội, ngày 31/10/1996. (Nguồn: Gia đình đồng chí Trần Văn Giàu cung cấp) Giáo sư Trần Văn Giàu và Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại Hà Nội, ngày 31/10/1996. (Nguồn: Gia đình đồng chí Trần Văn Giàu cung cấp)

Giáo sư Trần Văn Giàu là một nhà khoa học lớn của nước ta có uy tín cao không những trong nước mà cả trong giới khoa học thế giới. Giáo sư đã có hơn 150 công trình khoa học với hàng vạn trang sách đã được xuất bản. Các công trình khoa học của Giáo sư đã để lại một dấu ấn riêng, những phát hiện mới với những quan điểm có tính thuyết phục cao, thể hiện sự thống nhất giữa tính chiến đấu và tính khoa học.

Hàng ngàn trang sách viết về chủ nghĩa yêu nước, về Đảng, về Bác Hồ, về Quốc tế cộng sản, về kháng chiến chống xâm lăng, giai cấp công nhân Việt Nam, đến miền Nam giữ vững thành đồng và sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam ngồn ngộn tư liệu từ nhiều phía, nhiều nguồn, thể hiện công sức lao động miệt mài và rất nghiêm túc. Thế giới quan mác-xít được Giáo sư thể hiện rất sáng tạo, nhờ đó mà các công trình của Giáo sư được đánh giá cao, được tham khảo rộng rãi. Trong các công trình của Giáo sư Trần Văn Giàu, lịch sử thực sự được trình bày như là “sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, trong đó diện mạo, hình hài, tâm tư, nguyện vọng và hoạt động của quần chúng đã được tái hiện sinh động và cụ thể.

Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Xã hội Thành phố, Giáo sư Trần Văn Giàu đã tập hợp chung quanh mình những nhà nghiên cứu có trình độ cao để đẩy mạnh sự phát triển khoa học xã hội gắn liền với thực tiễn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội sôi động tại Thành phố Hồ Chí Minh, chủ biên nhiều cuốn sách về Nam Bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, có thể kể đến như: Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, Trí thức Sài Gòn - Gia Định (1945 - 1975), Nam Bộ xưa và nay, Sài Gòn xưa và nay. Ngoài những công trình nổi bật trên, trong thập kỷ 60 - 70 của thế kỷ XX, Giáo sư Trần Văn Giàu đã biên soạn và xuất bản cuốn Miền Nam giữ vững thành đồng gồm 5 tập nêu bật ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Nam Bộ, toát lên một niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh phi thường của nhân dân miền Nam cũng như sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Lúc tuổi đã cao, sức đã yếu, Giáo sư Trần Văn Giàu vẫn tiếp tục miệt mài khảo cứu, suy ngẫm, hoàn thiện những công trình đã ấp ủ từ trước đó và công bố những công trình mới như: Đạo làm người từ Lý Thường Kiệt đến Hồ Chí Minh (2006), Vĩ đại một con người (2008), Hồ Chí Minh, vĩ đại một con người (gần 1.000 trang, xuất bản 2010)…, đồng thời với sự tha thiết gởi gắm niềm khao khát cho những người kế tục sự nghiệp của mình tiếp tục có những công trình về ngành lịch sử, Giáo sư đã dùng tiền bán ngôi nhà của mình để chính quyền thành phố lập Giải thưởng Trần Văn Giàu, khuyến khích có những công trình khoa học về lịch sử vùng đất Nam Bộ và lịch sử tư tưởng vốn đang ít được nghiên cứu. Giáo sư còn dành một phần để xây dựng ngôi trường mẫu giáo mang tên Đỗ Thị Đạo - tên người vợ thủy chung, duy nhất của Giáo sư ở xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Giáo sư Trần Văn Giàu tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2000. (Nguồn: Gia đình đồng chí Trần Văn Giàu cung cấp) Giáo sư Trần Văn Giàu tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2000. (Nguồn: Gia đình đồng chí Trần Văn Giàu cung cấp)

Đồng chí Trần Văn Giàu, chiến sĩ kiên trung, xuất sắc thuộc thế hệ đầu tiên của vùng đất Nam Bộ.

Đồng chí Trần Văn Giàu, nhà lãnh đạo bản lĩnh, trí tuệ, năng động, nhạy bén, linh hồn của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và các tỉnh Nam Bộ.

Đồng chí Trần Văn Giàu, một nhân cách sáng ngời, một con người trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.[2]

Giáo sư Trần Văn Giàu là một nhà cách mạng lão thành, kiên trung, đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho suốt cuộc hành trình đầy gian lao khốc liệt mà rất đỗi anh hùng trong chặng đường lịch sử của Đảng và dân tộc ta.

Với sự đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Trần Văn Giàu đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:

- Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng,

- Huân chương Hồ Chí Minh,

- Huân chương Độc lập hạng Nhất,

- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất,

- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất,

- Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I,

- Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân,

- Danh hiệu Anh hùng Lao động.

Năm 2012, ngôi trường mang tên Trần Văn Giàu được khánh thành tại Phường 13, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đường Trần Văn Giàu đi qua huyện Bình Chánh và quận Bình Tân thông xe vào cuối năm 2015 và tiếp tục hoàn thành dự án. Dự án đường Trần Văn Giàu khi đưa vào sử dụng sẽ giúp hoàn chỉnh mạng lưới giao thông kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Long An phục vụ cho việc xây dựng và khai thác các Khu công nghiệp Tân Tạo, Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc, Pouyuen, chỉnh trang đô thị, cải thiện điều kiện giao thông khu vực.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

____________________

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng - Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1999, tr. 198.

[2] Theo các tài liệu:

- Đồng chí Trần Văn Giàu - Nhà cách mạng, nhà giáo, nhà khoa học - Dấu ấn một nhân cách, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017. Bài của đồng chí Lê Thanh Hải, đồng chí Trần Văn Giàu, chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, người hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

- Đồng chí Trần Văn Giàu - Nhà cách mạng, nhà giáo, nhà khoa học - Dấu ấn một nhân cách, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017.

- Lời điếu do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban lễ tang cấp Nhà nước, đọc tại Lễ truy điệu Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu.

- Trần Văn Giàu - Dấu ấn trăm năm, Nxb. Trẻ, 2015.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo